Đăng ký nhãn hiệu địa lý (phần 3)

Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ NHÃN HIỆU VÀ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ (Phần cuối)

II. Khái quát về chỉ dẫn địa lý

 1. Điều kiện bảo hộ, căn cứ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý là việc Nhà nước, các cơ quan chức năng và các chủ thể, thông qua hệ thống pháp luật tiến hành các hoạt động liên quan đến việc xác lập, khai thác, quản lý và bảo vệ các chủ thể chống lại các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện sau:

“1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

  1. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.”

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý:

– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam. Cụ thể như trường hợp các chỉ dẫn địa lý: Cognac, Whisky, Vodka (cho sản phẩm rượu) đều là địa danh của Pháp, Anh và Nga nhưng đã trở thành tên gọi chung hàng hóa, mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý và không được bảo hộ như là chỉ dẫn địa lý.

– Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài mà tại nước đó chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng.

– Chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ, nếu việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó được thực hiện thì sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

– Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Chủ sở hữu và quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

     2.1 Chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý

Chủ sở hữu của các chỉ dẫn địa lý thuộc lãnh thổ Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

2.2  Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý

Nhà nước là chủ sở hữu của các chỉ dẫn địa lý thuộc lãnh thổ Việt Nam, do đó, quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Người thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó. Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý được cấp cho người thực hiện quyền đăng ký nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý. Trong đó, văn bảng bảo hộ ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.

3. Nội dung, giới hạn quyền và thời hạn bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý

    3.1  Nội dung bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý

Như đã nêu ở mục 1.2.3, Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Trong đó, Tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền sử dụng, quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có các quyền sau:

– Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Cụ thể, hành vi cho phép người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý gồm:

+ Cho phép người khác gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

+ Cho phép người khác lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán hàng hóa có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;

+ Cho phép người khác nhập khẩu hàng hóa có mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

– Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Cụ thể, tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp sau:

+ Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

+ Sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nếu nhãn hiệu đó đã đạt được sự bảo hộ một cách trung thực trước ngày nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó;

+ Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, pháp luật còn quy định các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

“a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

  1. b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;
  2. c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;
  3. d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy.”

     3.2  Giới hạn quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Các giới hạn đối với quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý không bắt nguồn từ nghĩa vụ sử dụng hay quyền sử dụng trước. Giới hạn đối với quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý chủ yếu trong quy định về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý. Cụ thể: Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý không được phép chuyển nhượng. Bởi đơn giản, chỉ dẫn địa lý được xem như là một lại tài sản quốc gia, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý trên lãnh thổ Việt Nam thuộc về Nhà nước Việt Nam. Tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền định đoạt chỉ dẫn địa lý, do đó, không thể chuyển nhượng chỉ dẫn địa lý cho bất kỳ tổ chức, cá nhân hay quốc gia nào khác. Ngoài ra, đối với cá nhân, tổ chức được cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý thì cá nhân, tổ chức này cũng không thể chuyển quyền sử dụng của mình cho bất kỳ bên thứ ba nào khác.

      3.3  Thời hạn bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý không phải luôn được bảo hộ vĩnh cữu, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý vẫn có thể bị chấm dứt. Hậu quả tất yếu là chỉ dẫn địa lý không còn được bảo hộ. Giấy chứng nhận đăng ký đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chỉ dẫn địa lý sẽ bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp: Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó. Đây là quy định rất hợp lý vì điều kiện bảo hộ cơ bản của chỉ dẫn địa lý là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Sở hữu trí tuệ một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh