Án lệ – kỹ thuật pháp lý được áp dụng ở Việt Nam từ lâu đời

Việc chọn dùng các bản án đã được các phán quan, thẩm phán xét xử đối với từng vụ án cụ thể làm tiền lệ để các vụ xét xử có tình tiết tương tự về sau dựa theo là một kỹ thuật pháp lý phổ biến được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới; riêng ở nước ta đã có lịch sử hơn 500 năm trước, dưới chế độ quân chủ chuyên chế.

Trong nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, việc xây dựng án lệ đã được các giới chuyên gia đồng tình và đã có nghị quyết triển khai thực hiện.
Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long là hai bộ luật tiêu biểu của chế độ quân chủ Việt Nam.
Bàn về lịch sử xa xưa thì ngày nay chúng ta chỉ có thể khẳng định tới thế kỷ XV đầu nhà Lê. Bởi vì trước đó, qua cuộc xâm lược đô hộ của phương Bắc (từ 1400 đến 1427), giặc Minh đã tóm thu toàn bộ tư liệu thư tịch, pháp điển của nước ta đem về Kim Lăng (Trung Quốc) hoặc tiêu hủy tại chỗ, đến nay ta không còn tìm lại được, nên chỉ xin ôn lại lịch sử từ đời nhà Lê – Hậu Lê (1428-1789) đến nhà Nguyễn (1802-1945). Đó là giai đoạn độc lập, tư chủ của Nhà nước Đại Việt – Việt Nam dưới chế độ quân chủ trung ương tập quyền, với nền pháp luật mà đỉnh cao là Bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là Bộ luật Hồng Đức) ra đời vào thế kỷ XV và Hoàng Việt luật lệ (thường gọi Bộ luật Gia Long) ra đời vào đầu thế kỷ XIX. Hai bộ luật này có hiệu lực liên tục ở nước ta từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XX và sau đó, cho đến nay vẫn còn tồn tại ảnh hưởng sâu sắc trong tục lệ của nhân dân ta.

Trong kỹ thuật lập pháp của người xưa, bên cạnh các bộ luật chính thức, nhà nước còn ban hành các “lệ” hay “lệnh” để hướng dẫn đường lối xét xử khi luật còn thiếu sót, chưa quy định đủ mọi góc cạnh chi tiết hoặc có quy định rồi mà chưa rõ. Các triều đại quân chủ Việt Nam triệt để áp dụng cách làm này.

1. Án lệ trong luật nhà Lê

Dưới thời nhà Lê, niên hiệu Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tận dụng kỹ thuật “làm cho pháp luật đầy đủ, dễ hiểu” bằng cách ghi tóm lược lại những bản án đã được các quan xử án xử rồi, chọn ra làm tiền lệ điển hình để về sau cứ noi theo đó mà xử các trường hợp tương tự. Cụ thể như trong Bộ luật Hồng Đức, các Điều 396, 397 về việc phân chia điền sản hương hỏa thực chất là những bản án được tóm lược lại, chép kèm vào bộ luật.
Hồng Đức thiện chính thư là một kho tài liệu rất quý giá về hai phương diện án lệ và luật pháp triều Lê. Trong đó, phần lớn các bản án trở thành án lệ thời xưa đều liên quan đến ruộng đất. Ngoài ra, cũng có những án lệ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, nhất là hôn nhân và gia đình. Lệ về “phụ trái tử hoàn” (Đoạn 101) nêu rõ: “Nếu cha mẹ mắc nợ mà bỏ trốn thì con cháu phải trả; nếu con cháu có nợ mà bỏ trốn thì cha mẹ, ông bà không phải chịu trách nhiệm”. Lệ về “không chồng mà có thai” (Đoạn 262), Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496) trình bản án được vua chuẩn phê thành lệ: “Gian phụ có thai thì ở phía gian phụ có chứng cứ; còn phía nam phu vì không có bằng chứng thì chỉ có thể xử phạt gian phụ về tội thông gian thôi”…[1]
Việc dùng bản án xử trước làm tiền lệ để giúp đưa ra đường lối xét xử cho các vụ việc sau đã là một kỹ thuật lập pháp hay, đọc dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tế. Các bản án này do các phán quan vận dụng kiến thức pháp luật của mình vào tình huống thực tế để xét xử, qua đó đưa ra đường lối xử lý chung.

