LÀM GIẢ “SỔ ĐỎ” ĐỂ LỪA ĐẢO, LÀM SAO ĐỂ TRÁNH ?

Hiện nay, thực trạng sử dụng “sổ đỏ” giả để lừa đảo vẫn đang tồn tại trong xã hội và có xu hướng gia tăng với nhiều chiêu thức và thủ đoạn tinh vi, khiến không ít người bị “mắc bẫy”. Vậy làm cách nào để tránh bị lừa? Trong bài viết này, Hãng luật DHP xin cung cấp cho quý khách hàng một số giải pháp.

Theo quy định của pháp luật thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là sổ đỏ) là cơ sở để xác lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Khi thực hiện các giao dịch về nhà đất (chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất) thì điều kiện bắt buộc là phải có sổ đỏ.

Hiện nay, trên thực tế đã không ít trường hợp sử dụng sổ đỏ giả để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với các phương thức như: làm sổ đỏ giả giống y như sổ đỏ thật; làm giả sổ đỏ có thông tin khác với sổ đỏ thật (tên người sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, diện tích đất,…);

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tin tưởng của một số người, các đối tượng đã dùng các thủ đoạn tinh vi như giả vờ đến mua bất động sản rồi sau đó sao chụp sổ đỏ thật làm cơ sở để làm giả hoặc xin bản photocopy của sổ đỏ để làm giả; tráo sổ đỏ thật bằng sổ đỏ giả rồi làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất để chuyển nhượng cho người khác; tự làm sổ với tất cả các thông tin trên sổ đỏ đều là giả,…Chính các hành vi này đã giúp các đối tượng chiếm đoạt từ người bị hại không ít tiền của với giá trị lớn, gây nguy hiểm cho xã hội.

Gần đây nhất là vụ việc hai đối tượng Tạ Thị Yến (66 tuổi, trú tại huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội), Nguyễn Sử Thành (50 tuổi, trú tại phường Long Tâm, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã làm giả 30 sổ đỏ để lừa đảo theo báo Tiền Phong đưa tin ngày 07/11/2022 tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Làm sao để hạn chế rủi ro ?

Chính vì vậy, để hạn chế rủi ro khi thực hiện các giao dịch về nhà đất, các luật sư của Hãng luật DHP đã đưa ra những giải pháp như sau để chúng ta tham khảo, thực hiện:

– Thứ nhất, trước khi thực hiện giao dịch nhà đất, ta nên tìm hiểu rõ thông tin của chủ đất, về thửa đất để xem rằng thông tin chủ đất có đúng hay không, thửa đất có thật trên thực tế hay không. Việc này có thể thực hiện bằng cách hỏi những người hàng xóm xung quanh, những người có thông tin về mảnh đất đó.

– Thứ hai, kiểm tra thông tin về nhà đất tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc địa chính cấp xã.

– Thứ ba, có những cách thức để nhận biết sổ đỏ giả: Thông qua một số phương pháp vật lý như: soi bằng kính lúp; dùng đèn pin hoặc nguồn sáng khác để kiểm tra sổ đỏ có dấu hiệu bất thường, có tẩy xóa, sửa chữa hay không; kiểm tra giấy tờ tùy thân của chủ đất có phải là giả hay không.

– Thứ tư, nhờ Ngân hàng hoặc tổ chức thẩm định giá để thẩm định nhà đất. Thông qua hoạt động thẩm định, các đơn vị thẩm định sẽ thu thập giúp người mua các thông tin về nhà đất.

– Cuối cùng, việc thực hiện giao dịch giao dịch nhà đất, kể cả ký kết hợp đồng đặt cọc, nên thực hiện tại phòng công chứng. Những công chứng viên với trình độ chuyên môn của mình có khả năng sẽ phát hiện được sổ đỏ là thật hay giả, từ đó sẽ giúp người mua giảm được tình trạng bị lừa đảo khi thực hiện giao dịch nhà đất.

Trên đây là những lời tư vấn của Hãng luật DHP về những giải pháp hạn chế rủi ro khi thực hiện các giao dịch nhà đất để tránh trường hợp bị lừa đảo bằng sổ đỏ giả. Cảm ơn quý khách hàng đã xem bài viết, hy vọng bài viết sẽ giúp cho quý khách hàng thực hiện các giao dịch nhà đất một cách an toàn, suôn sẻ.

 

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: Luật DHP