Giải thích áp dụng pháp luật – điểm mới Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024
Thuật ngữ “giải thích áp dụng pháp luật” xuất hiện tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TCTAND) 2024 và là điểm mới so với Luật TCTAND 2014. Theo đó, TAND có nhiệm vụ, quyền hạn “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”.
Dưới góc độ khoa học pháp lý, hiện nay chưa có bất kỳ định nghĩa nào về thuật ngữ này. Việc nghiên cứu bản thân nội hàm của thuật ngữ nói trên là điều cần thiết.
1. Một số nội dung khái quát về giải thích áp dụng pháp luật của TAND
Luật TCTAND 2024 đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của TAND là “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc” so với Luật TCTAND 2014. Khi xem xét dưới góc độ lập pháp, TANDTC – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật đã “vấp” phải nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung này. Đơn cử có quan điểm khẳng định “luật hóa hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của các Tòa án đang thực hiện vào trong dự thảo Luật sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn với mỗi Thẩm phán khi thực hiện xét xử”1, nhưng cũng có quan điểm cho rằng “dễ gây nhầm lẫn trong thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”[1]. Như vậy, thực tế có nhiều quan điểm trái chiều nhau khi đề cập đến thẩm quyền của TAND. Để giải quyết vấn đề này, tác giả cho rằng, cần thiết nghiên cứu đến “bản chất” của áp dụng pháp luật và nên hiểu giải thích pháp luật là gì.
Giải thích pháp luật là gì? Trong phạm vi nghiên cứu bài này, tác giả không phân tích một cách chuyên sâu đến vấn đề này, thay vào đó, tác giả kế thừa những kết quả nghiên cứu trước đó. Quan điểm của tác giả Phạm Thị Duyên Thảo cho rằng “giải thích pháp luật là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền theo một quy trình pháp lý nhằm xác định chính xác ý nghĩa, nội dung quy tắc xử sự trong văn bản quy phạm pháp luật (mà chủ yếu là những quy phạm pháp luật khi áp dụng gặp vướng mắc) để nhận thức, thực hiện pháp luật đúng đắn, thống nhất”[2]. Từ khái niệm này, tác giả trên đưa ra một số đặc điểm của giải thích pháp luật, bao gồm: (i) Giải thích pháp luật là hoạt động có mục đích cơ bản nhất là xác định chính xác nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật để nhận thức, thực hiện pháp luật đúng đắn, thống nhất (đặc biệt là khi quy phạm đó bộc lộ khả năng phải giải thích); (ii) Giải thích pháp luật là hoạt động tất yếu sau hoạt động lập pháp, trong quá trình thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; (iii) Giải thích pháp luật được thực hiện theo một phương thức và quy trình nhất định[3].
Như vậy, dưới góc độ nghiên cứu của tác giả Phạm Thị Duyên Thảo, thực tế có thể nhận thấy, chỉ có chủ thể nào được trao thẩm quyền giải thích pháp luật mới có thẩm quyền giải thích và có thể xem đây là hoạt động giải thích pháp luật chính thức, có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các quan hệ xã hội trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Đối với Việt Nam, thực tế có thể thấy hiện nay, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất có thẩm quyền giải thích pháp luật.
Cơ sở pháp lý về thẩm quyền giải thích pháp luật tại Việt Nam: Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một trong những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây, cụ thể là “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh”. Sau đó, nội dung “hiến định” này được cụ thể hóa tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2020 khi văn bản này xác định tại điểm a khoản 2 Điều 16 khi quy định hình thức giải thích pháp luật của cơ quan này chính là pháp lệnh hoặc nghị quyết. Từ đây, có thể xác định, Việt Nam dường như xác định giải thích pháp luật theo mô hình “cơ quan lập pháp giải thích pháp luật”. Tuy nhiên, dường như Việt Nam có ngoại lệ đối với thẩm quyền giải thích pháp luật.
Ngoài hình thức giải thích pháp luật mang tính quy phạm, ở nước ta cũng như các nước theo hệ thống pháp luật Thông luật còn thừa nhận hình thức “giải thích pháp luật” mang tính cá biệt nhằm làm sáng tỏ một nội dung, sự kiện, tình huống pháp lý cụ thể thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, được biết đến là các án lệ[4]. Và hoạt động này được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 với nội dung “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” (khoản 3 Điều 104). Tuy nhiên, quy định này dường như trao quyền cho cơ quan cụ thể là TANDTC, trong khi đó, Luật TCTAND sửa đổi khẳng định nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của TAND là “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”.
Từ đó, chủ quan có thể thấy, Luật TCTAND 2024 không trao quyền giải thích pháp luật, và không nên nhầm lần việc ghi nhận nội dung này dẫn dến chồng lấn thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Nên hiểu “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc” như thế nào?
Hiểu như thế nào về “giải thích áp dụng pháp luật”: Dưới góc độ từ ngữ, có thể phân tách thuật ngữ “giải thích áp dụng pháp luật” thành “giải thích” và “áp dụng pháp luật”. Tác giả Hoàng Phê cho rằng “giải thích” được hiểu là “làm cho hiểu rõ”[5], như vậy, cụm từ “giải thích” được hiểu chính là hoạt động của một chủ thể nhất định nhằm làm rõ một đối tượng, sự việc được xác định cụ thể. Đối với thuật ngữ “áp dụng pháp luật”, tác giả Nguyễn Minh Đoan cho rằng “áp dụng pháp luật là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân được Nhà nước uỷ quyền trong việc tổ chức, tạo điều kiện cho các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật, các quyền và nghĩa vụ pháp luật”[6]. Vậy, đối với áp dụng pháp luật, thực chất chính là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền được Nhà nước trao thông qua việc quy định về quyền và nghĩa vụ trong một lĩnh vực nhất định.
Từ đó, có thể hiểu giải thích áp dụng pháp luật là hoạt động của chủ thể có thẩm quyền được Nhà nước trao thông qua việc ghi nhận quyền, nghĩa vụ bởi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết, hoặc làm sáng tỏ một đối tượng, sự việc nhất định.
Với những lẽ đó, một trong các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa được Luật Thương mại năm 2005 quy định bao gồm “giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án” (khoản 3 Điều 117), cùng với đó, khoản 3 Điều 117 này chính là quy phạm dẫn chiếu đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể kể trên (trong đó bao gồm Tòa án) được quy định tại hiện hành và Luật TCTAND 2024. Và như đã đề cập, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của TAND chính là “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”.
Tựu trung lại, Tòa án được Nhà nước trao quyền “giải thích áp dụng pháp luật” thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là văn bản dưới hình thức luật, đồng thời nội dung này đã trở thành nghĩa vụ của Tòa án trong giải quyết các tranh chấp nói chung và tranh chấp đối với hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại nói riêng.
Giới hạn nào cho hoạt động giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án hiện nay? Dưới góc độ văn bản pháp lý, Luật TCTAND 2014 đã giới hạn đối với hoạt động này, và tránh “xâm lấn” đến các thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc của TANDTC. Bởi lẽ, tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Luật TCTAND 2024 thể hiện rõ TAND có thẩm quyền “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”. Vậy, giới hạn ở đây chính là trong phạm vi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Thực tiễn văn bản pháp lý có thể nhận thấy Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ án dân sự, việc dân sự theo BLTTD 2015, vụ án hình sự theo BLTTHS 2015, và vụ án hành chính theo Luật TTHC 2015. Như vậy, thực tế, quy định tại Luật TCTAND 2024 đang trao thẩm quyền “hình thức” cho Tòa án. Đơn cử như trong vụ án dân sự, việc dân sự như đã đề cập, Tòa án khi giải quyết phải có nghĩa vụ lý giải vì sao vận dụng quy định pháp luật (tức một hoặc một số quy phạm trong lĩnh vực nhất định) để đưa ra phán quyết của mình. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, thực tế trước khi “minh thị” quy định này, Tòa án đã làm việc này, tuy nhiên có thể có trường hợp Tòa án chưa giải thích toàn diện mà tác giả tạm gọi là “giải thích ẩn” hoặc “ngầm hiểu” trước khi đưa ra phán quyết của mình.