2. Án lệ trong luật nhà Nguyễn

Đầu thế kỷ XIX ở nước ta, Bộ luật Gia Long (Hoàng Việt luật lệ) được ban hành năm 1815, có hiệu lực năm 1818. Bộ luật này gồm có 22 quyển với 398 điều. Về hình thức và nội dung bắt chước theo luật nhà Thanh bên Trung Quốc nên hai bộ luật giống từ cách gọi tên đến việc sắp xếp nội dung. Bộ luật nhà Thanh của Trung Quốc gọi tên là “Đại Thanh luật lệ” thì Bộ luật nhà Nguyễn của Việt Nam gọi tên là “Hoàng Việt luật lệ”, vì mỗi điều khoản trong cả hai bộ luật ấy gồm có nội dung luật và lệ. GS Vũ Văn Mẫu, Khoa trưởng Đại học Luật khoa Sài Gòn có phân tích về các án lệ ghi trong Đại Thanh luật lệ và Hoàng Việt luật lệ như sau: “Các lệ nguyên là những bản án đã xử trong thực tế và được xét là quan trọng nên được thêm vào trong bộ luật [2]; “Ở trên đầu trang giấy, có những chú thích in bằng chữ nhỏ cho biết những bản án có liên can đến mấy điều luật ấy” [3]; “Sau mỗi điều luật và phần chú giải chính văn có in thêm các lệ liên quan đến điều luật ấy”…[4].
Đồng quan điểm trên, PGS,TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học (2009) cũng có phân tích: “Hoàng Việt luật lệ được mô phỏng và biên soạn theo cách thức của Đại Thanh luật lệ (Trung Quốc) từ các điều khoản (luật), các điều lệ (các bản án đã xử trong thực tế), đến phần chú giải (giải thích) và cách ấn loát. Bởi thế cho nên, bộ luật của nhà Nguyễn này (…) gọi là Hoàng Việt luật lệ, cũng như bộ luật của nhà Thanh gọi là Đại Thanh luật lệ [5].
Ngoài ra, dưới thời nhà Nguyễn, bộ hội điển Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng có chép án lệ.
Bàn chung về án lệ và pháp luật thời xưa, GS Vũ Văn Mẫu đã có nhận xét: “Về phương diện án lệ, trong cổ luật của ta không có những tạp chí hay các loại sách đặc biệt để ấn hành hoặc chú thích các bản án; vì vậy trong cổ luật, các bản án không thể gây được một án lệ theo đúng với nghĩa chuyên môn mà chúng ta hiện nay dành cho danh từ này. Tuy nhiên, các vụ án phân xử ngày xưa không phải vì thế mà không quan trọng. Ta đã rõ những bản án điển hình thường được nghiên cứu tâu lên vua để được phê chuẩn thành lệ. Như vậy, tuy không có án lệ mà nhờ ở sự kiểm soát của các guồng máy trung ương phụ trách về việc án, án lệ này cũng đã hợp thành một nguồn gốc bổ sung cho pháp luật” [6]

3. Dưới thời Pháp thuộc và chế độ Việt Nam Cộng hòa:

Nền pháp luật nước ta chịu ảnh hưởng phương Tây (châu Âu lục địa) mà cụ thể là hệ thống pháp luật nước Pháp. Trong đó, án lệ là một nguồn gốc pháp luật quan trọng. Án lệ ra đời nhằm để giải thích pháp luật cho rõ ràng và bổ sung những khoảng trống thiếu sót do pháp luật thực định hiện hành quy định chưa đầy đủ. Các án lệ do ngành tòa án đúc kết qua những bản án đã được xét xử trong thực tế, làm tiền lệ để các vụ xét xử sau có thể tham khảo vận dụng theo đó. Nói cách khác, án lệ do các tòa án xây dựng nên trong khi phân xử các vụ kiện, nếu gặp một điều luật tối nghĩa, không rõ rệt hoặc nhiều điều luật tương phản nhau; hoặc pháp luật không có quy định mà về nguyên tắc thẩm phán không thể không xử. Nhiệm vụ “phải xử” này đã được cả 3 bộ Dân luật thời Pháp thuộc ghi rõ: “Thẩm phán nào viện lẽ rằng vì luật không quy định hoặc tối nghĩa hoặc không đủ để thoái thác không xét xử, có thể bị truy tố về sự bất khẳng thụ lý” (Điều 5 Dân luật Bắc, Dân luật Trung, Điều 4 Dân luật giản yếu áp dụng ở Nam Kỳ). Đó cũng là mô phỏng theo Điều 4 Bộ Dân luật Pháp lúc bấy giờ.
Cũng cần lưu ý: sự phán quyết của các thẩm phán xét xử các cấp chỉ có giá trị đối với việc đem ra xử mà thôi; nói cách khác, các bản án ấy không được có tính chất pháp quy, bắt buộc các tòa án khác phải xử theo một cách tuyệt đối. Các phán quyết của các cấp tòa án sẽ dần dần trở thành án lệ khi nào được các tòa án coi như một đường lối chung, đã được tòa án cấp tối cao tổng kết và phổ biến chung cho cả nước thông qua các tạp chí công bố án văn thành án lệ như Đông Dương tư pháp tập san (Journal judiciaire de l’Indochine), Pháp lý tập san, Pháp luật tập san, v.v..
Ở miền Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa (từ 1954-1975), nói chung nền pháp luật cũng theo trường phái châu Âu (của Pháp), bên cạnh pháp luật thực định, còn có án lệ để bổ sung cho những trường hợp pháp luật không rõ ràng, chưa đầy đủ. Thí dụ: Án lệ về “giá trị các văn thư làm ra dưới thời Nhật” hướng dẫn rằng: “Các văn thư về tư pháp làm ra dưới thời Nhật vẫn có giá trị nếu không điều gì trái với luật lệ hiện hành” (Án văn của Tòa thượng thẩm Sài Gòn ngày 28/6/1951, đăng trong Pháp lý tập san năm 1952, trang 52, dẫn từ sách Án lệ vựng tập (Recueil de jurisprudence), Trần Đại Khâm, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969, trang 15).
Khi muốn viện dẫn một bản án nào để chứng minh sự suy luận của mình, thì phải kể tên tòa án, ngày tuyên bản án, tạp chí đã đăng án văn (năm nào, phần nào, trang nào).

4. Kết luận
Những vấn đề trên đây là thực tiễn đã xảy ra cách nay từ mấy chục năm đến hơn cả nửa thiên niên kỷ. Đó là tình hình án lệ của châu Âu đã được thử thách, thực hiện ở Việt Nam; mà việc đó cũng có nguồn gốc xảy ra từ nền pháp luật cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Giáo sư Vũ Văn Mẫu, nhà nghiên cứu pháp luật đầu đàn ở miền Nam, mà qua các công trình khoa học pháp lý hiện nay cũng đã khẳng định ông là đầu đàn của cả nước, đã từng giảng dạy cho sinh viên luật: “Học luật mà không đọc án lệ khác nào người chỉ chơi hoa giấy, không được biết hương sắc của hoa thật” [7].
Trên cơ sở coi như chân lý ấy, chúng ta có thể khẩn trương xây dựng nền án lệ của chúng ta trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn trong nước và nước ngoài, trong quá khứ và hiện tại.

[1] Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỷ XV đến XVIII, Tập I, lệ 8, Nxb Khoa học xã hội, 2006, trang 475.

[2] Vũ Văn Mẫu, Dân luật khái luật, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1957, tr .239.

[3] Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr. 239.

[4] Vũ Văn Mẫu, Sđd, tr. 240.

[5] Viện Sử học, Cổ luật Việt Nam – Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr. 10.

[6] Vũ Văn Mẫu, Lời tựa sách Hồng Đức Thiện chính thư, Trường Luật Khoa Đại học Sài Gòn, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn, 1959, tr. XIII – XIV.

[7] Vũ Văn Mẫu, Pháp luật diễn giảng, Luật Khoa Đại học đường Sài Gòn, 1975, tr .135.

Nguồn: Theo tapchitoaan.com

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Bất động sản,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

 

Post Author: vanh