HỆ THỐNG CÁC TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA DOANH NGHIỆP

Hiện tại không có luật nào quy định doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc giao dịch thì Công ty nên mở ít nhất một tài khoản ngân hàng. Đối với một công ty mới thành lập, nếu bạn không tìm hiểu trước, thì việc mở tài khoản ngân hàng cho công ty cũng sẽ gây mất nhiều thời gian. Bài viết dưới đây, Văn phòng luật sư Trần Đức Hùng và Cộng sự sẽ gửi đến quý độc giả, khách hàng đối tượng áp dụng, hồ sơ, thủ tục mở các loại tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.

I. TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA DOANH NGHIỆP

1. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hệ thống tài khoản thanh toán của doanh nghiệp

– Tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam;

– Tài khoản thanh toán bằng đồng ngoại tệ (USD, Yên, EUR …)

3. Hồ sơ mở tài khoản thanh toán

– Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán kèm bản đăng ký mẫu dấu, mẫu chữ ký do người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản ký tên, đóng dấu;

– Các giấy tờ chứng minh tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp, gồm: điều lệ, quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư;

– Thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp đã được chấp thuận.

– Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đại diện hợp pháp của tổ chức mở tài khoản thanh toán và thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;

– Văn bản hoặc quyết định bổ nhiệm và thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán, người kiểm soát chứng từ giao dịch với Ngân hàng.

Lưu ý:

– Các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán là bản chính hoặc bản sao. Nếu giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt và được công chứng theo quy định của pháp luật.

– Tùy vào quy định của từng Ngân hàng cụ thể mà có thể thêm hoặc bớt một số hồ sơ mở tài khoản nêu trên.

4. Trình tự, thủ tục mở tài khoản thanh toán:

– Khi có nhu cầu mở tài khoản thanh toán, tổ chức mở tài khoản thanh toán lập 01 (một) bộ hồ sơ như nêu trên nộp trực tiếp đến Ngân hàng nơi đề nghị mở tài khoản thanh toán.

– Khi nhận được hồ sơ mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng phải kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ và đối chiếu với các yếu tố đã kê khai tại giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán, đảm bảo sự khớp đúng, chính xác.

Trường hợp giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán là bản sao mà không phải là bản sao được chứng thực, bản sao được cấp từ sổ gốc thì tổ chức mở tài khoản thanh toán phải xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu phải ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.

– Trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ mở tài khoản thanh toán của tổ chức mở tài khoản thanh toán, Ngân hàng phải giải quyết việc mở tài khoản thanh toán như sau:

– Trường hợp hồ sơ mở tài khoản thanh toán đầy đủ và hợp lệ, các yếu tố kê khai tại Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán khớp đúng với các giấy tờ liên quan trong hồ sơ, Ngân hàng mở tài khoản thanh toán và thông báo cho khách hàng biết về số hiệu và ngày bắt đầu hoạt động của tài khoản thanh toán;

– Trường hợp hồ sơ mở tài khoản thanh toán chưa đầy đủ, chưa hợp lệ hoặc còn có sự sai lệch giữa các yếu tố kê khai tại giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán với các giấy tờ liên quan trong hồ sơ, Ngân hàng thông báo cho khách hàng biết để hoàn thiện hồ sơ, gửi Ngân hàng xem xét, giải quyết.

– Trường hợp Ngân hàng Nhà nước từ chối mở tài khoản thanh toán thì phải thông báo lý do cho khách hàng biết.

5. Sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức:

– Tài khoản thanh toán của tổ chức phải được thông báo với Sở Kế họach & Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở.

– Tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng được sử dụng để nộp, rút tiền mặt, phát hành séc, hạch toán, theo dõi và thực hiện các lệnh thanh toán qua các hệ thống thanh toán do Ngân hàng tổ chức và vận hành, thanh toán từng lần qua tài khoản và các dịch vụ thanh toán khác do Ngân hàng cung ứng.

II. TÀI KHOẢN VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP

1. Đối tượng áp dụng:

Ngoài việc mở tài khoản thanh toán thì các đối tượng doanh nghiệp sau đây được mở thêm tài khoản vốn đầu tư trực tiếp:

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam;

– Nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

2. Nội dung, mục đích của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp

– Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mở tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật.

– Để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại 01 (một) ngân hàng được phép (bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật) để thực hiện các giao dịch thu, chi quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư số 19/2014/TT-NHNN.

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh được mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ lựa chọn để thực hiện góp vốn đầu tư.

Tương ứng với loại ngoại tệ lựa chọn để thực hiện góp vốn đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ đó để thực hiện góp vốn đầu tư.

– Trường hợp thực hiện các khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được mở thêm tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp để thực hiện các giao dịch thu chi hợp pháp liên quan đến khoản vay nước ngoài và các giao dịch thu chi quy định tại Điều 7 Thông tư số 19/2014/TT-NHNN.

– Trường hợp có nhu cầu mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một ngân hàng được phép khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phải đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở, chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản mới. Thủ tục mở, đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp được thực hiện theo quy định của ngân hàng được phép.

– Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ được thực hiện các giao dịch thu chi trên tài khoản vốn đầu tư trực tiếp mới mở sau khi đã đóng và tất toán tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở trước đây.

3. Hồ sơ, thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp

Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh liên hệ với một ngân hàng tại Việt Nam để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ mở tài khoản, bao gồm:

– Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu của ngân hàng;

– Bản sao y Giấy chứng nhận đầu tư;

– Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Bản sao y Hộ chiếu (đối với cá nhân), giấy phép hoạt động (đối với tổ chức) của nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn trong doanh nghiệp;

– Bản sao hợp đồng hợp tác kinh doanh;

– Và một số hồ sơ khác theo yêu cầu của từng ngân hàng.

4. Sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp

a. Sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ

Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp sau đây:

a.1. Các giao dịch thu:

– Thu tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Thu tiền rút vốn bằng ngoại tệ từ các khoản vay trong nước và nước ngoài ngắn, trung, dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Thu tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

– Thu ngoại tệ từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài;

– Các khoản thu hợp pháp khác bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

a.2. Các giao dịch chi:

– Chi trả tiền gốc, lãi, phí của các khoản vay trong nước và nước ngoài ngắn, trung, dài hạn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Chi chuyển ngoại tệ sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài;

– Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép để chuyển vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài;

– Chi chuyển tiền thanh toán giá trị nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

– Chi chuyển lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng ngoại tệ từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam;

– Chi chuyển vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư, giảm vốn đầu tư hoặc kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

– Các khoản chi hợp pháp khác bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

b. Sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam

Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp sau đây:

b.1. Các giao dịch thu:

– Thu tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Thu lợi nhuận sau thuế được chia bằng đồng Việt Nam để thực hiện tái đầu tư tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tưtrực tiếp nước ngoài;

– Thu tiền rút vốn từ các khoản vay trong nước ngắn, trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam;

– Thu tiền rút vốn từ các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

– Thu tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

– Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép.

b.2. Các giao dịch chi:

– Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tưtrực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép;

– Chi chuyển lợi nhuận bằng đồng Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Chi trả tiền gốc, lãi, phí của các khoản vay trong nước ngắn, trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;

– Chi trả tiền gốc, lãi, phí của các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

– Chi chuyển tiền thanh toán giá trị nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

– Chi chuyển trả vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư, giảm vốn đầu tư hoặc kết thúc, thanh lý và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

III. TÀI KHOẢN VỐN ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP

1. Đối tượng áp dụng

Ngoài việc mở tài khoản thanh toán thì các đối tượng doanh nghiệp sau đây được mở thêm tài khoản vốn đầu tư gián tiếp:

– Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam (Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp;  Góp vốn, mua, bán cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường đăng ký giao dịch (UPCOM) và thị trường chứng khoán niêm yết và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp; Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam; Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam; Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (không trực tiếp tham gia quản lý) trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán).

– Các tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

2. Nội dung, mục đích của tài khoản vốn đầu tư gián tiếp

– Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

– Khi thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải mở một (01) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một (01) ngân hàng được phép (bao gồm ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh và hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật) để thực hiện các giao dịch thu chi được phép theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 05/2014/TT-NHNN.

– Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đang mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng được phép nhưng có nhu cầu mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng được phép khác, nhà đầu tư nước ngoài phải đóng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đã mở, chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản này sang tài khoản mới. Thủ tục mở, đóng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được thực hiện theo quy định của ngân hàng được phép.

– Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện các giao dịch thu chi trên tài khoản vốn đầu tư gián tiếp mới mở theo quy định nêu trên sau khi đã đóng và tất toán tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đã mở trước đây.

3. Hồ sơ, thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp

Nhà đầu tư nước ngoài liên hệ với một ngân hàng tại Việt Nam để mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp. Hồ sơ mở tài khoản, bao gồm:

– Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu của ngân hàng;

– Bản sao y Giấy chứng nhận đầu tư;

– Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Bản sao y Hộ chiếu (đối với cá nhân), giấy phép hoạt động (đối với tổ chức) của nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn trong doanh nghiệp;

– Thông báo góp vốn, mua cổ phần;

– Và một số hồ sơ khác theo yêu cầu của từng ngân hàng.

4. Sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp

Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu chi liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam sau đây:

a. Phần thu:

– Thu từ bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;

– Thu từ chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, bán chứng khoán và các giấy tờ có giá khác, nhận cổ tức, lãi từ trái phiếu và giấy tờ có giá phát sinh bằng đồng Việt Nam từ hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam;

– Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép;

– Thu chuyển khoản từ tài khoản của công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài (áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam dưới hình thức ủy thác đầu tư);

– Các giao dịch thu hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

b. Phần chi:

– Chi thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam dưới các hình thức quy định tại Điều 5 của Thông tư 05/2014/TT-NHNN ;

– Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển vốn, lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài;

– Chi thanh toán các chi phí hợp pháp phát sinh tại Việt Nam;

– Chi chuyển sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép;

– Chi chuyển khoản sang tài khoản của các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài (áp dụng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư gián tiếp tại Việt Nam dưới hình thức ủy thác đầu tư);

– Các giao dịch chi hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

IV. TÀI KHOẢN THANH TOÁN CỦA CÁC CÁ NHÂN NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI KHI VÀO VIỆT NAM ĐẦU TƯ

1. Đối tượng áp dụng

Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Hồ sơ mở tài khoản

– Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nơi mở tài khoản.

– Bản sao y Hộ chiếu, thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của chủ tài khoản hoặc tờ khai hải quan còn hiệu lực.

Lưu ý: Tùy vào quy định của từng Ngân hàng cụ thể mà có thể thêm hoặc bớt một số hồ sơ mở tài khoản nêu trên.

3. Sử dụng tài khoản thanh toán của người không cư trú là cá nhân

a. Sử dụng tài khoản ngoại tệ của người không cư trú là cá nhân

Người không cư trú là cá nhân được sử dụng tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng được phép (Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối) để thực hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

a.1. Thu:

– Thu ngoại tệ chuyển khoản từ nước ngoài chuyển vào;

– Thu ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài mang vào. Ngoại tệ tiền mặt nộp vào tài khoản phải có xác nhận của Hải quan cửa khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;

– Thu ngoại tệ chuyển khoản từ tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác ở trong nước;

– Thu ngoại tệ từ các nguồn thu hợp pháp khác trong nước, bao gồm: Lương, thưởng, phụ cấp, mua ngoại tệ từ nguồn đồng Việt Nam hợp pháp; Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

a.2. Chi:

– Chi bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng được phép;

– Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;

– Chi chuyển đổi ra các loại ngoại tệ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

– Chi chuyển đổi ra các công cụ thanh toán khác bằng ngoại tệ;

– Chi cho, tặng theo quy định của pháp luật;

– Chi rút ngoại tệ tiền mặt;

– Chi chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển khoản sang tài khoản ngoại tệ của người không cư trú khác;

– Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch được phép thanh toán trong nước bằng ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

b. Sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú là cá nhân

Người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài được sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép để thực Người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài được sử dụng tài khoản hiện các giao dịch thu, chi sau đây:

b.1. Thu:

– Thu từ việc bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép;

– Thu từ các nguồn thu hợp pháp tại Việt Nam, bao gồm: Thu chuyển khoản từ việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ; Thu nhập từ lương, thưởng, phụ cấp, thu các loại phí; Các nguồn thu hợp pháp khác bằng đồng Việt Nam.

b.2. Chi:

– Chi thanh toán hoặc rút tiền mặt để chi tiêu tại Việt Nam;

– Chi chuyển tiền, thanh toán cho các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối;

– Chi cho, tặng theo quy định của pháp luật (đối với người không cư trú là cá nhân, người cư trú là cá nhân nước ngoài);

– Chi mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép để chuyển ra nước ngoài;

– Chi cho các mục đích khác được pháp luật Việt Nam cho phép.

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: hung.dhp