Hủy hợp đồng miệng giữa chừng có bị phạt không?

HỎI

Tôi và một người bạn tính mở chung một quán ăn bán đồ ăn sáng và trưa. Chúng tôi thỏa thuận bằng miệng với nhau là tôi sẽ là người bỏ tiền vốn còn bạn tôi góp mặt bằng để mở quán. Cả hai sẽ cùng nhau làm và lợi nhuận thu được sẽ chia đôi. Nhưng sau gần 2 tháng hoạt động chính thức, do việc làm ăn không suôn sẻ, bạn tôi lại hay mời bạn bè đến ăn không trả tiền với lý do là để câu khách từ từ nên tôi muốn bỏ, không làm nữa. Tôi xác định sẽ mất hết toàn bộ tiền vốn đã bỏ ra và cũng không có ý định đòi bất cứ thứ gì mà tôi đã mua để phục vụ việc kinh doanh nhưng bạn tôi lại bảo, tôi phải bồi thường thêm cho bạn tôi 10 triệu vì bỏ ngang nếu không bạn tôi sẽ kiện tôi ra tòa với lý do là tôi sử dụng trái phép mặt bằng. Xin hỏi, việc tôi bỏ ngang như vậy có bị xử phạt gì không?

Ảnh mang tính chất minh họa (nguồn Internet)

ĐÁP

DHP LAW trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Trong cuộc sống nói chung và trong hoạt động kinh doanh nói riêng, hợp tác là nhu cầu thiết yếu của các cá nhân, tổ chức. Nhờ có sự hợp tác mà mỗi công việc hay mục đích hướng tới của các chủ thể được thực hiện nhanh chóng hơn và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình giao lưu dân sự, giao thương trong đời sống kinh doanh, đời sống xã hội. Chính vì vậy, BLDS 2015 đã có quy định điều chỉnh về vấn đề này. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 504 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”.

Theo đó, việc bạn và bạn của bạn thỏa thuận với nhau về việc mở quán ăn, vấn đề góp vốn, cùng làm cùng hưởng lợi nhuận được xem hợp đồng hợp tác. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 504 BLDS 2015 cũng có quy định về hình thức của hợp đồng hợp tác phải là văn bản nên việc bạn và bạn của bạn thỏa thuận với nhau chỉ bằng lời nói mà không lập thành văn bản sẽ dẫn tới hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức của hợp đồng. Khi đó, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 131 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì trong trường hợp này, hợp đồng hợp tác bằng miệng giữa bạn và bạn của bạn sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Theo đó, việc bạn bỏ ngang như đã nêu không được coi là vi phạm hợp đồng (trong trường hợp các bạn có thỏa thuận như vậy) hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng nên bạn sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Mặt khác, do hợp đồng vô hiệu nên các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tuy nhiên, việc bạn và bạn của bạn đã mở quán ăn và quán ăn của các bạn đã hoạt động trên thực tế được gần 2 tháng, đây được xem là hoạt động thương mại theo quy định của Luật thương mại 2005 nên các bạn phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp các bạn không đăng ký kinh doanh thì có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 183/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thuế,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh