Thuế là một công cụ quan trọng để Nhà Nước tăng nguồn thu ngân sách cũng như quản lý và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong nền kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp hoạt động thì phải nộp thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa thật sự hiểu rõ các quy định về thuế đối với doanh nghiệp. Bài viết dưới đây, Văn phòng luật sư Trần Đức Hùng và Cộng sự xin gửi đến quý bạn đọc và khách hàng quy định pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1. Thuế môn bài
a. Đối tượng nộp lệ phí môn bài:
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
b. Mức thu lệ phí môn bài:
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
- Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
2. Thuế thu nhập doanh nghiệp
a. Đối tượng chịu thuế:
Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào phần thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh và phần thu nhập khác của doanh nghiệp. Thu nhập khác thường là phần thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản và các quyền tài sản.
b. Cách tính thuế:
Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp = [Thu nhập chịu thuế – (Thu nhập miễn thuế + Lỗ kết chuyển từ năm trước)] × Thuế suất
Trong đó: Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Khoản chi được trừ + Thu nhập khác
c. Mức thuế suất:
Mức thuế suất để tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%. Riêng đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên thiên nhiên quý hiếm khác tại Việt Nam thì mức thuế suất để tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
3. Thuế giá trị gia tăng:
a. Đối tượng chịu thuế:
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều là đối tượng chịu thuế. Những hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng không phải chịu thuế, bao gồm:
- Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
- Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
- Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
- Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl)
- Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
- Chuyển quyền sử dụng đất
- Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; tái bảo hiểm.
- Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.
- …….
b. Các phương pháp tính thuế:
- Phương pháp khấu trừ:
Thuế giá trị gia tăng phải nộp = Thuế giá trị gia tăng đầu ra – Thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ.
- Phương pháp trực tiếp:
Thuế giá trị gia tăng phải nộp = Giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra × Thuế suất thuế giá trị gia tăng.
c. Mức thuế suất:
Thuế suất thuế giá trị gia tăng có ba mức: 0%, 5% và 10%, tùy theo nhóm hàng hóa, dịch vụ.
4. Thuế tiêu thụ đặc biệt:
a. Đối tượng chịu thuế:
- Hàng hóa bao gồm:
- Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm;
- Rượu;
- Bia;
- Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng;
- Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3;
- Tàu bay, du thuyền;
- Xăng các loại;
- Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống;
- Bài lá;
- Vàng mã, hàng mã;
- Dịch vụ bao gồm:
- Kinh doanh vũ trường;
- Kinh doanh mát-xa (massage), ka-ra-ô-kê (karaoke);
- Kinh doanh ca-si-nô (casino); trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự;
- Kinh doanh đặt cược;
- Kinh doanh gôn (golf) bao gồm bán thẻ hội viên, vé chơi gôn;
- Kinh doanh xổ số.
b. Cách tính thuế:
Thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế × Thuế suất
Trong đó, giá tính thuế là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng.
c. Mức thuế suất:
Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt dao động từ 15% – 70% tùy loại hàng hóa và dịch vụ.
5. Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
a. Đối tượng chịu thuế:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
b. Các phương pháp tính thuế xuất khẩu nhập khẩu:
- Phương pháp tỷ lệ phần trăm: Xác định thuế theo phần trăm (%) của trị giá tính thuế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cách tính: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu = Trị giá tính thuế × Thuế suất
Thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng từ 0%-40%. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận này.
Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường.
Thuế suất ưu đãi và thuế suất ưu đãi đặc biệt được quy định cụ thể trong biểu thuế giữa Việt Nam và các quốc gia có thỏa thuận ưu đãi.
Thuế suất thông thường là 5%.
Hàng hóa nhập khẩu không có tên trong Danh mục của Biểu thuế suất nhập khẩu thông thường tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 45/2017/QĐ-TTg và không thuộc trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ”
- Phương pháp tuyệt đối: Ấn định số tiền thuế nhất định trên một đơn vị hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cách tính: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu = Số lượng hàng hóa thực tế xuất/nhập khẩu × Mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại một thời điểm
- Phương pháp hỗn hợp: Áp dụng đồng thời hai phương pháp trên.
Cách tính: Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu = Tổng tiền thuế tính theo tỷ lệ phần trăm + Tổng tiền thuế tính theo phương pháp tuyệt đối.
Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW