Để lao động trở lại TP.HCM làm việc, phải lưu ý môi trường sản xuất an toàn

Một trong những giải pháp đáng lưu ý nhất để phục hồi nguồn nhân lực sau đại dịch là các doanh nghiệp TP.HCM phải chú trọng đầu tư môi trường sản xuất an toàn.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do báo Người Lao Động tổ chức trực tuyến chiều 1.10, các đơn vị như Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Bộ LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM, các doanh nghiệp, hiệp hội… đã nêu ý kiến, đề xuất về thực trạng sản xuất, thị trường lao động hiện nay.

Để lao động trở lại TP.HCM làm việc, phải lưu ý môi trường sản xuất an toàn - ảnh 1
Người dân tập trung tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TT.Tân Túc, H.Bình Chánh (TP.HCM) để mong về quê sáng 1.10

TRẦN KHA

Hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng nặng nề

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết TP.HCM có trên 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với trên 3,2 triệu công nhân. Tại TP.HCM, dịch Covid-19 đã tác động “ác liệt” đến thị trường lao động, ảnh hưởng mạnh các dịch vụ thương mại, hành chính công cộng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chợ tự phát… Chưa kể, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều đơn vị phá sản, giải thể, nhất là ở lĩnh vực may mặc, giày da, du lịch, giao thông…

“2 triệu hộ kinh doanh cá thể vốn giải quyết một lượng lớn lao động cho các tỉnh cũng bị tác động. Tính đến nay, có tới 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, hoãn việc không hưởng lương; chưa kể nhóm lao động khối ngành phi chính thức (lao động tự do)”, ông Tấn nói và cho biết thêm rằng vấn đề thiếu hụt nguồn lao động tại TP.HCM sắp tới rất đáng quan tâm, nhất là khi một lượng lớn lao động đã về quê tránh dịch.

Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương cũng thông tin tỉnh này hiện có khoảng 1,2 triệu người lao động với 50.000 doanh nghiệp nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Ông Phạm Văn Tuyên, phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, cho hay qua những hội nghị tiếp xúc với những doanh nghiệp sử dụng lao động đông, vấn đề nóng nhất vẫn là làm sao để sản xuất lại sớm, sau đó là vấn đề tiêm vắc xin Covid-19, xét nghiệm và việc đi lại. Khi đi vào ổn định thì việc cung ứng lao động rất đáng quan tâm.

“Chìa khóa” vắc xin, môi trường sản xuất an toàn

Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA) cho hay, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp chiếm khoảng 10% lao động của TP nhưng hiện nay chỉ có 720 doanh nghiệp thực hiện sản xuất các phương án làm việc mới như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” với 64.000 người lao động. Các doanh nghiệp hầu như đã “đến hạn chịu đựng” khi đối mặt các khó khăn như chi phí cho phương án mới, nhân lực, chuỗi cung ứng vật liệu…

Theo thống kê của HEPZA, có hơn 31.000 người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của TP đã về quê từ ngày 15.7, trong đó, đa số về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

“Người lao động sẵn sàng để trở lại sản xuất, tuy nhiên, số người này vẫn chưa được tiêm vắc xin mũi 2 tại địa phương họ sống. HEPZA đã báo cáo TP.HCM, có kế hoạch để tiêm vắc xin cho người lao động chưa tiêm vắc xin mũi 2 ở địa bàn giáp ranh, dự kiến sớm trước ngày 15.10. Đồng thời, cũng xin ý kiến tạo điều kiện cho họ có thể lưu thông đi lại làm việc, nhất là người lao động ở Bình Dương làm việc ở các khu chế xuất tại TP.Thủ Đức rất nhiều”, ông Trực nói.

Tham gia ý kiến, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết để đảm bảo nhân lực sản xuất, phải có chủ trương giải pháp và kế hoạch để đón công nhân trở lại, không để công nhân tự phát di chuyển; tạo điều kiện để công nhân giáp ranh khi tiêm vắc xin đầy đủ thì có giấy thông hành qua giữa các tỉnh lân cận.

“Cạnh đó, chính sách an sinh cũng là điều cần quan tâm, giai đoạn đầu khi họ quay trở lại làm việc, cần có chính sách ngắn hạn hỗ trợ, tiền lương, tiền nhà trọ…”, ông Tâm nói và lưu ý các đơn vị về một môi trường sản xuất an toàn để người lao động an tâm làm việc, ví dụ, khoảng cách giữa các nhà xưởng, cách xử lý khi có ca F0.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, có 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam chịu ảnh hưởng khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Phía doanh nghiệp cần có những chính sách, chú trọng đầu tư môi trường sản xuất an toàn, bảo đảm xanh – sạch, có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo tốt cho công nhân, chăm lo cho con em người lao động để người lao động an tâm làm việc”, ông Hồi nói.

Nguồn: Báo thanh niên.

Post Author: Luật DHP