Điều kiện, thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024

Điều kiện, thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? Điều kiện nào để được cấp sổ đỏ cho hộ gia đình cá nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh?

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ là gì? (Ảnh: DHP Law)

Sổ đỏ thường được người dân gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì sổ đỏ ban hành trước ngày 10/12/2009 có tên gọi pháp lý là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Hiện nay, khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 cũng quy định rõ ràng rằng:

“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”

Như vậy, sổ đỏ là loại giấy tờ mà dựa vào đó Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là căn cứ pháp lý xác nhận tính hợp pháp cho người đang có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Điều kiện nào để thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh?

Căn cứ theo Điều 99 Luật Đất đai 2013 điều kiện để được cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân tại Thành phố Hồ chí Minh có thể rơi vào 02 trường hợp sau:

– Đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP): Điều này áp dụng cho hộ gia đình hoặc cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất (ví dụ: giấy tờ đứng tên mình).

– Đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 101 Luật Đất đai 2013): Điều này áp dụng cho đất không có giấy tờ (ví dụ: đất do khai hoang, đất lấn, chiếm, được giao không đúng thẩm quyền).

Ngoài ra, để được cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng:

– Phù hợp với quy hoạch đất tại Thành phố Hồ Chí Minh và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

– Có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất.

– Thời gian sử dụng đất ổn định, lâu dài được quy định tại Điều 21, Nghị định 43/2014/NĐ- CP.

– Đất phải không bị tranh chấp.

Thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh như thế nào?

Thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: DHP Law)

Một trong những thủ tục gây khó khăn cho người dân thực hiện nhất là thủ tục làm sổ đỏ. Theo Luật Đất đai hiện hành thì thủ tục cấp sổ đỏ được áp dụng từ ngày 01/7/2014. Nên căn cứ Luật Đất đai 2013 và các văn bản liên quan có thể chia thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm bốn bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Căn cứ Khoản 2 và khoản 3 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi về quy định nơi nộp hồ sơ như sau:

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân yêu cầu cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã mà người yêu cầu phải nộp hồ sơ theo một trong 2 trường hợp dưới đây:

– Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

– Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 6 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử được quy định như sau:

Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

  1. Căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, hiện nay đã có thủ tục cấp sổ đỏ trên môi trường điện tử căn cứ theo khoản 6 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP) đã được sửa đổi bởi điểm b khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ ban đầu

Người tiếp nhận hồ sơ cần kiểm tra, xem xét hồ sơ như sau:

– Trong trường hợp hồ sơ đủ thì người tiếp nhận hồ sơ có nghĩa vụ ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận và cấp cho người nộp hồ sơ giấy biên nhận (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả.

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì người tiếp nhận hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh trong thời hạn 03 ngày làm việc (khoản 4 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP .

Bước 3: Trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai

– Nếu người nộp hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến UBND cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có đề nghị chứng nhận tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận về nguồn gốc, tranh chấp, thời điểm sử dụng đất trong trường hợp không có các giấy tờ theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan.

– Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư mà sơ đồ đó chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng, đo đạc bản đồ.

– Xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào đơn đăng ký. Trường hợp chưa có bản đồ địa chính, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có).

+ Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ theo quy định thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đăng ký.

+ Cán bộ cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).

+ Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế đồng thời thông báo thu nghĩa vụ tài chính đến người đăng ký trừ trường hợp được miễn hoặc được ghi nợ.

+ Chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình người có thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đề nghị.

Bước 4: Trả kết quả

Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nộp hồ sơ đã nộp xong các khoản tiền hoặc gửi cho UBND cấp xã để trao cho người nộp hồ sơ trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã.

Các lưu ý về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh

– Thời hạn giải quyết cấp sổ đỏ căn cứ theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP là không quá 30 ngày.

– Minh chứng đáp ứng đầy đủ các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;

– Minh chứng đáp ứng đầy đủ các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Không được nhận Giấy chứng nhận trong trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất. Như vậy, chỉ được nhận Giấy chứng nhận khi đã thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính.

Thông tin liên hệ

Vừa rồi là một số thông tin về thủ tục cấp sổ đỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp còn thắc mắc, Quý khách hàng có thể liên hệ với Hãng luật DHP để được tư vấn hướng dẫn.

* Hotline: 19008616

* Email: Contact@dhplaw.vn

* Website: dhplaw.vn

Chuyên viên pháp lý Trúc Nữ

Post Author: Luật DHP