QUAN ĐIỂM CHUNG VỀ VỊ TRÍ CHỖ NGỒI, CHỖ ĐỨNG TRONG XÃ HỘI HIỆN NAY
Chỗ ngồi, chỗ đứng không chỉ đơn thuần là vị trí, địa điểm của một người hoặc một số người nào đó, mà chỗ ngồi, chỗ đứng còn thể hiện vị trí, vai trò và tầm quan trọng của họ tùy từng hoàn cảnh cụ thể.
1. Về mặt ngữ nghĩa
– Chỗ ngồi: hiểu theo nghĩa động từ (hoặc động ngữ) của Từ điển Tiếng Việt là: “tư thế đặt đít trên mặt nền hoặc chân gập lại để đo toàn thân, phân biệt với đứng và nằm”, ví dụ: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng, buồng trong mối đã giục nàng kip ra” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Theo khẩu ngữ thì ngồi được hiểu là: “nơi ở, ở vị trí nào đó, trong thời gian tương đối lâu để làm việc gì”, ví dụ: “ngồi nhà đá” (ở tù) hay “ngồi ghế giám đốc” v.v.. Ngồi cũng có nhiều tư thế khác nhau như: Ngồi bệt; ngồi bó giò; ngồi bó gối; ngồi chơi xơi nước; ngồi chưa ấm chỗ v.v… [1 – Tr 1066] – Còn chỗ đứng theo nghĩa động từ là “ở tư thế thân thẳng, chỉ có chân đặt trên mặt nền, chống đỡ toàn thân, phân biệt với nằm, ngồi”. Ví dụ: “đứng lên ngồi xuống”, “đứng ”, “đứng xếp hàng” v.v..hoặc ở vào một vị trí nào đó như: “người đứng đầu cơ quan”, “đứng trong danh sách”.v.v..Từ đứng còn chỉ nhiều tư thế, trạng thái khác nhau [1 – Tr 559].
2. Về mặt xã hội
– Chỗ ngồi xác định rõ vị trí và cả quyền uy khác nhau trong xã hội. Ví dụ: “Ngự trị” nơi dành cho vua ngồi hoặc chỉ nơi ngồi cao nhất, trang trọng nhất “Phật ngự tòa sen” v.v… [1 – Tr 1079, 1080].
– Chỗ đứng: “xác định vị trí, vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội hoặc trong một tổ chức, một phạm vi nào đó” Ví dụ: “Tác phẩm đã tìm được chỗ đứng”, “Các cô bây giờ trở nên người có chỗ đứng trong xã hội cả” [1 -275].
Qua những ý nghĩa cụ thể về chỗ ngồi, chỗ đứng nêu trên. Chúng ta thấy rằng mối quan hệ biện chứng giữa “hình thức và nội dung”. Chỗ ngồi, chỗ đứng tuy chỉ là hình thức, nhưng qua đó chúng ta có thể thấy rõ ràng về tư cách, vai trò, vị trí, quyền và nghĩa vụ của người ngồi, đứng vào một vị trí cụ thể nào đó trong hoàn cảnh cụ thể của một sự kiện.
Thực tế, chúng ta thường mục thị trong các hội nghị, hội họp, hội thảo, các cuộc mit tinh hay tổ chức Đại hội của các tổ chức Đoàn thể trong xã hội chúng ta hiện nay; người ta đều phải bố trí chỗ ngồi, chỗ đứng cho từng chức danh cụ thể của cuộc hội họp đó theo thứ tự chức vụ từ cao xuống thấp. Thường thì chỗ ngồi của người chủ tọa cuộc họp hoặc Đoàn chủ tịch (Đại hội, hội nghị, hội thảo) bao giờ cũng đặt ở vị trí chính giữa phía trước và thường là cao hơn những người khác tham gia dự họp; kế bên là bục dành cho người đứng phát biểu tham luận, ý kiến, kết luận hội nghị v.v…
Thực tế, hiện tại chưa có quyết định cụ thể nào về chỗ ngồi, chỗ đứng nêu trên trong các cuộc hội họp….Nhưng ngồi vào vị trí nào đều do sự sắp xếp của Ban tổ chức nên chúng ta đều biết và hiểu được vị trí, vai trò của từng người tại các cuộc hội họp đó.
Chỗ ngồi, chỗ đứng ở khía cạnh nào đó còn thể hiện rõ bản sắc của một dân tộc không chỉ ở nước ta mà còn ở các nước khác trên thế giới. Ví dụ: Tại Hội thảo khu vực ứng phó với tình trạng bạo lực đối với trẻ em trong hệ thống tư pháp do UNICEF khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương tổ chức tại BANGKOK từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 11 năm 2014; trong chương trình hội thảo có thời gian đến dự và phát biểu của Công chúa thuộc Hoàng gia Thái Lan . Khi Công chúa đến đi vào một cổng riêng; đường dẫn đến bàn chủ trì Hội thảo dành cho công chúa được trải thảm đỏ, bố trí một ghế ngồi sơn son, mạ vàng để Công chúa ngồi .Khi phát biểu xong, ra về thì ghế ngồi và thảm đỏ lại được cất, chuyển đi. Khi công chúa vào hội trường cũng như khi ra về tất cả mọi người đều đứng dậy và vỗ tay chào vẫy theo nghi lễ của nước chủ nhà. Ở Úc khi Thẩm phán vào phòng xử tất cả mọi người đều phải đứng dạy chào; trong thời gian xét xử bất kỳ ai ra hoặc vào phòng xử đều phải đứng nghiêm cúi đầu chào Thẩm phán. Còn ở Việt Nam mọi người trong phòng xử chỉ phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án hoặc khi tuyên án; trong thời gian Tòa án xét xử chỉ một số người theo quy đinh của Luật tố tụng mới phải báo cáo xin phép Chủ tọa phiên tòa, còn lại ra vào không có động thái như ở Úc.
Rõ ràng, chỗ ngồi chỗ đứng tại các địa điểm hoàn cảnh cụ thể nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng thể hiện cả về bản sắc dân tộc, nghi lễ ngoại giao và vị trí của từng người cụ thể.
MÔ HÌNH SẮP XẾP CHỖ NGỒI TRONG PHÒNG XỬ ÁN
Lâu nay, trên các phương tiện đại chúng thường có bàn luận về văn hóa tư pháp với chuyên mục là “Văn hóa pháp đình” bao gồm từ chỗ ngồi đến mọi cử chỉ, lời nói của mọi thành phần tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật, mà đặc biệt là của những người tiến hành tố tụng (Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát vv…) luôn được quần chúng nhân dân, những người tham gia tố tụng và báo chí quan tâm.
Tóm lại, mọi diễn biến tại phòng xử án được quan tâm kĩ càng cả về hình thức và nội dung. Có rất nhiều vấn đề cần được bàn thảo liên quan đến các hoạt động ở phòng xử cả về hai phương diện. Tuy nhiên, trong phạm vi cuộc hội thảo này tôi chỉ đề cập đến vị trí chỗ ngồi của những người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng trong phiên tòa hình sự.
Đối với các phiên tòa hoặc phiên họp để giải quyết các loại vụ, việc theo thẩm quyền của Tòa án nói chung, cũng như phiên tòa hình sự nói riêng thì vị trí ngồi của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, đặc biệt là vị trí ngồi của Hội đồng xét xử không chỉ thể hiện rõ quyền lực của Nhà nước trong hoạt động tư pháp mà còn phản ánh đầy đủ, sâu sắc bản chất nền công lý của chế độ; thể hiện cả bản sắc dân tộc và văn hóa tư pháp.
Sau khi có Luật tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1959 đến nay, thì mô hình vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng được bố tí như sau:
Phần trên cao trong phòng xử án phía dưới quốc huy, chính giữa là Hội đồng xét xử; bên phải phía trước so với bàn của Hội đồng xét xử là vị trí ngồi của đại diện Viện Kiểm sát và bên trái phía trước so với bàn của Hội đồng xét xử là vị trí ngồi của Thư ký phiên tòa.
Bên dưới phía trước là vành móng ngựa (nơi bị cáo đứng, hoặc được phép ngồi để khai báo tại Tòa…); bên cạnh, phía sau vành móng ngựa có thể có bàn đặt vật chứng; bàn để người làm chứng, bàn để người bị hại đứng trình bày ý kiến. Hai bên hội trường sát với phía Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký phiên tòa là nơi bố trí cho Luật sư, người bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia tố tụng hoặc cho người giám định, người phiên dịch (nếu có); tiếp phía sau là những người dự phiên tòa.
Ngoài ra, trong một số vụ án được dư luận báo chí trong và ngoài nước quan tâm thì Tòa án (cụ thể là Ban tổ chức phiên tòa do Tòa án thành lập) còn bố trí phòng cho các phóng viên tham dự phiên tòa v.v… Tuy nhiên, ở nước ngoài phóng viên không được tự do đi lại trong phòng xử án như ở Việt Nam; chỉ được ghi chép các diễn biến tại phiên tòa, không được chụp ảnh.
Tóm lại, vị trí của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký Tòa án đã cố định một thời gian dài gần như là thông lệ, còn lại các vị trí ngồi khác là do Tòa án bố trí, sắp xếp phù hợp với điều kiện cụ thể của phòng xử án.
Song thời gian vừa qua, cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau về việc bố trí, sắp xếp vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, đặc biệt là tương quan vị trí chỗ ngồi của đại diện Viên kiểm sát và Luật sư.
Vấn đề đặt ra, cần sắp xếp chỗ ngồi phản ảnh bản chất hoạt động xét xử trong phiên tòa hình sự. Bởi lẽ, việc bố trí chỗ ngồi cho người tiến hành tố tụng cũng như tham gia tố tụng không chỉ là về hình thức mà còn phản ánh cả bản chất của các cơ quan bảo vệ pháp luật và bản sắc văn hóa của dân tộc cũng như văn hóa tư pháp.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thiết phải luật hóa mô hình tổ chức phiên tòa, trước hết là việc sắp xếp chỗ ngồi, trang phục của người tiến hành tố tụng, chỗ ngồi của người tham gia tố tụng…; chấm dứt việc bàn cãi lâu nay, cũng như giải đáp đề nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về việc bố trí chỗ ngồi của Luật sư tại phiên tòa.
Hiện nay, theo Điều 252 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng ban sửa đổi, bổ sung quy định về chỗ ngồi trong phòng xử án hình sự như sau: “ Phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và Thư ký Tòa án; Hội đồng xét xử ngồi chính giữa, Kiểm sát viên ngồi bên phải, Thư ký ngồi bên trái Hội đồng xét xử. Phía dưới của phòng xử án gồm vị trí của người tham gia tố tụng và người tham gia phiên tòa. Người bảo chữa ngồi bên trái, người giám định ngồi bên phải Hội đồng xét xử…”.
Theo nhận thức của chúng tôi, nếu Điều 252 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự được Quốc hội thông qua thì vẫn chưa rõ ràng, nên vẫn cần có hướng dẫn cụ thể để thực thi. Bởi lẽ, có phiên tòa rất đông người tham gia (nhiều Luật sư bào chữa cho những người tham gia tố tụng khác nhau), nhiều bị cáo, nhiều người bị hại, có người phiên dịch, người giám định v.v… Do vậy, việc bố trí cho những người này ngồi ở vị trí nào là do Tòa án sắp xếp, bố trí tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia phiên tòa và bảo đảm trật tự phiên tòa. Vậy Tòa án nhân dân tối cao hay Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều luật này?
