KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI GẶP TAI NẠN BỊ PHẠT THẾ NÀO?

Không cứu giúp người gặp tai nạn bị phạt thế nào?

Nếu gặp tai nạn giao thông trên đường, bạn phải làm gì? Pháp luật có quy định trách nhiệm phải giúp đỡ nạn nhân không? Nếu bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn có bị truy cứu trách nhiệm gì không? Những hành vi bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn là sự vô trách nhiệm của người đi đường biết việc hay do thiếu hiểu biết pháp luật?

– Trên thực tế, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan cần làm gì khi có sự cố về giao thông trên đường.

– Theo đó, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông. Trong đó, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệmDừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

– Đối với những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường; Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; Bảo vệ tài sản của người bị nạn; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

– Tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó nghiêm cấm hành vi: “Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông”.

– Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân tự giác chấp hành quy định của pháp luật, pháp luật cũng quy định những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạmKhông cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. (Điểm đ, khoản 3, Điều 11, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).

– Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. (Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

– Phạt tù đối với các chủ thể đặc biệt: Theo Điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì tùy trường hợp có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

– Tuy nhiên trong thực tế, việc xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều khó khăn bởi lẽ phải xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người. Người có hành động không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này. Nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội.

Như trong vụ việc bà Nguyễn Thị Hằng bị khởi tố về hành vi “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm”.

– Theo thông tin thì khoảng 22h ngày 2-10-2022, tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa chiếc xe do anh Nguyễn Công Phường (32 tuổi, ngụ tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) điều khiển với ô tô do Nguyễn Thị Hằng điều khiển đang đỗ bên đường để đi vệ sinh.

– Thời điểm xảy ra tai nạn trên xe bà Hằng còn có ba người khác đang ngủ. Sau tai nạn ba người này tỉnh giấc và chứng kiến xe máy cùng anh Phường ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Sau va chạm bà Hằng lên xe đi tiếp, để lại anh Phường và xe máy tại hiện trường vụ tai nạn.

– Tiếp đó anh Phường bị chiếc xe tải do Tưởng Văn Danh (30 tuổi, ngụ tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) điều khiển chạy tới cán qua người khiến anh Phường tử vong trên đường đi cấp cứu.

– Rõ ràng nếu bà Hằng biết rõ anh Phường có tông vào xe mình, bị thương nhưng không chết, bà Hằng hoàn toàn có thể cứu giúp bằng cách hô hoán, nhờ người hỗ trợ, gọi xe cứu thương… Nhưng bà lẳng lặng bỏ đi, làm anh Phường bị xe tải cán qua chết thì hành vi này hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại điều 132 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

– Cũng có thể lý giải, bà Hằng do là phụ nữ, trong lúc tinh thần hoảng loạn nên suy nghĩ không thấu đáo và lo sợ bị người thân nạn nhân đuổi đánh như nhiều trường hợp đã xảy ra nên đã bỏ đi chứ không hoàn toàn cố ý bỏ mặc người bị nạn. Tuy nhiên, đối với trường hợp này và các trường hợp tương tự khi một người hoàn toàn có điều kiện cứu giúp người đang bị nguy hiểm đến tính mạng mà bỏ mặc, không cứu giúp thì pháp luật cũng đã có sự điều chỉnh để đảm bảo quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng là quyền thiêng liêng nhất của con người.

Để được hỗ trợ, tư vấn, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi tại:

CÔNG TY LUẬT DHP trụ sở chính

Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0986.938.627

Website: dhplaw.vn

Facebook: facebook.com/DHPLAW

Theo Đinh Vũ Hiệp – Hãng Luật DHP

Post Author: Luật DHP