GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI

1. PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

1.1 Khái niệm

Luật trọng tài thương mại Việt Nam định nghĩa: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại”

Nhìn chung ta có thể hiểu giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.

1.2 Đặc điểm khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thoả thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại có những đặc điểm cơ bản như sau:

  • Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
  • Tính chung thẩm của phán quyết: Phán quyết trọng tài là chung thẩm và không thể yêu cầu Tòa án xem xét lại nội dung phán quyết.
  • Tính linh hoạt trong thủ tục: Khác với các quy trình tố tụng nghiêm ngặt tại Tòa án, quy trình tố tụng trọng tài rất linh hoạt và có thể thay đổi tùy thuộc vào sự thoả thuận giữa các bên tranh chấp hoặc từng quy tắc tố tụng của các tổ chức trọng tài khác nhau, hoặc theo sự phán quyết của từng hội đồng trọng tài miễn là không vi phạm pháp luật hoặc các quy tắc của tổ chức trọng tài cũng như sự thảo thuận giữa các bên.
  • Thời gian giải quyết: Do chỉ có một cấp xét xử nên giải quyết tranh chấp trọng tài thông thường được hiểu là nhanh chóng hơn so với việc đưa ra xét xử tại Tòa án các cấp.
  • Tính bảo mật: Mọi thông tin về tranh chấp giải quyết bằng trọng tài thương mại sẽ không được công khai, vì riêng các thông tin liên quan đến việc tranh chấp có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, uy tín của doanh nghiệp. Điều này được quy định rõ như là một trong những nguyên tắc cơ bản của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại Việt Nam.
  • Chi phí: Chi phí giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thường cao hơn tại tòa án vì các bên tranh chấp phải trả phí trọng tài cho tổ chức trọng tài, thù lao cho trọng tài viên và các chi phí khác như phòng họp xét xử, phiên dịch, chuyên gia làm chứng,….Tuy nhiên vì thời gian giải quyết tranh chấp thông thường sẽ ngắn do chỉ có một cấp xét xử nên chi phí thực tế cũng có thể được giảm thiểu, vậy nên so với việc mất mát cho chi phí lớn doanh nghiệp thường có thể giải quyết vụ việc của mình nhanh hơn khi giải quyết tại Tòa án.

2. THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI TRUNG TÂM TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VIỆT NAM

Bước 1: Nguyên đơn nộp Đơn khởi kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí Trọng tài

Đơn khởi kiện phải có các nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của các bên;
  • Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
  • Cơ sở khởi kiện;
  • Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khởi kiện khác của Nguyên đơn;
  • Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên;

Đơn khởi kiện và các tài liệu đính kèm phải được lập thành 05 bản

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ Đơn khởi kiện và tài liệu liên quan hợp lệ, Trung tâm sẽ gửi cho Nguyên đơn thông báo tạm ứng phí trọng tài.

Nguyên đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn khởi kiện trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài

Bước 2: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

VIAC kiểm tra sơ bộ vấn đề về thẩm quyền, thụ lý Đơn khởi kiện

Trong vòng 10 ngày tiếp theo kể từ ngày nhận được chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài từ Nguyên đơn, Trung tâm sẽ gửi cho Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện của nguyên đơn, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.

Bước 3: Bị đơn nộp bản Tự bảo vệ và chỉ định trọng tài viên

Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ. Bản tự bảo vệ phải có các nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
  • Tên, địa chỉ của Bị đơn;
  • Cơ sở tự bảo vệ;
  • Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên;

Trong trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên.

Trung tâm có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ khi có yêu cầu gia hạn của Bị đơn. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để Trung tâm nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời hạn gia hạn gửi Bản tự bảo vệ.

Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện.

Bản tự bảo vệ và các tài liệu có liên quan phải được gửi đủ đủ số bản để Trung tâm gửi tới thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, tới Nguyên đơn một bản và lưu một bản.

=>Tố tụng trọng tài vẫn được tiến hành kể cả khi Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ.

Bước 4: Thành lập Hội đồng trọng tài

Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên: 

  • Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên chọn 1 Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định 1 Trọng tài viên.
  • Hai trọng tài viên được các bên chọn bầu 1 Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài; trường hợp hai trọng tài viên không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài trong thời hạn quy định thì Chủ tịch Trung tâm chỉ định một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất:

Nguyên đơn và bị đơn thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong trường hợp các bên không thống nhất được Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn quy định.

Bước 5: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ, thực hiện một số các công việc theo thẩm quyền

Hội đồng Trọng tài quyết định cách thức tiến hành tố tụng trên cơ sở thỏa thuận trọng tài và Quy tắc tố tụng của VIAC. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cũng xem xét yêu cầu của các Bên.

Hội đồng trọng tài thực hiện một số các công việc theo thẩm quyền như xác minh sự việc, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tậm thời.

Hội đồng Trọng tài nghiên cứu hồ sơ, có quyền xác minh sự việc, gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên bổ sung chứng cứ.

Bước 6: Hội đồng Trọng tài triệu tập các Bên đến phiên họp giải quyết vụ tranh chấp

Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp. Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải. Trường hợp hòa giải thành, Hội đồng trọng tài lập Biên bản hòa giải thành và ra Quyết định công nhận hòa giải thành.

Thời gian mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quyết định, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Nếu các bên không tham dự họp giải quyết vụ tranh chấp mà không có lý do chính đáng, Hội đồng Trọng tài vẫn có thể quyết định tiếp tục phiên họp và công bố Quyết định Trọng tài.

Bước 7:  Công bố Quyết định Trọng tài

Trường hợp không hòa giải hoặc không hòa giải thành, Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp cuối cùng.

Hội đồng Trọng tài gửi Phán quyết trọng tài tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài.

Quyết định Trọng tài được công bố sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với các Bên.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn, xin thân gửi đến Quý độc giả.

Nếu bạn muốn nhận được lời tư vấn cụ thể hơn xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Chúng tôi – HÃNG LUẬT DHP.

Với hệ thống đội ngũ luật sư cộng sự và chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, tài chính, kế toán đông đảo, am hiểu thực tế, có chuyên môn sâu sắc và có nhiều kinh nghiệm chuyên biệt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, HÃNG LUẬT DHP đã và đang cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý toàn diện cho các khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để được hỗ trợ và tư vấn, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây: HÃNG LUẬT DHP

HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Bạc Liêu: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Hotline: 19008616

Email: Contact@dhplaw.vn

Website: dhplaw.vn

Facebook: facebook/luatdhp

Post Author: Luật DHP