Tranh tụng, tố tụng, khởi kiện là gì?

1. Tranh tụng là gì?

Về khía cạnh ngôn ngữ, theo Đại từ điển tiếng Việt năm 1998 thì tranh tụng có nghĩa là “kiện tụng”; còn theo Hán-Việt từ điển thì tranh tụng có nghĩa là “cãi lẽ, cãi nhau để tranh lấy phải”. Theo cách giải thích này, thì tranh tụng chính là quá trình giải quyết vụ kiện dân sự theo đó các đương sự được tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tranh tụng là việc trình bày chứng cứ, hỏi đáp, trả lời và phát biểu quan điểm lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết vụ án, đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến của đối phương, đưa ra dẫn chứng chứng minh lập luận của mình là đúng. Tranh tụng là một quá trình, có thể bắt đầu ngay từ lúc thực hiện thủ tục khởi kiện đến khi kết thúc bản án, quyết định của Tòa án.

Nội dung tranh tụng còn tùy theo từng vụ án, vụ việc nhưng thông thường sẽ có các nội dung cơ bản như: đương sự trình bày quan điểm, yêu cầu của đương sự đối với yêu cầu khởi kiện; đưa ra chứng cứ, lập luận về đánh giá chứng cứ; đồng ý hay không đồng ý với quan điểm của đối phương; dẫn chứng các quy định pháp luật có thể áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự.

Đương sự có quyền tranh tụng từ khi có yêu cầu khởi kiện cho đến khi kết thúc vụ án, vụ việc, tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định theo pháp luật.

Có thể tóm gọn quá trình tranh tụng thành 02 giai đoạn:

Trước phiên tòa: Đương sự có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu giao nộp cho Tòa án; đưa ra những ý kiến, lập luận về yêu cầu của mình; đồng ý hay không đồng ý với ý kiến của đối phương tại các phiên họp, các buổi hòa giải.

Tại phiên tòa: Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án. Việc tranh tụng tại phiên tòa được tiến hành theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

Sau khi phiên tòa kết thúc, nếu đương sự không đồng ý với bản án thì có thể tiếp tục quyền tranh tụng của mình bằng cách kháng cáo, trình bày những nội dung không đồng ý hay đưa ra những bất cập của bản án và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp tục giải quyết.

2. Tố tụng là gì?

Tố tụng (tiếng Anh là Procedural) là một bộ phận trong pháp luật bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến trình tự, thủ tục trang tụng như: các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng lao động, tố tụng hành chính,…

Thủ tục tố tụng là một hoạt động tìm cách kích hoạt quyền lực của tòa án để thi hành một điều luật. Mặc dù thuật ngữ này có thể được định nghĩa rộng hơn hoặc hẹp hơn khi hoàn cảnh yêu cầu, nhưng đã lưu ý rằng “thủ tục tố tụng pháp lý bao gồm các thủ tục tố tụng được đưa ra bởi hoặc theo sự xúi giục của cơ quan công quyền, và kháng cáo quyết định của tòa án hoặc tòa án “.

Thủ tục tố tụng nói chung được đặc trưng bởi một quy trình có trật tự, trong đó những người tham gia hoặc đại diện của họ có thể đưa ra bằng chứng ủng hộ cho yêu cầu của họ, và tranh luận để ủng hộ những diễn giải cụ thể của pháp luật, sau đó một thẩm phán, bồi thẩm đoàn hoặc nhân chứng khác đưa ra xác định các vấn đề thực tế và pháp lý.

Ở Việt Nam hiện nay có 3 loại thủ tục tố tụng:

Tố tụng dân sự: là tổng hợp tất cả các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa Tòa án, Viện kiểm sát với những người tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết án dân sự và thi hành án dân sự.

Tố tụng hình sự: là cách thức, trình tự tiến hành các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng của các cơ quan nhà nước khác và các tổ chức xã hội góp phần vào việc giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Tố tụng hình sự nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi, lợi ích của nhà nước và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; ngăn ngừa kịp thời mọi hình vi phạm tội, không để lọt tội phạm. Những mối quan hệ phát sinh trong tố tụng hình sự là các mối quan hệ giữa cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và giữa các cơ quan và người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng được pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Tố tụng hành chính: là toàn bộ các hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan Nhà nước và tổ chức trong việc giải quyết các vụ án hành chính; cũng như các trình tự do pháp luật quy định đối với quá trình khởi kiện, thụ lý, giải quyết vụ án hình sự và thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.

Tố tụng dân sự hay tố tụng hình sự, hành chính thì về bản chất đều là các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng với những người tham gia tố tụng trong một hoạt động xét xử về một sai phạm hay tranh chấp nào đó.

3. Khởi kiện là gì?

Khởi kiện là hành vi của các tổ chức, cơ quan, cá nhân bằng cách tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa sự việc có tranh chấp ra trước Tòa án theo thủ tục tố tụng nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Quyền khởi kiện là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp và quy định cụ thể tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:”Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

3.1. Quy trình khởi kiện

Bước 1: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án:

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Bước 2: Nhận và xử lý đơn khởi kiện

Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Bước 3: Thụ lý vụ án

Trong vòng 05 ngày, nếu đơn yêu cầu đủ điều kiện thụ lý thì Tòa án sẽ thông báo nộp lệ phí để tiến hành thụ lý. Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu giải quyết.

Bước 4: Tiến hành hòa giải

Về nguyên tắc, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu hòa giải thành công thì ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Nếu hòa giải không thành thì đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Chuẩn bị xét xử

Trong vòng 01 tháng để chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, ra các quyết định đình chỉ xét đơn, trưng cầu giám định, định giá tài sản, mở phiên tòa giải quyết việc dân sự… Nếu chưa có kết quả giám định, định giá tài sản thì có thể kéo dài thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu nhưng không vượt quá 01 tháng.

Bước 6: Mở phiên tòa sơ thẩm xét xử

Phiên tòa phải được tiến hành đúng địa điểm cũng như thời gian đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra tiến hành xét xử hoặc được ghi trong giấy báo mở lại phiên tòa nếu phải hoãn phiên tòa.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: Luật DHP