QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc bán hàng được thực hiện ngày càng phổ biến trên môi trường thương mại điện tử. Các đơn vị kinh doanh ngày càng chuyển dịch xu hướng bán hàng, truyền thông sang bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, không phải đơn vị kinh doanh nào cũng hiểu hết các vấn đề pháp lý của bán hàng qua qua mạng (sau đây gọi là thương mại điện tử).

Do đó, bài viết này của chúng tôi sẽ đề cập một cách ngắn gọn các quy định pháp luật về thương mại điện tử.

ảnh: sưu tầm

1.Thế nào là website thương mại điện tử?

Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về website thương mại điện tử thì: “Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.”

Tất cả các thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương về các website thương mại điện tử do chính thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập.

2. Khi lập website thương mại điện tử có cần phải xin phép cơ quan nhà nước hay không?

Trong trường hợp với tư cách là chủ sở hữu website thương mại điện tử, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành thông báo, đăng ký với Bộ Công Thương và thực hiện một số thủ tục theo quy định quản lý website thương mại điện tử để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm thông báo về các website thương mại điện tử bán hàng do chính thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Đối với các thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương nếu thương nhân, tổ chức đó tiến hành thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử về dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ khuyến mại trực tuyến, dịch vụ đấu giá trực tuyến.

  • Chế tài nếu không xin phép:

Nếu không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký theo quy định nêu trên thì thương nhân, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, theo khoản 1, 2, 3, 4 Điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nếu vi phạm thì bị xử phạt với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thì cơ quan nhà nước sẽ có hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thương mại điện tử theo khoản 5 Điều 62 Nghị định nêu trên.

3. Làm gì để tuân thủ không bị xử lý?

Hiện nay, quy trình thông báo, đăng ký website thương mại điện tử rất đơn giản và không tốn nhiều gian; thương nhân, tổ chức, cá nhân chỉ cần tiến hành đăng ký trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.

  • Quy trình thông báo website thương mại điện tử bán hàng:

Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định quản lý website thương mại điện tử, quy trình thông  báo website thương mại điện tử bán hàng như sau:

  1. Việc tiếp nhận, xử lý thông báo website thương mại điện tử bán hàng được Bộ Công Thương thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn.
  2. Thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng truy cập vào Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và thực hiện các bước sau:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống bằng việc cung cấp những thông tin sau:

– Tên thương nhân, tổ chức, cá nhâdn;

– Số đăng ký kinh doanh của thương nhân hoặc số quyết định thành lập của tổ chức hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;

– Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;

– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;

– Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;

– Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo website thương mại điện tử bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.

Lưu ý: Các thương nhân, tổ chức sở hữu website thương mại điện tử bán hàng cần cung cấp đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 29 đến Điều 34 Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về website thương mại điện tử trên trang chủ của website, cụ thể:

+ Điều 29. Thông tin về người sở hữu website

+ Điều  30. Thông tin về hàng hóa, dịch vụ

+ Điều  31. Thông tin về giá cả

+ Điều  32. Thông tin về điều kiện giao dịch chung

+ Điều  33. Thông tin về vận chuyển và giao nhận

+ Điều  34. Thông tin về các phương thức thanh toán

(*) Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần cung cấp các giấy tờ hợp pháp liên quan.

(*) Đối với các website có thu thập thông tin cá nhân khách hàng, phải có Chính sách bảo mật thông tin cá nhân khách hàng. Được quy định từ Điều 68 – Điều 73 của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 về website thương mại điện tử.

+ Điều 68. Trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng

+ Điều 69. Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng

+ Điều 70. Xin phép người tiêu dùng khi tiến hành thu thập thông tin

+ Điều 71. Sử dụng thông tin cá nhân

+ Điều 72. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cá nhân

+ Điều 73. Kiểm tra, cập nhật và điều chỉnh thông tin cá nhân

(*) Đối với website cung cấp chức năng đặt hàng trực tuyến phải có cơ chế để khách hàng đồng ý với các chính sách, quy định chung trước khi đề nghị giao kết hợp đồng.

Bước 4: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của Bộ Công Thương qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

– Xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ;

– Cho biết thông tin khai báo chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ. Khi đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin theo yêu cầu.

  1. Thương nhân, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.
  2. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4 theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCT nêu trên, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không có phản hồi thì hồ sơ thông báo sẽ bị chấm dứt và phải tiến hành thông báo lại hồ sơ từ Bước 3.

Sau khi tiến hành thủ tục đăng ký, chủ sở hữu website thương mại điện tử bán hàng đợi xác nhận thông báo từ Bộ Công Thương:

  1. Thời gian xác nhận thông báo: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thông báo đầy đủ, hợp lệ của thương nhân, tổ chức, cá nhân.
  2. Khi xác nhận thông báo, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức, cá nhân qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng, thể hiện thành biểu tượng đã thông báo. Khi chọn biểu tượng này, người sử dụng được dẫn về phần thông tin thông báo tương ứng của thương nhân, tổ chức, cá nhân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Nếu có sự thay đổi, chấm dứt thông tin đã thông báo; thương nhân, tổ chức, cá nhân cần thực hiện các thủ tục sau:

  1. Trong trường hợp có sự thay đổi một trong những thông tin quy định tại khoản 2 Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nêu trên hoặc ngừng hoạt động website thương mại điện tử bán hàng đã thông báo, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thông báo về Bộ Công Thương trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi thông tin hoặc ngừng hoạt động.
  2. Việc thay đổi, chấm dứt thông tin thông báo về website thương mại điện tử bán hàng được thực hiện trực tuyến thông qua tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp khi thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành thông báo theo quy định tại Điều 9 Thông tư 47/2014/TT-BCT nêu trên.
  3. Thời gian xác nhận việc thay đổi, chấm dứt thông tin thông báo: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đầy đủ, chính xác do thương nhân, tổ chức, cá nhân gửi về Bộ Công Thương.
  • Quy trình đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:

Các thương nhân, tổ chức cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, gồm:

  • Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  • Bản sao có chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân);
  • Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;
  • Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
  • Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
  • Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

Việc đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cũng được thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ ww.online.gov.vn và quy trình đăng ký tương tự với quy trình thông báo website thương mại điện tử bán hàng. Tuy nhiên, ở bước 4 của quy trình đăng ký thì thời hạn nhận phản hồi từ Bộ Công Thương là trong 7 ngày làm việc, nếu xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5 là nộp hoàn chỉnh bộ hồ sơ đăng ký (bản giấy); nếu hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

Những quy định pháp lý về website thương mại điện tử là hết sức cần thiết và quan trọng đối với các đơn vị kinh doanh. Thủ tục đăng ký cũng rất đơn giản, nên để tránh hậu quả đáng tiếc sau này thì thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử  cần tiến hành thông báo/ đăng ký với Bộ Công Thương.

Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân vẫn còn gặp khó khăn về những thủ tục đăng ký website thương mại điện tử cũng như muốn được giải đáp thắc mắc rõ hơn hãy liên hệ với chúng tôi. DHP LAW sẽ tư vấn, giải đáp vấn đề liên quan đến WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ một cách tốt nhất.

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Sở hữu trí tuệ, Các giấy phép khác,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: Luật DHP