TANDTC hướng dẫn cách xác định người đại diện, hoạt động của HTX

Khi giải quyết tranh chấp dân sự mà có một bên là Hợp tác xã (HTX), nhưng đương sự không xác định được địa chỉ, không tìm được người đại diện theo pháp luật của HTX thì xử lý như thế nào?

Về vấn đề này, ngày 07/4/2017, TANDTC đã ban hành Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC hướng dẫn TAND, TAQS các cấp và các đơn vị trực thuộc TANDTC giải quyết như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án có thể tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định tình hình hoạt động và người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã tham gia tố tụng, tùy từng trường hợp xử lý như sau:

– Trường hợp hợp tác xã chưa bị giải thể, chưa bị tuyên bố phá sản; hợp tác xã không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Hợp tác xã năm 2003 và khoản 2 Điều 54 Luật hợp tác xã năm 2012 thì căn cứ vào quyết định thành lập hợp tác xã, điều lệ hoạt động của hợp tác xã (nếu có) để xác định người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã. Nếu người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã chết thì những xã viên còn sống (theo Luật hợp tác xã năm 2003) hoặc những thành viên hợp tác xã (theo Luật hợp tác xã năm 2012) còn sống có quyền bầu hoặc cử người đại diện tham gia tố tụng. Trường hợp không thể bầu hoặc cử người đại diện tham gia tố tụng thì Tòa án yêu cầu thành viên hợp tác xã còn sống tham gia tố tụng.

– Trường hợp hợp tác xã đã bị chia, tách: Theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Hợp tác xã năm 2012 thì các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của hợp tác xã bị chia, tách và là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã bị chia, tách. Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mới sẽ tham gia tố tụng tại Tòa án.

– Trường hợp hợp tác xã bị hợp nhất, sáp nhập với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác thì người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sau khi hợp nhất, sáp nhập sẽ tham gia tố tụng.

– Trường hợp hợp tác xã chưa bị giải thể, chưa bị tuyên bố phá sản nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật hợp tác xã năm 2012 thì Ủy ban nhân dân cùng cấp với cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã phải ra quyết định giải thể hợp tác xã đó. Tòa án yêu cầu Ủy ban nhân dân giải quyết theo thẩm quyền và căn cứ điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

– Trường hợp hợp tác xã đã có quyết định giải thể mà việc xử lý tài sản chung và vốn (Luật hợp tác xã năm 2012 gọi là tài sản không chia) của hợp tác xã được giải quyết theo Điều 36 Luật hợp tác xã năm 2003, khoản 2 Điều 48 Luật hợp tác xã năm 2012, Điều 21 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã năm 2012. Theo đó, khi giải thể hợp tác xã, một phần tài sản chung không chia được giao cho chính quyền địa phương quản lý thì người đại diện cho chính quyền địa phương (nơi quản lý tài sản của hợp tác xã) sẽ là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã và tham gia tố tụng tại Tòa án.

– Trường hợp hợp tác xã đã có quyết định tuyên bố phá sản thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định của Luật phá sản.

Nguồn: Theo kiemsat.vn

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Giấy phép, Thuế,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh