Phân biệt hàng giả và hàng nhái? Nếu người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái thì cần phải xử lý như thế nào?

Câu hỏi:

Hiện nay, tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều bao gồm nhiều mặt hàng khác nhau như sữa, bia,… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nhằm giảm bớt rủi ro, tôi muốn tìm hiểu rõ thêm khái niệm về hàng giả, hàng nhái? Và việc người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái thì cần phải xử lý như thế nào?

Luật sư trả lời:

Các quy định pháp luật làm căn cứ để giải quyết tình huống:

  • Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023;
  • Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thế nào là hàng giả, hàng nhái?

Khái niệm về hàng giả?

Hàng giả được hiểu là những sản phẩm, hàng hóa được sản xuất ra trái pháp luật, có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường; hoặc những sản phẩm, hàng hoá không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó. Thông thường, hàng giả có mức giá thành thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng.

Để hiểu rõ chi tiết hơn, theo quy định pháp luật tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, khái niệm hàng giả sẽ bao gồm các trường hợp: 

Trường hợp giả về nội dung:

  • Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
  • Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng.

Trường hợp giả về hình thức (giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa), bao gồm: Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Trường hợp các sản phẩm là Tem, nhãn, bao bì hàng hóa cũng được coi là hàng giả.

Ví dụ: Sản phẩm bên ngoài in là nước mắm từ cốt cá cơm thơm ngon nhưng thực ra bên trong chỉ là nước màu pha với muối.

Tình trạng hàng giả đáng báo động hiện nay

Thời gian gần đây, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình như vụ bắt giữ đường dây sản xuất thuốc tân dược giả (bao gồm các loại Tetracyclin, Clorocid,…) do Công an tỉnh Hải Dương phát hiện và xử lý.

Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện nhiều sản phẩm sữa bột giả được phân phối tràn lan với các sản phẩm như:

  • Sản phẩm dinh dưỡng KASUMI GAIN COLOS 24H 3;
  • Sản phẩm dinh dưỡng công thức Kodo A+ Starter Colostrum 1;
  • Sản phẩm dinh dưỡng công thức L’’ GRAND COLOSTRUM PEDIA+2;
  • Sản phẩm dinh dưỡng công thức Newsure Colos 24h Kid Plus.

Những sản phẩm này không chỉ vi phạm nghiêm trọng về chất lượng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý để bảo vệ người tiêu dùng.

Xem thêm: Công bố lưu hành sản phẩm ra thị trường liên quan đến lĩnh vực thực phẩm

Khái niệm về hàng nhái?

Hàng nhái là những sản phẩm, hàng hoá bắt chước hay sử dụng tương tự tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng hoặc bao bì của những sản phẩm, hàng hoá được Nhà nước cho phép sản xuất nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường.

Hàng nhái thâm nhập vào thị trường nhờ lạm dụng uy tín đối thủ cạnh tranh để gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đây là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể thuộc nhóm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại.

Tình trạng hàng nhái đáng báo động hiện nay

Vào những dịp Tết đến, thị trường hay xuất hiện tràn lan các sản phẩm hàng nhái, đặc biệt trong các giỏ quà Tết. Đa phần các sản phẩm này nhái những thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng, với các tên gọi gần giống sản phẩm thật, ví dụ:

  • Bánh ChocoPie bị làm nhái thành Choco-Pai.
  • Bánh kẹo Danisa bị nhái thành Damisa.
  • Socola Kitkat bị nhái thành Kitket.

Tuy nhiên, bên trong các bao bì nhái này là những loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Các sản phẩm nhái được thiết kế vỏ hộp sang trọng, bắt mắt, đi kèm tem tự in, khiến người tiêu dùng nếu chưa từng sử dụng sản phẩm chính hãng hoặc không chú ý kỹ rất dễ bị nhầm lẫn và “sập bẫy”.

Đặc điểm chung của các sản phẩm hàng nhái này là:

  • Giá bán thấp hơn nhiều lần so với hàng chính hãng.
  • Bao bì được thiết kế tinh vi: Kích thước, màu sắc, mẫu mã hộp gần như tương đồng với hàng thật.

Điều này khiến người tiêu dùng khó phân biệt và dễ bị đánh lừa, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết khi nhu cầu biếu tặng giỏ quà tăng cao.

Người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái có được yêu cầu bồi thường không?

Theo quy định của pháp luật tại khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, người tiêu dùng nếu mua phải hàng giả, hàng nhái thì được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như sau:“Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Từ những quy định trên, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt nếu mua phải hàng giả hoặc hàng nhái không đạt chất lượng, không đúng với tiêu chuẩn mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng thì phải làm như thế nào?

Đầu tiên, khi mua phải hàng giả – hàng nhái, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng và giữa lại bằng chứng bằng cách: giữ hóa đơn mua hàng, sản phẩm, bao bì, tem nhãn (nếu có); chụp lại hình sản phẩm, hóa đơn và địa chỉ nơi bán hàng (cửa hàng, website, sàn thương mại điện tử,…)

Thứ hai, liên hệ với bên bán để khiếu nại và yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường.

Thứ ba, thông báo cho cơ quan Quản lý thị trường/cơ quan công an nơi gần nhất. Trường hợp hai bên phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng nên làm đơn tố cáo kèm chứng cứ liên quan của hàng hóa đó cho cơ quan Quản lý thị trường/cơ quan công an nơi gần nhất để yêu cầu xử lý.

Vậy, hàng giả – hàng nhái được định nghĩa như thế nào và khi người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái thì nên xử lý như thế nào?

Theo như phân tích trên, hàng giả sẽ được hiểu là những sản phẩm được làm giả mạo hoàn toàn hoặc một phần so với sản phẩm thật. Còn đối với hàng nhái thì sản phẩm không phải hàng chính hãng nhưng bắt chước kiểu dáng, thương hiệu nhưng không hoàn toàn giống, thường không vi phạm trực tiếp quyền sở hữu trí tuệ.

Khi người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái thì người tiêu cần ngừng sử dụng sản phẩm, giữ lại các hóa đơn, chứng từ, hình ảnh sản phẩm (nếu có) và khiếu nại trực tiếp với nơi bán hoặc có thể thông báo cho Cơ quan quản lý thị trường/ cơ quan công an nơi gần nhất.

Việc sử dụng hàng giả, hàng nhái có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, người tiêu dùng cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, ưu tiên mua sắm tại các địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời chủ động báo cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm.

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến pháp luật:

HÃNG LUẬT DHP

HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Miền Tây Nam Bộ: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hotline: 0868335186

Email: luatdhp@gmail.com

Website: dhplaw.vn

Facebook: Facebook/Luatdhp

Post Author: ahung