Các loại hình thức đầu tư tại Việt Nam hiện nay – Luật sư trả lời
Câu hỏi: Hiện nay, tôi muốn đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam thì có các loại hình thức đầu tư nào? Và tôi nên chọn lựa hình thức nào để việc đầu tư đạt kết quả cao nhất?
Luật sư trả lời:
Các quy định pháp luật làm căn cứ để giải quyết tình huống
Điều 9, Điều 21, Điều 22, Điều 24, Điều 27 Luật Đầu tư 2020
Điều 3, Điều 45 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
Các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Cam kết WTO, hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU,…
Các hình thức đầu tư tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 21 Luật đầu tư 2020, Việt Nam hiện có 5 loại hình thức đầu tư:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
- Thực hiện dự án đầu tư
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Quy định của pháp luật hiện hành về các loại hình thức đầu tư
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế là một trong những loại hình thức đầu tư trực tiếp mà các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và trực tiếp nắm quyền quản lý. Theo quy định của Luật đầu tư 2020, cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều có quyền thực hiện đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế khi tuân thủ các quy định sau đây:
- Đối với nhà đầu tư trong nước
Tuân thủ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật trong nước tương ứng các các loại hình tổ chức kinh tế.
Ví dụ: Để thành lập công ty luật thì người thành lập, chủ doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ luật sư theo Luật luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012).
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh nằm trong Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường; nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ theo quy định trong các văn bản pháp luật Việt Nam liên quan, tại Danh mục hạn chế tiếp cận thị trường của Việt Nam và các Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc tham gia.
Ngoài ra, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu lựa chọn loại hình công ty TNHH và công ty cổ phần khi đầu tư tại Việt Nam.
Ví dụ: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Samsung Electronics: Nhà đầu tư Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô vào Việt Nam thông qua xây dựng các nhà máy sản xuất điện thoại di động, sản phẩm điện tử gia dụng,….
Tập đoàn Nestle : Tập đoàn thực phẩm và đồ uống của Thụy Sĩ đã đầu tư vào Việt Nam và sản xuất một loạt sản phẩm và đồ uống, bao gồm sữa và cà phê.
-
Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua cổ phần góp vốn (M&A)
- Hình thức đầu tư góp vốn:
Nhà đầu tư góp vốn vào để thành lập tổ chức kinh tế theo hình thức: Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác mà không thuộc 2 trường hợp trên.
Ví dụ: “Tập đoàn Solar Ventures International” góp vốn tiền mặt hoặc tài sản vào “Tập đoàn Năng lượng tái tạo GreenTech” để sở hữu một phần cổ phần của công ty.
- Hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo hình thức: Mua cổ phần của công ty cổ phần từ các cổ đông hoặc công ty; mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh; mua phần vốn góp của thành viên công ty TNHH; mua phần vốn góp của các tổ chức kinh tế khác không thuộc 3 trường hợp trên.
Ví dụ: Masan mua lại cổ phần Phúc Long, chính thức nắm quyền kiểm soát chuỗi Phúc Long với tỷ lệ sở hữu 85%.
Xem thêm: Những thủ tục liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh
-
Thực hiện dự án đầu tư
Đối với dự án đầu tư thuộc diện chủ trương chấp thuận đầu tư, việc chấp thuận chủ trương đầu tư phải được thực hiện trước khi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư.
Đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án đầu tư.
Nhà đầu tư có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật đầu tư 2020, pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường xây dựng, lao động, phòng cháy chữa cháy, quy định khác của pháp luật có liên quan, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Ví dụ: Khi thực hiện đầu tư xây dựng chung cư cao tầng để bán thì nhà đầu tư cần phải xin phép thực hiện dự án đầu tư. Việc xây dựng nhà chung cư cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện và quy định pháp luật liên quan về nhà ở và xây dựng.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
- Khái niệm: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Hợp đồng BCC ( hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh): là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia tài sản theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Ngoài việc đầu tư hợp tác giữa các nhà đầu tư với nhau thì còn có đầu tư hợp tác giữa nhà đầu tư và nhà nước theo phương thức đối tác công tư (Gọi tắt là PPP). Hợp đồng PPP là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa các nhà đầu tư với nhau:
Hợp đồng BCC được giao kết giữa các nhà đầu tư trong nước: áp dụng quy định của pháp luật về dân sự.
Hợp đồng BCC ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc hợp đồng giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau: phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thành lập ban điều phối hợp đồng BCC: Ban điều phối được thành lập bởi các bên tham gia hợp đồng BCC. Các bên cùng thỏa thuận để thống nhất về nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của ban điều phối.
Ví dụ: Hợp đồng BCC giữa Tập đoàn Sun Group và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu TGI về phát triển dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sun World Bà Nà Hills tại Đà Nẵng.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng dự án PPP giữa nhà đầu tư và nhà nước
Hiện tại, có 6 loại hợp đồng phổ biến đối với đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, tùy từng dạng hợp đồng có những đặc điểm riêng biệt, hợp đồng dự án PPP được chia thành hai nhóm cụ thể là:
Nhóm thứ nhất bao gồm những hợp đồng dự án có áp dụng thu phí trực tiếp từ cá nhân hoặc tổ chức khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ công:
- Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (O&M): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình. Cơ sở hạ tầng sẽ được nhà nước xây dựng và sở hữu nhưng giao cho tư nhân vận hành, khai thác.
- Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT): Nhà đầu tư, doanh nghiệp đứng ra xây dựng và vận hành công trình trong một thời gian nhất định sau đó chuyển giao lại cho nhà nước. Ví dụ: Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (Công ty PMC) và nhà nước.
- Hợp đồng xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (BTO): Nhà đầu tư, doanh nghiệp sau khi xây dựng xong sẽ giao cho nhà nước sở hữu nhưng vẫn giữ quyền khai thác công trình.
- Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Vận hành (BOO): công ty thực hiện dự án sẽ đứng ra xây dựng công trình, sở hữu và vận hành công trình.
Nhóm thứ hai bao gồm những hợp đồng dự án mà Nhà nước sẽ thanh toán dựa theo chất lượng sản phẩm, dịch vụ công:
- Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL): Nhà đầu tư, doanh nghiệp sau khi xây dựng xong sẽ chuyển giao cho nhà nước và được cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình trong một thời gian nhất định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
- Hợp đồng Xây dựng – Thuê dịch vụ – Chuyển giao (BLT): Nhà đầu tư, doanh nghiệp sau khi xây dựng xong được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình trong một thời gian nhất định. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại Việt Nam, việc đầu tư theo hình thức đầu tư PPP đã thực hiện ở một số lĩnh vực: giao thông, cung cấp nước sạch, nhà máy điện, y tế và các dự án khác theo quyết định của thủ tướng chính phủ.
- Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Ví dụ: Các tổ chức kinh tế gia nhập vào Việt Nam như: Grab, Bitcoin, Blockchain trong Bất động sản.
Vậy, theo luật Việt Nam hiện hành thì có mấy loại hình thức đầu tư và bạn nên lựa chọn loại hình thức đầu tư nào thì mang lại hiệu quả cao?
Hiện tại, có 5 loại hình thức đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư 2020 như chúng tôi đã phân tích như trên khi nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài muốn tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Các hình thức trên đều có đặc điểm riêng, không thể nói hình thức nào ưu việt hơn hình thức nào. Theo đó, tùy vào nhu cầu, mục tiêu kinh doanh, bạn có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp dựa trên những yếu tố trên.
Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến pháp luật:
HÃNG LUẬT DHP
HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội
HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Miền Tây Nam Bộ: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Hotline: 0868335186
Email: luatdhp@gmail.com
Website: dhplaw.vn
Facebook: Facebook/Luatdhp