Như đã trình bày ở phần trên, các công dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức về pháp luật của họ còn hạn chế. Song, về phong tục tập quán thì họ giữ gìn rất tốt, ít bị lai căng, pha trộn. Vì vậy, khi bước vào phòng xử án thì theo nhận thức của họ khi quan sát vị trí ngồi như dự thảo nêu trên, họ rất dễ lầm tưởng đại diện Viện Kiểm sát và Thư ký phiên tòa có vị trí quan trọng như nhau , nên có vị trí ngồi như nhau, trừ Hội đồng xét xử có vị trí quan trọng hơn ngồi ở giữa. Nhưng thực tế vị trí, vai trò địa vị pháp lý theo quy định của pháp luật của Kiểm sát viên và Thư ký phiên tòa là rất khác nhau, mặc dù cùng là người tiến hành tố tụng.
Còn giới Luật sư, cũng như các chuyên gia pháp luật đều cùng quan điểm cho rằng: người bảo chữa (Luật sư) phải ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát mới thể hiện bản chất hoạt động xét xử vụ án hình sự; phản ảnh sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước Tòa án trong việc thực hiện nhiệm của của mỗi bên (buộc tội, gỡ tội).
Ngược lại, Viện Kiểm sát và những người đồng tình với quan điểm của Viện Kiểm sát thì cho rằng: Viện Kiểm sát thay mặt Nhà nước không chỉ giữ quyền công tố tại phiên tòa hình sự mà còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử nên không thể đặt vị trí ngồi ngang hàng với người bào chữa (Luật sư) là người tham gia tố tụng được và còn nhiều lý do khác để không ngồi ngang hàng với nhau.
Ngạn ngữ có câu: “Mọi so sánh đều là khập khiễng”. Tuy nhiên, vị trí ngồi ở đâu tại phiên tòa cần phải làm rõ nhằm đảm bảo nguyên tắc: “Mọi người đều bình đẳng trước Tòa án”.
Thực tế, bao lâu nay, ngoài vị trí cố định của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và Thư ký Tòa án thì các vị trí ngồi còn lại tại phiên tòa đều do Tòa án bố trí, sắp xếp.
Hơn nữa, có phiên tòa thì ngoài Hội đồng xét xử còn có Thẩm phán dự khuyết, có hai Thư ký Tòa án tham gia phiên tòa; có đại diện Viện Kiểm sát dự khuyết; có rất nhiều người bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và rất nhiều người tham gia tố tụng khác. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật qui định vị trí đặc biệt quan trọng của Hội đồng xét xử (Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa) trong hoạt động xét xử. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là một thẩm phán trong hội đồng xét xử điều khiển và giữ kỷ luật phiên tòa.
Thuật ngữ chủ tọa phiên tòa đã được qui định trong các văn bản pháp luật trước đây. Theo Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 về tổ chức các Tòa án và ngạch thẩm phán thì Tòa án sơ thẩm chỉ có một thẩm phán, Tòa án đệ nhị cấp khi xét xử các việc tiểu hình ngoài Chánh án làm chủ tọa phiên tòa còn có thêm hai phụ thẩm nhân dân, khi xét xử đại hình thì Hội đồng xét xử có 5 người gồm Chánh án làm chủ tọa, hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn và hai phụ thẩm nhân dân. Tòa thượng thẩm có Chánh án làm chủ tọa, hai Thẩm phán làm Hội thẩm và hai Phụ thẩm nhân dân.
Theo Sắc lệnh số 163 ngày 23/8/1946 về tổ chức Tòa án binh lâm thời thì Hội đồng xét xử của Tòa án bao gồm có Chánh án làm chủ tọa và hai Hội thẩm, trong đó một Hội thẩm là thẩm phán, một Hội thẩm là quân nhân.
Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 14/7/1960 quy định thành phần Hội đồng xét xử gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trong trường hợp những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì Tòa án nhân dân có thể xét xử không có Hội thẩm nhân dân; thành phần xét xử Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tối cao gồm có ba hoặc hai Thẩm phán do Chánh án làm chủ tọa phiên tòa hoặc chỉ định một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
Kế thừa các văn bản pháp luật trước đây, Bộ luật tố tụng Hình sự năm 1988 trước đây và Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 đã quy định rõ thành phần của Hội đồng xét xử ở các cấp xét xử khác nhau; xác định rõ vị trí đặc biệt quan trọng và quyền hạn của chủ tọa phiên tòa trong hoạt động xét xử.
Chủ tọa phiên tòa có quyền, trách nhiệm điều khiển phiên tòa tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và giữ nghiêm kỉ luật phiên tòa. Mọi người trong phòng xét xử đều phải giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Đối với những người vi phạm trật tự phiên tòa, tùy từng trường hợp chủ tọa phiên tòa có thể cảnh cáo, phạt tiền hoặc buộc phải rời khỏi phòng xử án; nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị bắt giữ.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp, quyết định tuyên xử một người là có tội hoặc không phạm tội; quyết định hình phạt, buộc phải bồi thường thiệt hại phải chịu án phí… tùy theo từng vụ án cụ thể theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký Tòa án, người tham gia tố tụng và tất cả người tham dự phiên tòa có mặt trong phòng xử án đến phải chấp hành nội quy phiên tòa và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án.
Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, của người bảo chữa, cũng như những người tham gia tố tụng khác có thể được Hội đồng xét xử (Tòa án) chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Chủ tọa phiên tòa điều hành để đại diện Viện Kiểm sát tranh luận với người bảo chữa, cũng như đối với những người tham gia tố tụng khác có quyền tranh luận tại phiên tòa. Như vậy, tạm gác các chức năng nhiệm vụ khác mà Luật pháp giao cho Viện Kiểm sát nhân dân thì việc tiến hành tố tụng của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa ở góc độ cụ thể so với vai trò vị trí của người bảo chữa (Luật sư) tại phiên tòa là bình đẳng với nhau và bình đẳng trước Tòa án. Hơn nữa theo dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, tại phiên tòa Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng công tố, không thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động xét xử.
Do đó, đề nghị của giới Luật sư và các nhà Luật học cho rằng vị trí ngồi của đại diện Viện kiểm sát (công tố) và Người bào chữa (gỡ tội) tại phòng xử án hình sự tại Tòa án ngang hàng như nhau để thể hiện sự văn minh và bình đẳng trước tòa án trong hoạt động xét xử tại phiên tòa không phải là không có căn cứ thực tiễn và khoa học. Thực tế khi xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án người bị hại không chỉ bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản thì sự bức xúc, phản ứng của người bị hại, người thân của họ; thậm chí sự phẫn nộ của người tham dự phiên tòa có thể bùng lên bất cứ lúc nào trong quá trình giải quyết vụ án. Nhiều khi việc cãi cọ, xô xát giữa bên bị hại, bên bị cáo hoặc cả với người làm chứng có quyền lợi mâu thuẫn giữa các bên xảy ra đòi hỏi phải có sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa để cảnh sát bảo vệ phiên tòa thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự phiên tòa. Những vụ án phức tạp nêu trên, thì khi xét xử Tòa án (Hội đồng xét xử) đã dự tính bố trí chỗ ngồi cho những người tham gia phiên tòa, nhằm đảm bảo giữ gìn trật tự phiên tòa, đảm bảo sự bình đẳng trước tòa và phòng ngừa xung đột giữa các bên có quyền và nghĩa vụ khác nhau có thể xảy ra tại phòng xử.
Phòng xét xử là phòng làm việc do Tòa án quản lý; việc bố trí chỗ ngồi cho người tiến hành tố tụng hay tham gia tố tụng từ trước đến nay là đều do Tòa án quyết định. Việc Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đi tiên phong trong việc bố trí chỗ ngồi cho những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng trong phòng xử án theo hướng nâng cao chất lượng tranh tụng theo tinh thần cải cách tư pháp: Bàn Thư ký phiên tòa đặt ngay dưới vị trí ngồi của Hội đồng xét xử; bàn đặt cho Luật sư đặt ngang hàng với bàn dành cho đại diện Viện Kiểm sát, mặc dù, có ý kiến này, ý kiến khác nhau, thậm chí phản đối những cũng cần ghi nhận và thực tế Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng khác đã được triệu tập, thông báo tham gia phiên tòa đến ngồi đúng vị trí của mình như Tòa án đã bố trí và phiên tòa vẫn tiến hành đúng trình tự luật định, đồng thời cũng được nhiều người đồng tình, ủng hộ sự đổi mới này.
Hơn nữa, thực tiễn một số lần chúng tôi trực tiếp tham gia xét xử lưu động tại trại tạm giam, mô hình sắp xếp, bố trí chỗ ngồi thường được bố trí như sau: HĐXX ngồi chính giữa, phía trước hai bên là bàn dành cho đại diện VKS, Thư ký tòa án và một bàn phía trước HĐXX là bàn để các bị cáo đứng khai; bên cạnh bên phải phía dưới là bàn dành cho người bị hại trình bày,… trên cùng một mặt phẳng không cao không thấp. Trình tự phiên tòa vẫn tiến hành theo đúng thủ tục tố tụng không vì thế mà làm thay đổi hiệu quả thực thi nhiệm vụ của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa và tạo tâm lý tích cực cho người bào chữa việc tranh luận với đại diện Viện kiểm sát về vụ án.
Mặt khác, việc bố trí chỗ ngồi cho những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng phù hợp với việc bố trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, ví dụ như ở Hoa Kỳ, Úc, Ca-na-đa, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ru-ma-ni…
Hiện nay, Theo quy định tại Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013 thì TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã nêu rõ các nhiệm vụ của cải cách tư pháp, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải: “Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND”. Luật Tổ chức TAND 2014 đã cụ thể quy định của Hiến pháp và Nghị quyết số 49-NQ/TW nêu trên của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình trong hoạt động xét xử thì các Bộ luật Tố tụng, trong đó Bộ luật Tố tụng hình sự cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với qui định mới của Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân dân về vị trí, chức năng của Tòa án nhân dân.
Mặt khác, Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT ngày 12 tháng 7 năm 2011 gửi TANDTC – Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự đã đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên tại Khoản 3 Điều 11 đã xác định rõ: “Khi tiến hành xét xử, Tòa án có thể sắp xếp lại vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong phòng xử án nhằm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với người chưa thành niên”.
Điều đó, thể hiện rõ việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như thực hiện Công ước quốc tế về bảo vệ trẻ em mà Nhà nước ta đã tham gia.
Tóm lại, trên cơ sở thực tiễn cũng như các quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, chúng tôi cho rằng việc bố trí chỗ ngồi cho những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như những người tham dự phiên tòa trong phòng xử án, nên giao cho Tòa án thực hiện là phù hợp nhất về moi phương diện. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 252 Dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự, sửa đổi bổ sung như sau: “Về hình thức phiên tòa, Hội đồng xét xử ngồi phía trên chính giữa, các vị trí còn lại giao TANDTC chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan quy định”.
Chúng tôi cho rằng, chỉ có Tòa án nhân dân tối cao chủ trì hướng dẫn quy định các vị trí ngồi tại phòng xử mới phù hợp với thực tiễn xét xử trong suốt thời gian qua cũng như vị trí mà pháp luật đã quy định cho Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Sau khi Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi có hiệu lực, TANDTC có trách nhiệm phối hợp với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn chi tiết cụ thể thống nhất trong hệ thống tòa án các cấp đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp hiện nay, kể cả hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên; cũng như bố trí chỗ ngồi ở các phiên tòa dân sự, hành chính…, phòng họp giải quyết các loại việc theo chức năng, thẩm quyền của tòa án cho phù hợp với quy định của pháp luật và các đối tượng cụ thể tham gia phiên tòa, phiên họp.
– Về thuật ngữ những người tiến hành tố tụng tại phiên tòa trước đây xác định là “đại diện Viện kiểm sát” nay đề nghị dùng cụm từ “đại diện công tố” cho rõ nhiệm vụ, chức năng của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
Nguồn: Theo tapchitoaan.com
Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thuế,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW