HỢP ĐỒNG MUA BÁN TRÁI PHIẾU VÔ HIỆU TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO VÀ XỬ LÝ HẬU QUẢ NHƯ THẾ NÀO?

Thời gian vừa qua liên tục xảy các vấn đề sai phạm xoay quanh về việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các Nhà đầu tư. Nhiều Nhà đầu tư quan tâm đã đặt ra vấn đề về việc các sai phạm của doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu ra thị trường có dẫn đến việc hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu hay không và xử lý hậu quả như thế nào? Hãng Luật DHP với đội ngũ Luật sư nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp cũng như trong lĩnh vực trái phiếu, cổ phiếu,…. sẽ giải đáp vấn đề trong bài viết này.

  1. Hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu trong trường hợp nào?

Trước tiên, hợp đồng mua bán trái phiếu là một giao dịch dân sự, do đó việc xác định hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu trong trường hợp nào thì cần phải tuân theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng như pháp luật về chứng khoán hiện hành, hợp đồng mua bán trái phiếu có thể vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

  • Thứ nhất, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do việc xác lập, thực hiện hợp đồng trái với đạo đức xã hội, vi phạm các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán, pháp luật về mua bán trái phiếu không cho phép các bên thực hiện như: không tuân thủ quy trình phát hành trái phiếu, điều kiện mua bán trái phiếu,……
  • Thứ hai, Nhà đầu tư trái phiếu không đủ điều kiện mua trái phiếu. Theo đó, Điều 8 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định rằng: Đối tượng mua trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Đối tượng mua trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật chứng khoán, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
  • Thứ ba, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do hợp đồng được xác lập nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác.
  • Thứ tư, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện hợp đồng.
  • Thứ năm, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do có sự nhầm lẫn trong việc xác lập hợp đồng dẫn đến một trong các bên không đạt được mục đích của việc mua bán trái phiếu này.
  • Thứ sáu, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do một bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép làm cho mục đích của việc xác lập hợp đồng mua bán không đạt được.
  • Thứ bảy, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi ký kết hợp đồng của mình.
  • Thứ tám, hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu do không được xác lập bằng văn bản.
  1. Xử lý hậu quả của hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu?

Trong trường hợp mà hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu thì hậu quả được xử lý như sau:

  • Thứ nhất, việc hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của bên phát hành trái phiếu và bên mua trái phiếu kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập.
  • Thứ hai, các bên hoàn trả lại gì cho nhau những gì đã nhận. Bên mua trái phiếu trả lại những khoản tiền lãi trái phiếu đã nhận; bên phát hành trái phiếu phải trả lại số tiền mua trái phiếu mà bên mua đã chuyển giao.
  • Thứ ba, bên nào có lỗi dẫn đến hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu thì phải bồi thường cho bên kia.

Trên đây là những lời tư vấn của Hãng luật DHP về những trường hợp hợp đồng mua bán trái phiếu vô hiệu và hậu quả pháp lý của việc vô hiệu của hợp đồng. Cảm ơn quý khách hàng đã xem bài viết, hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho quý khách hàng.

 

HÃNG LUẬT DHP 

Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0986.938.627

Website: dhplaw.vn

Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: Luật DHP