Mục đích “nhằm giải quyết, hoặc làm sáng tỏ một đối tượng, sự việc nhất định” trong giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án đạt được khi nào? Vì sao lại đặt ra nội dung này? Thực tế, khi đề cập đến giải thích áp dụng pháp luật dưới góc độ văn bản pháp lý, chưa có một tiêu chí hay khái niệm được đề cập đến. Tuy nhiên, tác giả cho rằng đó chính là mục đích khi đề cập đến thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án.
Hiện nay, khi Tòa án giải quyết một vụ tranh chấp dân sự (theo nghĩa rộng), cần thiết có hai lĩnh vực quy phạm pháp luật mà Tòa án phải vận dụng, bao gồm: (i) “luật hình thức” – và có thể hiểu chính là quy trình, thủ tục để Tòa án thực hiện quyền lực tư pháp, và các nhà khoa học pháp lý hiện nay đều cho rằng nếu tuân thủ những quy định về hình thức đó, sẽ “góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật” (Điều 1 BLTTDS 2015), và “luật hình thức” này chính các các văn bản luật/bộ luật liên quan đến lĩnh vực tố tụng; và (ii) “luật nội dung” – chính là những quy phạm pháp luật làm tiền đề để Tòa án “căn cứ” vào khi đánh giá các chứng cứ trên thực tế, và đó chính là những văn bản quy phạm “không là” luật hình thức, như BLDS, Luật Thương mại,….
Từ những phân tích trên, mục đích của hoạt động giải thích áp dụng pháp luật chỉ đạt được khi tuân thủ các quy định về “luật hình thức” lẫn “luật nội dung”. Biểu hiện pháp lý của các bản án/quyết định của Tòa án đã tuân thủ các điều kiện này chính là bản án/quyết định đó không bị kháng nghị/kháng cáo bởi những chủ thể được trao quyền, đồng thời kháng cáo, kháng nghị đó được chấp nhận theo quy định của pháp luật.
Để làm rõ nội dung này, tác giả tiến hành khảo cứu thực tiễn các bản án của Tòa án trên thực tế liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại hiện hành.
3. Thực tiễn “giải thích áp dụng pháp luật” trong xét xử, giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân
Vụ án thứ nhất: Bản án số: 39/2022/KDTM-PT ngày 25/3/2022 TAND thành phố H về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”[7] (sau đây gọi là Bản án số 39/2022):
Nội dung: Công ty TNHH VT (sau đây gọi tắt là Công ty VT – nguyên đơn) và Hộ kinh doanh thẩm mỹ quốc tế B (sau đây gọi tắt là Thẩm mỹ B – bị đơn) có ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa số 2018/VVN-04/HĐMB ngày 10/02/2018. Đối tượng của Hợp đồng là: Máy chụp cắt lớp 3 trong 1 (Sử dụng cho phòng nha B), Model: PHT-65 LHS Brand name: Green 16; Xuất xứ: VT K; số lượng 01 máy; Giá: 1.704.750.000 đồng; giá này báo gồm cả 5% VAT và bao gồm chi phí vận chuyển, bảo hành. Theo thỏa thuận trong hợp đồng Thẩm mỹ B có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty VT làm 03 đợt.
… Tòa án cấp sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH VT đối với Hộ kinh doanh thẩm mỹ quốc tế B về yêu cầu thanh toán tiền theo Hợp đồng mua bán số 2018/VVN-04/HĐMB ngày 10/02/2018 giữa Công ty TNHH VT và Hộ kinh doanh thẩm mỹ quốc tế B. Tuyên Hợp đồng mua bán số 2018/VVN-04/HĐMB ngày 10/02/2018 giữa Công ty TNHH VT và Hộ kinh doanh thẩm mỹ quốc tế B vô hiệu, và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Tòa án cấp phúc thẩm: Về nội dung: Tại các cấp Tòa án, các bên đều xác nhận có ký kết Hợp đồng mua bán số 2018 ngày 10/2/2018. Thấy rằng, hợp đồng mua bán này đều do người có thẩm quyền của các bên ký kết, việc ký kết là tự nguyện, mục đích và nội dung không vi phạm điều cấm, hình thức, nội dung phù hợp quy định của pháp luật, như vậy giao dịch này có đủ các điều kiện quy định tại điều 117 BLDS năm 2015 nên hợp đồng mua bán này có hiệu lực pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu là không đúng.
Công ty đã giao giấy tờ về hàng hóa cho Thẩm mỹ B nhưng việc giao không được lập bằng văn bản mà thẩm mỹ B không công nhận nên không có căn cứ xác định là Công ty VT đã giao giấy tờ về hàng hóa cho Thẩm mỹ B theo quy định trong hợp đồng mua bán. Như vậy, đối chiếu với hợp đồng mua bán các bên đã ký kết có căn cứ để khẳng định đối tượng hàng hóa trong hợp đồng mua bán và hàng hóa (máy chụp cắt lớp) mà Công ty VT giao cho Thẩm mỹ viện B là không đồng nhất. Việc bên bán máy là bên soạn thảo hợp đồng mua bán đối với các nội dung không rõ ràng, khi xảy ra tranh chấp đã giải thích theo hướng có lợi cho mình là trái khoản 6 Điều 404 BLTTDS nên không được chấp nhận. Từ đó sửa bản án của Tòa án cấp sơ thẩm.
Vụ án thứ hai: Án lệ số 09/2026/AL và nguồn án lệ chính là Quyết định giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15/3/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” tại tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi là Quyết định số 07): nguyên đơn là Công ty cổ phần thép Việt Ý với bị đơn là Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Ngọc Lan và ông Lê Văn Dũng.
Theo đơn khởi kiện đề ngày 07/7/2007, đơn đề nghị thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 10/10/2007, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trình bày của đại diện nguyên đơn thì: Ngày 03/10/2006, Công ty cổ phần thép Việt Ý (sau đây gọi tắt là Công ty thép Việt Ý) ký Hợp đồng kinh tế số 03/2006-HĐKT với Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên (sau đây gọi tắt là Công ty kim khí Hưng Yên); do ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng Giám đốc làm đại diện theo Giấy ủy quyền số 621 ngày 10/9/2005 của Tổng Giám đốc Công ty. Trải qua nhiều quá lần kháng nghị, kháng cáo của các chủ thể có liên quan. Hội đồng Thẩm phán TANDTC thể hiện:
Về nội dung: …Tuy nhiên, khi quyết định về những khoản tiền mà Công ty kim khí Hưng Yên phải trả cho Công ty thép Việt Ý, Tòa án cấp sơ thẩm đã tính toán chưa chính xác, cụ thể như sau[8]:
Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 Hợp đồng kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chính xác số tiền và buộc Công ty kim khí Hưng Yên phải trả lại cho Công ty thép Việt Ý là đúng. Tuy nhiên, khi tính tiền lãi do chậm thanh toán số tiền nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi suất quá hạn (là 10, 5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật.
Về phạt vi phạm hợp đồng: hai bên thỏa thuận: Bên B phải chịu phạt 2% giá trị đơn hàng đã được xác nhận khi bên B vi phạm một trong các trường hợp sau: giao hàng không đúng chủng loại, không giao hàng. Như vậy, Công ty kim khí Hưng Yên không giao đủ hàng cho Công ty thép Việt Ý thì phải bị phạt vi phạm là 2% trên giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo quy định tại Điều 300 và Điều 301 Luật Thương mại năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty thép Việt Ý là có căn cứ tuy nhiên lại tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng là không đúng.
Về số tiền bồi thường thiệt hại: Theo trình bày của đại điện Công ty thép Việt Ý là do Công ty kim khí Hưng Yên vi phạm hợp đồng không giao đủ hàng, nên Công ty thép Việt Ý phải mua phôi thép của nhà sản xuất khác để đảm bảo cho việc sản xuất và kinh doanh của Công ty với giá cao hơn. .. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định tại Điều 302 Luật thương mại năm 2005.
Xem thêm: Thủ tục nộp đơn khởi kiện khi chưa có hồ sơ, tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Một số nội dung “đúc kết” thông qua hai vụ tranh chấp trên
Thứ nhất, thực tế, trước khi Luật TCTAND 2024 bổ sung về giải thích áp dụng pháp luật thì thực tế các Tòa án đã thực hiện hoạt động này. Một vấn đề cơ bản có thể nhận thấy, Mẫu số 75-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) và Công văn số 155/TANDTC-PC ngày 28/7/2017 của TANDTC về việc “áp dụng thống nhất về thể thức và kỹ thuật trình bày các văn bản tố tụng” đã thể hiện, một trong những nội dung không thể thiếu của bản án chính là “nhận định của Tòa án”. Tại nội dung này, TANDTC yêu cầu rằng “trong phần này, Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) mà Tòa án viện dẫn, áp dụng; nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tùy từng trường hợp mà Tòa án phân tích, lập luận về việc áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giải quyết các vấn đề khác có liên quan”.
Vậy có thể nhận thấy, thực tế quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Luật TCTAND 2024 là nội dung được khái quát hóa, nhằm khẳng định trách nhiệm của Tòa án, Hội đồng xét xử. Tại Bản án số 39/2022 và Quyết định số 07/2013 đều thể hiện rõ trước khi đưa ra nhận định, đồng ý hay không đồng ý đối với yêu cầu của các đương sự, Tòa án căn cứ vào chứng cứ kết hợp với quy phạm pháp luật nội dung.
Thứ hai, hoạt động giải thích áp dụng pháp luật trong trong xét xử, giải quyết tranh chấp tại Tòa án thực chất là một hoạt động của tư duy pháp lý, đã và đang được thực hiện bởi Tòa án. Bởi lẽ, tư duy pháp lý được hiểu là cách thức suy nghĩ để tìm ra giải pháp cho một vụ tranh chấp phù hợp với luật lệ[9]. Và để hiểu là tư duy pháp lý, tác giả Nguyễn Ngọc Bích cho rằng “nó là cách thức mà luật sư[10] suy nghĩ trong đầu của mình (Tư duy) để phân tích các sự kiện, hầu kết nối với, hay áp chúng vào, các điều khoản của luật pháp tương ứng để đưa ra các câu hỏi pháp lý. Vậy khi trả lời được các câu hỏi đó thì tòm ta được giải pháp theo luật để giải quyết một vụ việc nhất định”. Điều này được Tòa án hay là Hội đồng xét xử áp dụng, bởi lẽ, khi vào phần nghị án, BLTTDS 2015 quy định “khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề…”.
Thứ ba, quá trình giải thích pháp luật của Tòa án trong xét xử có thể không đáp ứng các điều kiện về hình thức, nội dung hoặc cả hai, dẫn đến Bản án, quyết định đó bị kháng cáo, kháng nghị, và những nội dung đó được chấp nhận theo BLTTDS 2015, đơn cử như Bản án số 39/2022. Chính vì thế, tiêu chuẩn chung đối với việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử của Tòa án chính là tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của “luật hình thức” và xác định “luật nội dung” gắn với các chi tiết của vụ án một cách khách quan, đúng bản chất các tranh chấp.
Cuối cùng, nếu hoạt động giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án được thực hiện một cách tốt nhất, cũng chính là tiền đề để phát triển những án lệ chất lượng – một nguồn luật bổ sung theo quy định của BLDS 2015. Thực tế như Quyết định được viện dẫn trên, một trong các nội dung được Tòa án giải quyết, hay nói cách khác chính là Tòa án “giải thích áp dụng pháp luật” trong vụ án tranh chấp trên, và sự giải thích này “có tác dụng giải quyết một vụ việc phức tạp trong điều kiện không thể có được điều luật cần thiết được áp dụng nhiều lần do có nhiều trường hợp tương tự được ghi nhận trong thực tiễn giải pháp có chất lượng và có tính thuyết phục”[11].
Nguồn: Tạp chí Tòa án.