Thời hiệu khởi kiện và cách khắc phục thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện và cách khắc phục thời hiệu khởi kiện

Một trong những điều cần lưu ý khi tiến hành khởi kiện một vụ án chính là thời hiệu khởi kiện. Nếu quá thời hiệu khởi kiện thì yêu cầu khởi kiện có thể không được chấp nhận. Vậy thời hiệu khởi kiện là gì? Cách tính thời hiệu như thế nào?

I. THỜI HIỆU KHỞI KIỆN

1. Thời hiệu khởi kiện là gì?

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu khởi kiện và cách khắc phục thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là gì? (Ảnh: DHP Law)

2. Các loại thời hiệu

2.1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

2.2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

2.3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

2.4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

3. Cách tính thời hiệu

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

4. Các loại thời hiệu thường gặp

4.1. Thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không thỏa mãn một trong các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Cụ thể:

  • Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập, thực hiện giao dịch chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự thì thời hiệu là 02 năm kể từ ngày người đại diện của các chủ thể trên biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
  • Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, bị lừa dối đe dọa có thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày người đó biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do nhầm lẫn, lừa dối;
  • Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình có thời hiệu khởi kiện là 02 năm kể từ ngày người đó xác lập giao dịch;
  • Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ về hình thức như không lập thành văn bản, không công chứng có thời hiệu yêu cầu là 02 năm kê từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.

Hết thời hiệu 02 năm nêu trên, nếu không có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì giao dịch có hiệu lực pháp luật.

Đối với trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, do giả tạo thì thời hiệu khởi kiện không bị hạn chế, có nghĩa các bên có thể yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu vào bất kỳ thời điểm nào.

4.2 Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Tranh chấp hợp đồng dân sự là các tranh chấp liên quan đến những nội dung trong hợp đồng dân sự như: hợp đồng mua bán, hợp đồng vay, hợp đồng thuê…

Theo quy định của Bộ luật dân sự thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi của mình bị xâm phạm.

4.3 Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là: Bồi thường khi một người có lỗi và gây thiệt hại cho người khác, xuất phát từ quan hệ xã hội thông thường và không phát sinh từ hợp đồng. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thường hay gặp nhất đó là tai nạn giao thông hoặc thiệt hại do gia súc của người khác gây ra…

Trong trường hợp này các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Trường hợp có tranh chấp về mức bồi thường hoặc bên có lỗi không bồi thường thì bên bị thiệt hại hoặc một trong các bên có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp về bồi thường.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền; lợi ích của mình bị xâm phạm.

4.4 Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm đối với di sản thừa kế là động sản; 30 năm đối với di sản thừa kế là bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản thừa kế chết.

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu Tòa án xác nhận quyền được thừa kế của mình hoặc không nhận quyền thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (ví dụ: anh A là con riêng của ông B, để được nhận một phần di sản thừa kế của ông B thì A sẽ có thời hạn 10 năm kể từ ngày ông B mất để yêu cầu Tòa công nhận là cha con và được hưởng thừa kế).

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

II. CÁC TRƯỜNG HỢP TÍNH LẠI THỜI HIỆU VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG TÍNH THỜI HIỆU

A. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

CÁC TRƯỜNG HỢP TÍNH LẠI THỜI HIỆU
Cách tính thời hiệu khởi kiện (Ảnh: DHP Law)

B. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

  1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
  3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
  4. Trường hợp khác do luật quy định.

C. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;

b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

D. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Trong một số trường hợp, thời hiệu đã hết nhưng vẫn có cách khắc phục thời hiệu, như các trường hợp sau đây

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

   a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.

2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của DHPLaw.

Để được hỗ trợ và tư vấn vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

  • HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
  • HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội
  • HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
  • HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Bạc Liêu: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

* Hotline: 19008616

* Email: Contact@dhplaw.vn

* Website: dhplaw.vn

* Facebook: facebook/luatdhp

Post Author: Luật DHP