Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có được quyền kháng cáo không?

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có được quyền kháng cáo không? – Luật sư trả lời

Câu hỏi: Hiện tại, tôi đang có tranh chấp về Hợp đồng đặt cọc và đã nộp đơn khởi kiện đến Tòa án. Trong quá trình tranh chấp, tôi đã đồng ý ký thỏa thuận hòa giải với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác giữa 2 bên. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của Tòa án, tôi đã nhận ra rằng mình đã bị lừa dối trong lúc thỏa thuận hòa giải. Vì thế, tôi muốn biết rằng liệu có thể kháng cáo không nếu Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ?

Luật sư trả lời:

Các quy định pháp luật làm căn cứ để giải quyết tình huống

Điều 205, Điều 212, Điều 213, Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Thế nào là quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự?

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là một văn bản pháp lý được Tòa án ban hành, xác nhận rằng: các bên tham gia trong một tranh chấp đã đạt được sự đồng thuận về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến vụ án của họ.

Sau khi các bên đã có sự thỏa thuận thống nhất, Tòa án sẽ lập biên bản để ghi nhận cho sự thỏa thuận đó. Trong vòng 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự có hiệu lực tương tự như bản án, nghĩa là các bên có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện theo nội dung thỏa thuận đã được công nhận.

Nguyên tắc tiến hành hòa giải trong tố tụng dân sự là gì?

Hòa giải trong tố tụng dân sự là một bước quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp giữa các bên mà không cần phải đưa vụ án ra Tòa án để xét xử. Đa phần các vụ kiện từ lúc nộp đơn đến ngày có quyết định thi hành án thường xảy ra trong một thời gian dài, qua đó việc chọn lựa hòa giải trước khi xét xử là cách tối ưu thời gian và ít tốn kém hơn so với đưa việc xét xử tại Tòa án.

Bên cạnh đó, việc hòa giải giữa các bên nhằm giảm số lượng vụ án phải xét xử tại Tòa án, giúp chủ động thương lượng và điều chỉnh thỏa thuận theo ý muốn.

Tuy nhiên, việc hòa giải cũng cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các quy tắc mà pháp luật đã quy định nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả. Theo khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc như sau:

“2. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:

  1. a) Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;
  2. b) Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.”

Hòa giải phải được tiến hành trên cơ sở tự nguyện của các bên. Các bên tham gia hòa giải phải đồng ý tham gia và có quyền từ chối hoặc rút lui trong bất cứ thời điểm nào. Thông tin liên quan đến hòa giải phải được bảo mật, không bên nào được tiết lộ thông tin, tài liệu và các phát biểu trong quá trình hòa giải trừ khi có sự đồng ý của các bên. Nội dung thỏa thuận giữa các bên không được vi phạm điều cấm, không trái với đạo đức xã hội. Nếu vi phạm thỏa thuận, bên bị vi phạm có thể yêu cầu Tòa án can thiệp.

Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

Theo khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

“1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.”

Từ quy định trên cho thấy rằng, quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự sẽ được ban hành sau 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận.

Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

Theo Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

“Điều 213. Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

  1. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
  2. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.”

Kể từ ngày Tòa án ban hành ra quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự thì ngay lập tức quyết định sẽ có hiệu lực. Và nếu xảy ra tranh chấp, việc kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm sẽ không được giải quyết.

Tuy không thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức.

Vậy, đối với tình huống trên khi Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì có được quyền kháng cáo không?

Đối với trường hợp trên, khi Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì bạn không được quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, bạn có thể đề nghị cấp có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bằng cách làm đơn đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm đến các cơ quan có thẩm quyền để họ có thể kháng nghị khi có đủ cơ sở.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải chứng minh được sự thỏa thuận trên có hành vi lừa dối như lời kể mà bạn đã miêu tả, đó là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét có chấp thuận làm đơn kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm hay không.

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến pháp luật:

HÃNG LUẬT DHP

HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Miền Tây Nam Bộ: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hotline: 0868335186

Email: luatdhp@gmail.com

Website: dhplaw.vn

Facebook: Facebook/Luatdhp

Post Author: btv tk