Nộp hồ sơ cho tòa rồi bị… mất

Tòa huyện nói tòa tỉnh giữ, tòa tỉnh thì không chuyển trả hồ sơ khiến việc thụ lý lại vụ kiện gặp khó khăn.

Bà S. (nguyên kế toán một xã ở huyện Krông Nô, Đắk Nông) vừa gửi đơn đến TAND tỉnh này khiếu nại việc TAND huyện Krông Nô chưa trả hồ sơ bản chính (gồm đơn khởi kiện và tài liệu bản chính kèm theo) cho bà. Trong khi đó, tòa huyện lại yêu cầu bà nộp lại những loại giấy tờ này thì mới thụ lý vụ án.

Tòa huyện nói tòa tỉnh giữ

Tháng 3-2017, bà S. nộp đơn khởi kiện chủ tịch, phó chủ tịch xã yêu cầu phải hoàn trả cho bà hơn 38 triệu đồng. Theo bà, chủ tịch và cấp phó đã chỉ đạo bà chi sai quy định số tiền trên nên họ phải hoàn trả. Sau đó TAND huyện ra thông báo trả lại đơn với lý do người khởi kiện không có quyền khởi kiện.

Bà S. khiếu nại việc trả lại đơn nhưng TAND huyện giữ nguyên quan điểm. Bà S. khiếu nại đến TAND tỉnh Đắk Nông và được giải quyết theo hướng chấp nhận. Theo tòa tỉnh, việc trả lại đơn của tòa cấp huyện là không có căn cứ nên hủy quyết định trả lời khiếu nại và thông báo trả đơn.

TAND tỉnh còn yêu cầu chánh án huyện tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các cá nhân có sai phạm trong việc trả lại đơn khởi kiện sai, giải quyết khiếu nại không đúng. Tòa tỉnh yêu cầu cấp huyện phải nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo của bà S. để thụ lý vụ kiện.

Sau khi có kết quả giải quyết này, bà S. đợi mãi không thấy TAND huyện mời đến hoặc gửi thông báo thụ lý vụ án. Bà trực tiếp đến tòa hỏi thì được trả lời là phải nộp lại đơn khởi kiện mới và tài liệu kèm theo thì mới thụ lý. Trong khi theo bà S. thì hồ sơ gốc tòa huyện vẫn giữ, chưa trả lại cho bà. Khi tòa ra thông báo trả lại đơn, bà mới chỉ thực hiện quyền khiếu nại chứ chưa đến lấy hồ sơ về.

Vì thế ngày 13-7, bà S. kiến nghị TAND huyện Krông Nô cho rằng tòa chưa trả lại hồ sơ nên bà không còn các tài liệu để làm hồ sơ khởi kiện mới. Tám ngày sau, chánh án TAND huyện có văn bản trả lời bà S. là trước khi bà khiếu nại lên TAND tỉnh thì huyện đã chuyển toàn bộ hồ sơ (đơn khởi kiện, tài liệu kèm theo) để giải quyết theo thẩm quyền. TAND tỉnh đã có kết quả giải quyết, do đó hồ sơ đang được lưu giữ tại TAND tỉnh. Vì thế, bà muốn khởi kiện thì phải nộp hồ sơ mới.

Nộp hồ sơ cho tòa rồi bị… mất - ảnh 1

Luật quy định ra sao?

Bà S. bức xúc: “Yêu cầu của TAND huyện làm khó tôi vì tôi chỉ có một bộ tài liệu đã nộp cho tòa. Tôi không hiểu quy định về việc chuyển hồ sơ giữa các cấp tòa nhưng việc tòa đẩy qua đẩy lại là làm khó người dân. Tôi đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía TAND tỉnh…”.

Vụ việc tuy nhỏ nhưng vấn đề pháp lý là luật quy định về việc trả đơn và hồ sơ khởi kiện như thế nào? Tòa nào phải trả hồ sơ cho bà S. thực hiện quyền khởi kiện tiếp?

Luật sư (LS) Trần Đức Phượng, Đoàn LS TP.HCM, phân tích Điều 168 BLTTDS quy định khi trả lại đơn khởi kiện, tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn. Theo khoản 2 Điều 192 BLTTDS thì khi tòa án trả lại đơn khởi kiện thì phải trả tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự.

Do đó, khi trả lại đơn khởi kiện thì tòa phải sao chụp và lưu tại tòa đơn khởi kiện cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị nếu có. Vụ này TAND huyện chưa trả cho bà S. mà lại đòi nộp bộ mới là không đúng, có thể khiến bà mất quyền khởi kiện.

Nhiều thẩm phán tại TP.HCM cho biết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện được áp dụng theo Điều 194 BLTTDS. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày từ khi tòa huyện trả lại đơn khởi kiện thì bà S. có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị. Tòa huyện phải ra một trong các quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận lại đơn kiện và tài liệu.

Trong thời hạn 10 ngày tiếp theo, bà S. có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với TAND tỉnh về việc trả lời trên để tòa này giải quyết. Nói cách khác, hồ sơ vụ án là hồ sơ sống phải được chuyển đến TAND tỉnh để giải quyết. Tòa nào đã sử dụng tài liệu, hồ sơ muốn lưu lại thì phải sao lưu bản sao. Ngay cả trong trường hợp đình chỉ vụ án, các tòa còn phải trả lại hồ sơ gốc cho đương sự, chỉ lưu bản sao.

Như vậy, sau khi TAND tỉnh giải quyết khiếu nại thì toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển trả về lại nơi ban đầu để tiếp tục giải quyết, kết quả giải quyết sẽ được thông báo cho đương sự. Mặt khác, tòa tỉnh không thể giữ hồ sơ gốc vì đây chỉ là một thủ tục xem xét, không phải là trình tự giải quyết hồ sơ.

Nguồn: Theo plo.vn

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh