Từ ngày 01/01/2023 có 04 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Vậy những điểm mới nổi bật nào được đề cập tại 04 luật này?
1. Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 quy định một số nội dung mà người tham gia bảo hiểm cần lưu ý.
– Quy định 05 loại hợp đồng bảo hiểm, gồm:
+ Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
+ Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
+ Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;
+ Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
(Hiện hành, chỉ quy định 03 loại hợp đồng bảo hiểm gồm: Hợp đồng bảo hiểm con người; Hợp đồng bảo hiểm tài sản; Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.)
– Về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm:
Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Khi đó, hợp đồng bị hủy bỏ và khách hàng được hoàn lại chi phí, sau khi trừ đi chi phí hợp lý nếu có.
– Bổ sung một số trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu:
Từ ngày 01/01/2023, hợp đồng bảo hiểm cũng có thể bị vô hiệu nếu rơi vào các trường hợp: Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép; Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;…
– Về một số trường hợp không được bồi thường, trả tiền bảo hiểm gồm:
+ Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực;
+ Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
+ Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
+ Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình và các trường hợp khác theo thỏa thuận
– Bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm:
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thành lập để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 không còn quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm từ ngày 01/01/2023.
– Từ ngày 01/01/2023, doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản:
Theo khoản 3 Điều 99 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023) quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp sau:
+ Mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng;
+ Mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ;
+ Cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết mà thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng;
Liên hệ tư vấn: 0986 938 627
2. Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ 2005) đã điều chỉnh nhiều quy định và được áp dụng từ ngày 01/01/2023.
– Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ:
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã thay đổi một số thuật ngữ đơn cử như: Tác phẩm phái sinh; Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố; Sao chép; Tiền bản quyền; Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền…
– Điều chỉnh quy định về tác giả, đồng tác giả:
Trong đó, bổ sung quy định mới như sau: Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.
– Bổ sung cơ sở pháp lý để chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu được bảo hộ:
Bổ sung cơ sở pháp lý quan trọng để chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu đó trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó. Việc sử dụng nhãn hiệu làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó cũng là một căn cứ để chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu đã được bảo hộ.
– Bổ sung một trong những căn cứ để đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ là có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu
– Cho phép nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả trên Cổng dịch vụ công quốc gia:
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 sửa đổi khoản 1 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan như sau:
Bổ sung hình thức nộp hồ sơ đăng ký quyền Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
Như vậy, từ 01/01/2023, bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính so với quy định hiện hành.
3. Luật Cảnh sát cơ động
Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thay thế Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, theo đó:
– Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát cơ động, (Điều 8 Luật Cảnh sát cơ động 2022) đơn cử như:
+ Chống đối, cản trở hoạt động của Cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ;
+ Mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
+ Giả danh cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động;
+ Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân…
– Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động:
+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát cơ động 2022.
+ Được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ;
+ Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
– Sửa quy định về cấp nhà ở công vụ cho Cảnh sát cơ động:
Khoản 3 Điều 25 Luật Cảnh sát cơ động 202 quy định Sĩ quan Cảnh sát cơ động sẽ được bố trí nhà ở công vụ.
(Hiện hành, quy định Sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài tại địa bàn đóng quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ.)
– Ưu tiên các chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động…
– Xét tuyển cảnh sát cơ động:
Ngoài ra, liên quan đến tuyển chọn Cảnh sát cơ động, Luật mới quy định công dân Việt Nam không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe và độ tuổi phù hợp và tự nguyện thì đều có cơ hội được tuyển chọn vào cảnh sát cơ động. Đặc biệt, những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và có năng khiếu, tài năng phù hợp để phục vụ lâu dài trong cảnh sát cơ động sẽ được ưu tiên tuyển chọn.
4. Luật Điện ảnh
Sau nhiều “sự cố” xảy ra với lĩnh vực Điện ảnh, Luật Điện ảnh 2022 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2023 với mục đích tăng cường thực thi pháp luật đối với lĩnh vực này.
Một số điểm mới nổi bật của Luật Điện ảnh 2022 được áp dụng từ ngày 01/01/2023 có thể kể đến gồm:
– Bổ sung nguyên tắc quản lý nhà nước về điện ảnh trong hoạt động điện ảnh;
Luật Điện ảnh 2022 cũng bổ sung thêm quy định về việc dừng phổ biến phim tại Điều 30, theo đó, có 02 trường hợp cơ quan nhà nước sẽ dừng phổ biến phim:
– Vi phạm hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh: Kích động, chống đối, phá hoại việc thi hành Hiến pháp, pháp luật; chống phá Nhà nước; gây tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc; xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca; kích động chiến tranh, xâm lược; xuyên tạc lịch sử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác…
– Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi có tình trạng khẩn cấp.
– Phim không có Giấy phép phân loại hoặc Quyết định phát sóng sẽ không được công chiếu:
Theo đó, từ ngày 01/01/2023, các phim muốn công chiếu sẽ không phải xin cấp giấy phép phổ biến (theo quy định hiện hành) mà phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng phim thì mới được công chiếu.
– Quy định về phân loại phim:
Điều 32 Luật Điện ảnh 2022, quy định phim được phân loại theo nội dung để phổ biến phù hợp với độ tuổi người xem hoặc không được phép phổ biến như sau:
+ Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi;
+ Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;
+ Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên;
+ Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên;
+ Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ;
+ Loại C: Phim không được phép phổ biến.
Tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch quy định.
Ngoài ra, Luật Luật Điện ảnh 2022 nhấn mạnh đến quyền của rạp chiếu phim được từ chối phục vụ người xem nếu người xem sử dụng chất cấm, chất kích thích, mang vũ khí, vật liệu gây cháy nổ, chất phóng xạ, chất độc hại, chất cấm, chất kích thích vào rạp chiếu phim, gây rối, mất trật tự tại rạp chiếu phim; ngăn chặn việc sao chép, ghi âm, ghi hình, truyền phát phim trái pháp luật. Rạp chiếu phim cũng có trách nhiệm miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác.