Nên lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể?

Nên lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể? – Luật sư trả lời

Câu hỏi:

Công ty tôi đang có 2 giải pháp đối với Công ty là nên lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết loại hình nào sẽ phù hợp hơn. Vì vậy, tôi muốn biết quy định pháp luật của 2 loại hình thức trên và lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể thì hình thức nào sẽ ưu việt hơn?

Luật sư trả lời:

Các quy định pháp luật làm căn cứ để giải quyết tình huống:

  • Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2022);
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Luật Cạnh tranh 2018;
  • Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh;
  • Luật Quản lý thuế 2019;
  • Thông tư 105/2020/TT-BTC;
  • Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quy định pháp luật giữa 2 loại hình thức sáp nhập và giải thể

  Sáp nhập Giải thể
Cơ sở pháp lý Khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020
Khái niệm Là trường hợp một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt tồn tại của công ty bị sáp nhập. Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp tự nguyện chấm dứt hoặc bị bắt buộc chấm dứt hoạt động và bị xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh.
Cách thức thực hiện Chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang công ty nhận sáp nhập. Thanh toán hết tất cả các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác trước khi tiến hành giải thể.
Hệ quả pháp lý Sau khi sáp nhập thì công ty nhận sáp nhập giữ nguyên và chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp.

 

Thủ tục sáp nhập, giải thể

  1. Thủ tục sáp nhập

Thủ tục sáp nhập được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020, Khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Bước 1: Lập và thông qua Hợp đồng sáp nhập và Dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập

Hợp đồng sáp nhập phải có nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty nhận sáp nhập;
  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập;
  • Thủ tục và điều kiện sáp nhập;
  • Phương án sử dụng lao động;
  • Cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập;
  • Thời hạn thực hiện sáp nhập.

Bước 2: Thông báo cho các bên liên quan và chủ nợ

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông qua Hợp đồng sáp nhập, công ty bị sáp nhập phải gửi thông tin đến cho người lao động và chủ nợ.

Bước 3: Công ty bị sáp nhập tiến hành đóng mã số thuế

Thủ tục chấm dứt hoạt động các đơn vị phụ thuộc, tiến hàng đóng mã số thuế tại cơ quan thuế quản lý bao gồm:

  1. Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
  2. Hoàn tất nghĩa vụ đóng thuế
  3. Nộp hồ sơ đóng mã số thuế
    • Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
    • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bản sao y chứng thực;
    • Bản sao quyết định, biên bản họp giải thể;
    • Văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan nếu tổ chức có hoạt động xuất nhập khẩu.

Bước 4: Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Thành phần hồ sơ bao gồm:

  • Thông báo bổ sung, cập nhật thông tin doanh nghiệp.
  • Hợp đồng sáp nhập;
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty nhận sáp nhập; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.
  • Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên sở hữu trên 65% vốn điều lệ của công ty bị sáp nhập;
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty bị sáp nhập.

Bước 5: Công bố thông tin

Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhập tình trạng pháp lý của Công ty bị sáp nhập trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tiến hành thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho Công ty nhận sáp nhập.

Lưu ý:

Căn cứ theo quy định pháp luật tại  Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 thì sáp nhập doanh nghiệp là hình thức tập trung kinh tế. Do đó, Công ty nhận sáp nhập phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh, cụ thể theo Điều 30 Luật cạnh tranh có quy định về việc tập trung kinh tế bị cấm khi:

“Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam”

  1. Thủ tục giải thể:

Theo quy định pháp luật tại Điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trình tự thủ tục giải thể được thể hiện qua các bước sau:

Bước 1: Quyết định giải thể doanh nghiệp

Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính doanh nghiệp;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 6 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Bước 2: Thông báo và đăng ký giải thể doanh nghiệp

Trước khi làm thông báo giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua quyết định, nghị quyết giải thể, doanh nghiệp phải gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Hồ sơ gửi thông báo gồm các văn bản, giấy tờ như sau:

  • Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
  • Nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc giải thể doanh nghiệp;
  • Phương án giải quyết nợ (nếu có).

            Sau khi nhận thông báo trên, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi các thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể với cơ quan thuế.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại con dấu và Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an để được cấp Giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu.

Ngoài việc gửi quyết định giải thể doanh nghiệp tới các cơ quan đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải gửi quyết định giải thể cho tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp. Quyết định này cũng phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Lưu ý rằng: quyết định giải thể được gửi cho các chủ nợ phải kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ.

Bước 3: Thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị giải thể

Theo quy định pháp luật tại khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây:

  1. a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
  2. b) Nợ thuế;
  3. c) Các khoản nợ khác;

Bước 4: Gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh để hoàn tất thủ tục giải thể kinh doanh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 210 Luật Doanh nghiệp, cụ thể:

  • Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
  • Con dấu và Giấy chứng nhận mẫu (nếu có) hoặc giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu (đối với trường hợp con dấu do cơ quan công an cấp)
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Vậy, nên lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể? Và hình thức nào sẽ mang lại giải pháp cho công ty ưu việt hơn?

Hiện nay, chúng tôi chưa thể rút ra kết luận giải pháp nào sẽ ưu việt hơn đối với việc lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể. Việc đánh giá để lựa chọn hình thức sáp nhập hay giải thể thì cần thêm thông tin cụ thể hơn về tình hình tài sản, công nợ của Công ty bị sáp nhập để có một cách nhìn đa chiều. Nó còn tùy thuộc vào tình hình sổ sách, kế toán của Công ty để có thể đánh giá đúng hướng và cách làm rút gọn thủ tục nhanh chóng và hiệu quả nhất

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến pháp luật:

HÃNG LUẬT DHP

HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Miền Tây Nam Bộ: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hotline: 0868335186

Email: luatdhp@gmail.com

Website: dhplaw.vn

Facebook: Facebook/Luatdhp

Post Author: btv tk