Rủi ro pháp lý khi góp vốn vào Công ty cổ phần bằng Hợp đồng góp vốn khi công ty vỡ nợ hoặc phá sản

HỎI

Xin Luật sư hãy tư vấn giúp tôi. Tôi muốn góp vốn vào 1 công ty cổ phần, tôi muốn hỏi là Hợp đồng góp vốn như vậy có vấn đề gì không và có bảo đảm quyền lợi của tôi khi xảy ra sự cố liên quan đến công ty, doanh nghiệp như vỡ nợ, phá sản…

ĐÁP

Với câu hỏi của bạn, DHP LAW xin giải đáp thắc mắc như sau:

Về hợp đồng góp vốn của bạn, ngoài một số điểm còn chưa đúng pháp luật và chưa rõ ràng có thể dẫn đến tranh chấp về sau thì bên cạnh đó còn thiếu một số điều khoản quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho bạn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, bạn góp vốn vào Công ty (cụ thể là Công ty cổ phần…) thì bên nhận góp vốn phải là Công ty chứ không phải là cá nhân (cụ thể Bà: Nguyễn….). Trường hợp bạn để bên nhận góp vốn là cá nhân thì đây sẽ là hợp đồng góp vốn hợp tác giữa hai cá nhân với nhau. Như vậy, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền (Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị) quyết định việc góp vốn này mà không đồng ý với việc góp vốn này của bạn thì hợp đồng này không có giá trị pháp lý và ràng buộc trách nhiệm đối với công ty. Do vậy, bạn phải sửa đổi lại chủ thể bên nhận góp vốn trong Hợp đồng.

Thứ hai, trong hợp đồng không quy định quyền kiểm tra sổ sách tài chính của bạn. Trường hợp bên nhận góp vốn có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến trên sổ sách chứng từ không có lợi nhuận thì quyền lợi của bạn sẽ không đảm bảo và bạn sẽ không được chia lợi nhuận. Bạn nên quy định bổ sung điều khoản này để đảm bảo cho việc đầu tư của bạn có hiệu quả.

Thứ ba, trong hợp đồng không quy định điều khoản khi công ty giải thể hoặc phá sản thì quyền lợi của bạn như thế nào? Việc giải thể công ty là do Đại hội đồng cổ đông công ty quyết định mà Đại hội đồng cổ đông chính là đại hội của các cổ đông. Trong công ty cổ phần thì các cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần. Do vậy, quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất kỳ lúc nào cũng có thể thay đổi. Vây nên khi công ty bị giải thể hoặc phá sản trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn, cụ thể bạn nên quy định thêm các điều khoản:

– Trường hợp công ty giải thể thì trước khi thực hiện thủ tục giải thể tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì phải thông báo cho bên bạn và phải hoàn trả hoặc bồi thường một số tiền cụ thể nào đó do bên bạn đưa ra.

– Trường hợp công ty phá sản thì khoản tiền góp vốn được coi là khoản tiền vay của công ty với cá nhân và công ty sẽ phải thực hiện nghĩa vụ với bạn như nghĩa vụ thanh toán cho chủ nợ theo quy định của Luật phá sản.

Thứ tư, về điều khoản mục đích góp vốn, bạn nên quy định thêm nội dung góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh của công ty nếu bạn mong muốn số tiền đầu tư vào công ty để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Thứ năm, hợp đồng không quy định trường hợp sau này các cổ đông trong công ty chuyển nhượng cổ phần cho người khác hoặc trường hợp người quản lý công ty thay đổi dẫn đến hợp đồng góp vốn này bị chấm dứt thì lúc đó quyền lợi của bạn trực tiếp bị ảnh hưởng mà không phải do lỗi của bạn. Do vậy, bạn nên bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường của công ty trong trường hợp này trong Hợp đồng.

Thứ sáu, trong hợp đồng không quy định về trường hợp các bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi một trong hai bên có vi phạm nghĩa vụ hoặc không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng; hoặc quy định trường hợp bên bạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo trước cho Công ty một thời gian hợp lý khi thấy Công ty làm ăn không có lãi mà chỉ thấy trong hợp đồng quy định trường hợp bạn được rút vốn hoặc chuyển nhượng khi hết thời hạn góp vốn. Do vậy, bạn nên bổ sung quy định này trong Hợp đồng để bảo vệ quyền lơi cho bạn.

Trên đây là một số ý kiến tư vấn của DHP LAW, nếu bạn có thắc mắc vấn đề nào hãy liên hệ với chúng tôi.

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Bất động sản,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh