Cách thức bố trí phòng xét xử được xem là hình thức của việc tổ chức phiên tòa. Tuy nhiên, nó lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thể hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và những người tiến hành tố tụng góp phần nâng cao chất lượng xét xử, tranh tụng và thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, bảo đảm việc tuân theo pháp luật, chấp hành pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh thống nhất trong hoạt động xét xử tại các phiên tòa.
Hiện nay có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề vị trí chỗ ngồi của Kiểm sát viên và Luật sư tại phiên toà. Thực tế các phiên tòa trước đây và hầu hết hiện nay vẫn được bố trí theo mô hình Viện kiểm sát ngồi ngang hàng với Hội đồng xét xử để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động xét xử và thực hành quyền công tố (đối với phiên tòa hình sự). Mô hình này vẫn thể hiện được vai trò của Hội đồng xét xử ngồi vị trí trung tâm ở giữa. Hình ảnh đại diện Viện kiểm sát đã ăn sâu vào trong ánh mắt, sự tôn trọng yêu mến của nhân dân với tư cách là người bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ quy định về tranh tụng tố tụng, chứ chưa quy định về hình thức tổ chức một phiên tòa, vị trí ngồi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký, Luật sư… Vì chưa có một quy định thống nhất, cụ thể nào về việc bố trí ghế ngồi phải trái, cao thấp ra sao, cách ngồi thế nào cho nên ở mỗi nơi, mỗi tỉnh lại có một kiểu bài trí bàn ghế khác nhau. Thậm chí có nhiều phiên tòa xét xử lưu động, do địa hình hội trường chật hẹp hoặc bàn ghế bố trí chưa hợp lý nên người chuẩn bị hội trường thích kê kiểu gì thì kê, không theo một quy tắc nhất định nào. Theo khảo sát, ở một số tỉnh phía Nam, Thư ký ngồi giữa, trước mặt Hội đồng xét xử. Ở một số nơi, đại diện Viện kiểm sát ngồi ngang hàng với Hội đồng xét xử chỉ chéo nhau một chút; Thực tiễn công tác kiểm sát xét xử tại tỉnh Quảng Bình cho thấy: đại diện Viện Kiểm sát ngồi ngang hàng với Hội đồng xét xử và Thư ký, từ năm 2014 một số phòng xử án có thay đổi là đại diện Viện kiểm sát và thư ký phiên toà ngồi ngang hàng với Hội đồng xét xử nhưng lệch nhau một chút, còn Luật sư ngồi ở vị trí phía dưới của phòng xử án. Ở Đà Nẵng sắp xếp Kiểm sát viên ngồi dưới, ngang hàng với Luật sư, chỉ có Hội đồng xét xử ngồi trên cao.
Có thể nói, cách sắp xếp này hiện nay chưa có văn bản chính thức nào của cơ quan Trung ương hướng dẫn, chưa phổ biến ở nhiều nơi và cũng chưa đi đến một thống nhất chung cụ thể, chỉ là sáng kiến mang tính chất thí điểm và tuỳ tiện “đột phá” của một số địa phương.
Theo quan điểm tác giả, xuất phát từ khái niệm Cơ quan tiến hành tố tụng là cơ quan nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước trong việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính và thi hành án dân sự hoặc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thủ tục tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Các quyết định của các cơ quan này có giá trị bắt buộc các chủ thể khác phải chấp hành. Hoạt động tố tụng của những cơ quan này mang tính độc lập, không bị lệ thuộc vào cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào khác mà chỉ tuân theo pháp luật. Khi thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình các cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng nhân dân, chịu sự giám sát của của nhân dân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Theo quy định tại Chương III (từ Điều 33 đến Điều 48) của Bộ luật tố tụng hình sự thì người tiến hành tố tụng bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký Toà án. Cũng tại Chương IV (từ Điều 48 đến Điều 61) Bộ luật tố tụng hình sự quy định, người tham gia tố tụng bao gồm: Người bị tạm giữ; bị can; bị cáo; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự; người giám đinh; người phiên dịch. Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể còn có những người như: Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, của bị can, của bị cáo; người đại diện hợp pháp của người bị hại, của nguyên đơn dân sự, của bị đơn dân sự, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Từ những quy định trên có thể thấy rằng: Chức năng, nhiệm vụ của Kiểm sát viên hay còn gọi “Công tố viên’ trong vụ án hình sự, đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất đại diện cho quyền lực Nhà nước truy tố một người được coi là tội phạm ra trước ánh sáng, buộc tội bị cáo về một tội danh được quy định trong Bộ luật hình sự. Trong khi đó, Luật sư là người tham gia tố tụng, là thành viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không nhân danh quyền lực nhà nước, không thể đặt ngang hàng một người đại diện cho quyền lực Nhà nước với Luật sự – người tham gia tố tụng thông qua Công văn cử người bào chữa theo chỉ định hoặc bản hợp đồng dịch vụ pháp lý mang tính thương mại với thân chủ.
Vì vậy, mô hình chỗ ngồi tại phiên toà như hiện nay Kiểm sát viên ngang hàng với HĐXX là phù hợp không thể thay đổi khác được, đồng thời cũng phù hợp với tổ chức và hoạt động của bộ máy cơ quan tư pháp, với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát và Tòa án đã được quy định tại Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… Quan điểm trên còn thể hiện ở các phương diện sau:
Thứ nhất: hiện nay mô hình tố tụng của Việt Nam vẫn là mô hình tố tụng pha trộn xét hỏi kết hợp với tranh tụng. Đây là đặc thù cơ bản của mô hình tố tụng Việt Nam, chứ hoàn toàn không phải chuyển sang mô hình tranh tụng thuần túy như nhiều nước khác.
Thứ hai: Việc xác định đại diện Viện kiểm sát và Luật sư lần lượt giữ vai trò buộc tội, gỡ tội và có vai trò ngang nhau trong tố tụng là không đúng. Vì Viện kiểm sát ngoài thực hiện chức năng thực hành quyền công tố (buộc tội) tại phiên tòa; hình sự, phiên tòa xét xử vụ án Hành chính, Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động theo quy định pháp luật, thì đại diện Viện kiểm sát còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, bảo đảm việc tuân theo pháp luật và việc chấp hành pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh thống nhất trong hoạt động xét xử. Khi thực hiện những nhiệm vụ này đại diện Viện kiểm sát nhân danh Nhà nước bảo vệ các lợi ích Nhà nước, lợi ích công, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Những quyền năng pháp lý quan trọng này của Viện kiểm sát đều được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính…
Thứ ba: Xét về mặt tổ chức Bộ máy Nhà nước ta, thì Viện kiểm sát nhân dân đều có vai trò, ví trí ngang hàng với hệ thống Tòa án. Trong khi đó vai trò của Luật sư chủ yếu là bào chữa, bảo vệ cho một hay một số “thân chủ” tại những phiên tòa theo yêu cầu hoặc được chỉ định theo quy định pháp luật.
Để thống nhất về hình thức tổ chức phiên tòa trong cả nước. Thiết nghĩ, trong tiến trình cải cách tư pháp thời gian tới nên luật hóa các quy định về chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa. Trong đó, cần lưu ý việc bố trí, sắp xếp chỗ ngồi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Luật sư cho phù hợp với địa vị pháp lý của từng chủ thể trong hoạt động tố tụng. Cần giữ nguyên cách bố trí như trước đây cụ thể: Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và Thư ký phiên toà cần được bố trí ở vị trí ngang hàng với nhau vì họ đều là những người tiến hành tố tụng, đại diện cho quyền lực Nhà nước mới thể hiện đúng bản chất, vai trò và địa vị pháp lý của KSV tại phiên tòa. Bên cạnh đó, cần tăng cường, cải thiện cơ sở vật chất cho các phòng xử án hiện nay, việc lắp đặt các thiết bị Camera theo dõi diễn biến phiên Tòa là cần thiết, đảm bảo sự tôn nghiêm, tính trang trọng của hoạt động xét xử và thống nhất thực hiện trên toàn quốc.
Nguồn: Theo tapchitoaan.com
Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Tranh tụng,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW