Trong những vụ án ly hôn, hôn nhân và gia đình, tại sao tôi với tư cách là luật sư của bên nguyên hay bên bị thì đều tìm cách gặp gỡ, nói chuyện với cả hai bên để mong mỏi một sự hòa giải thành công, tránh sự căng thẳng và tránh trường hợp Tòa phải ra phán quyết vụ án ly hôn bên này thắng, bên kia thua… để rồi vụ án ly hôn cứ thế kéo dài mãi gây tổn thương cho cả 2 gia đình và con cái của họ?
Bởi vì vụ án ly hôn, hôn nhân có một đặc trưng rất khác với các vụ án khác, các bên đều đã từng ăn, từng ở, từng nằm chung giường, từng đặt tất cả tình cảm, niềm tin, tài sản… vào nhau, trao nhau và hy sinh cho nhau cả công việc, tuổi trẻ và thanh xuân. Vậy thì khi ra tòa, đối diện với nhau, hãy cho nhau một sự nhường nhịn cần thiết để kết thúc một câu chuyện dù nay đã tan vỡ nhưng có thể đã có một quá khứ rất đẹp; có thể bên này thiệt chốc, bên kia thiệt chốc về lợi ích, nhưng về tình cảm và hình ảnh thì cả 2 đều đặn và đặc biệt là con cái họ sẽ không bị cuốn theo một câu chuyện buồn của cha mẹ họ.
Không hòa giải được, Tòa phải ra phán quyết thì sẽ buộc một bên phải thua, một bên sẽ phải khóc và có thể khiến cho sự việc chưa dừng lại ở đây. Và đặc biệt là người phụ nữ và trẻ em, sẽ là những người dù câu chuyện sai đúng ra sao thì họ đều là những đối tượng chịu thiệt thòi nhất: Hy sinh cả tuổi trẻ, cả sự nghiệp để làm thiên chức làm mẹ- một thiên chức cao quý nhưng đầy gian truân, hy sinh.
Thôi thì, hãy cố gắng giải quyết, dọn dẹp nhẹ nhàng trong sự đổ vỡ; một cánh cửa khép lại rất êm thì cũng sẽ có một cánh cửa khác tốt đẹp và rất rộng đang chờ đón bạn.
Một buổi chiều mưa Sài Gòn tại Tòa gia đình và Người chưa Thành niên – Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Luật sư Trần Đức Hùng