Đi làm dịp lễ 30/4 – 1/5, người lao động được trả lương thế nào?
Dịp lễ 30/4 – 1/5 năm 2024, người lao động có thể được nghỉ lên đến 5 ngày. Vậy trường hợp người lao động đi làm dịp lễ 30/4 – 1/5 thì được trả lương thế nào? Hãy cùng Hãng luật DHP tìm hiểu qua bài viết sau:
30/4 – 1/5 người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào các dịp lễ, tết sau:
“a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”
Ngày 12/4/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo 1570/TB-BLĐTBXH về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.
Theo đó, lịch nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2024 như sau:
– Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập:
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp được nghỉ 05 ngày liên tục từ thứ Bảy ngày 27/4/2024 đến hết thứ Tư ngày 01/5/2024 (làm bù vào ngày thứ Bảy 04/5/2024).
– Đối với người lao động trong doanh nghiệp:
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp áp dụng thời gian nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2024 cho người lao động như quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức nhưng đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật, khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động.
Như vậy, doanh nghiệp có thể hoán đổi cho người lao động nghỉ ngày 29/4, chứ không bắt buộc doanh nghiệp phải hoán đổi.
Đi làm dịp lễ 30/4 – 1/5, người lao động được trả lương thế nào?
2.1 Đối với người lao động hưởng lương theo ngày
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, đối với người lao động hưởng lương theo ngày làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, sẽ được trả lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Công thức tính tiền lương đối với người lao động hưởng lương theo ngày làm việc vào các ngày nghỉ lễ, Tết như sau: Tiền lương một ngày + 300% lương ngày.
2.2 Đối với người lao động hưởng lương theo tháng, tuần, giờ
Khoản 2 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 300% | x | Số giờ làm thêm |
Trong đó:
Đối với trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hưởng lương theo tháng, tuần, giờ thì vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, người lao động sẽ được nhận lương mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2.3 Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm
Theo khoản 3 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, trường hợp người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:
Tiền lương làm thêm giờ | = | Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường | x | Mức ít nhất 300% | x | Số sản phẩm làm thêm |
Trong đó:
Người lao động được hưởng mức ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với sản phẩm làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương.
Người lao động làm thêm vào ngày nghỉ bù hưởng lương thế nào?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, khoản 3 Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, chế độ tiền lương đối với người lao động làm thêm vào ngày nghỉ bù như sau:
Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
Như vậy, người lao động làm thêm vào ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm 2024 có thể được hưởng 300% tiền lương tương ứng với tiền lương một ngày làm việc hoặc tiền lương làm theo giờ hoặc theo sản phẩm (tùy theo chế độ làm việc của người lao động) và hưởng nguyên lương ngày làm việc, số giờ làm thêm hoặc theo số lượng sản phẩm đã làm thêm vào ngày đó.
Thông tin liên hệ
Vừa rồi là một số thông tin về đi làm dịp lễ 30/4 – 1/5 được hưởng lương thế nào. Trường hợp còn thắc mắc, Quý khách hàng có thể liên hệ với Hãng luật DHP để được tư vấn hướng dẫn.
* Hotline: 19008616
* Email: Contact@dhplaw.vn
* Website: dhplaw.vn
Chuyên viên pháp lý Như Mai