Hiện nay, hệ thống chính sách thuế đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin và khoa học công nghệ, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển công nghệ thông tin theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Quốc hội, Chính phủ thấy cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
DHP Law xin gửi đến quý bạn đọc những thông tin hữu ích về các chính sách thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin và khoa học công nghệ.
1 Căn cứ pháp lý
+ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
+ Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng (Khoản 21 Điều 4)
+ Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ
+ Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 quy định về hướng dẫn thuế thu nhập doanh nghiệp (Điều 11, Điều 12).
2 Điều kiện để thành lập một Doanh nghiệp khoa học công nghệ
Các cá nhân hoặc tổ chức thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ phải hoàn thành việc sáng chế (hay còn gọi là ươm tạo) và phải làm chủ được những kết quả từ việc sáng chế đó, làm chủ được khoa học và công nghệ mà mình đã tạo ra hoặc được sở hữu, phải sử dụng hợp pháp và có sở hữu hợp phát các công nghệ do mình sáng tạo để phát triển vào việc sản xuất các sản phẩm thuộc các lĩnh vực như:
- Phát triển công nghệ phần mềm tin học: như bảo mật, chống virus, thiết kế phần mềm,… thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin
- Phát triển công nghệ sinh học phục vụ cho các ngành:
- Nuôi trồng thủy sản: các máy móc, thuốc trị bệnh thủy sản, thức ăn đủ dinh đưỡng
- Nông nghiệp: các giống lúa và hoa màu mới, thuốc trị sâu bệnh, phân bón…
- Y tế: các loại thuốc kháng sinh, phương pháp chữa bệnh kết hợp đông tây y…
- Phát triển dây chuyền tự động hóa sản xuất, robot tự động, máy móc công nghệ cao,… nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thuôc lĩnh vực tự động hóa.
- Phát triển công nghệ nano, bao phủ bên ngoài xe, vật dụng gia dụng, chống trầy và hạn chế vi khuẩn… phát triển các máy phun nano tối tân và tiện dụng hơn, bền hơn; ngoài ra còn phải tìm kiếm các chất liệu mới phù hợp hơn với môi trường, thời tiết Việt Nam, giá thành giảm… thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.
- Phát triển các công nghệ như túi giấy sinh học dễ phân hủy thay thế cho nylon, thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh ko gây nguy hiểm cho môi trường sống… thuộc lĩnh vục công nghệ bảo vệ môi trường.
- Phát triển sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, các chất đốt sinh học thay thế xăng dầu, ít khói bụi… thuộc lĩnh vực công nghệ năng lượng mói.
- Phát triển vệ tinh phóng vào không gian, nghiên cứu mô hình tàu vũ trụ… thuộc công nghệ vũ trụ.
3. Điều kiện để Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
+ Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
- Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định của pháp luật.
- Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
- (Doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm đáp ứng hai điều kiện là được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định của pháp luật thì được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.)
+ Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN bao gồm:
- Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
- Bản sao Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Bản sao có chứng thực trong trường hợp Hồ sơ được gửi qua đường bưu điện);
- Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
- Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
- Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
- Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
- Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
- Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
- Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
- Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN theo mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP.
+ Nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Khoa học và Công nghệ hoặc qua đường bưu điện.
4. Các chính sách ưu đã thuế đối với các Doanh nghiệp kinh doanh phần mềm và công nghệ thông tin
+ Thuế giá trị gia tăng
- Nhằm triển khai chính sách khuyến khích phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ vào đời sống, phần mềm (không phân biệt là sản xuất hay kinh doanh) không phải chịu thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu.
- Tuy nhiên, đối với phần mềm nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT khâu nhập khẩu theo thuế suất quy định đối với từng phương tiện chứa đựng phần mềm (như CD, USB) với giá tính thuế không bao gồm phần “giá trị sử dụng bản quyền trí tuệ – phần mềm”.
- Doanh nghiệp cần phải căn cứ vào thực tế hàng hóa nhập khẩu để phân loại mã số thuế hàng hóa.
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thu nhập của doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cụ thể:
- Từ năm 1 đến năm 4: Sẽ được miễn thuế TNDN.
- Từ năm 5 đến năm 13 (9 năm tiếp theo): Giảm 50% thuế TNDN với thuế suất 10%, (tức là doanh nghiệp chỉ cần đóng thuế TNDN với thuế suất 5%).
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu đáp ứng điều kiện doanh nghiệp KH&CN có tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN trên tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm thứ nhất đạt từ 30% trở lên, năm thứ hai đạt từ 50% trở lên và từ năm thứ ba trở đi đạt từ 70% trở lên. Năm thứ nhất được hiểu là năm đầu tiên doanh nghiệp KH&CN có thu nhập chịu thuế.
- Doanh thu, thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2019/NĐ-CP. Doanh thu, thu nhập được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải là doanh thu, thu nhập từ dịch vụ mới.
+ Doanh nghiệp khoa học công nghệ được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.
+ DN khoa học công nghệ được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh.
+ Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về công nghệ cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong nước được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại ngân hàng.
Để được hỗ trợ pháp lý và/hoặc giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ:
HÃNG LUẬT DHP – DHP LAW
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW