Sự kiện Toà án nhân dân (TAND) thành phố Đà Nẵng đổi mới trong việc tổ chức phiên toà hình sự, từ việc bố trí bàn của đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thực hành quyền công tố đối diện và ngang hàng với bàn của luật sư bào chữa đã thể hiện tinh thần thay đổi từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp tranh tụng.Việc bố trí này thể hiện quyền năng,vai trò tài phán của HĐXX và thể hiện sự bình đẳng, dân chủ giữa hai bên buộc tội và bên bào chữa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Việc sắp xếp vị trí ngồi của đại diện VKS ngang hàng với luật sư trong các phiên tòa của TAND thành phố Đà Nẵng đã được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội.
Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và một số tòa án địa phương cũng có kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét thiết kế phòng xử án nhằm đảm bảo chỗi ngồi, vị trí bình đẳng giữa KSV và luật sư tại phiên tòa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình, cho rằng việc bố trí chỗ ngồi theo kiểu mới này là tuỳ tiện vì đến nay chưa có văn bản quy định chính thức nào của cơ quan trung ương hướng dẫn (Ngày 25/7/2013, VKSND thành phố Đà Nẵng đã có công văn gửi VKSND tối cao, đề nghị VKSND Tối cao cho ý kiến về vấn đề trên, nhằm tránh việc bố trí tuỳ tiện vị trí ngồi của đại diện VKS khi tham gia xét xử tại phiên toà…).
Ông Đinh Văn Quế – Nguyên Chánh Toà hình sự -TAND tối cao trong bài viết “ Vì sao chỗ ngồi luật sư “văng “xuống dưới” đăng trên Pháp luật TP.HCM đã nêu: “Kiểm sát viên ngồi cao hơn luật sư tồn tại đã hơn 50 năm. Muốn thay đổi, phải thay đổi tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.
Theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, VKS sẽ được tổ chức lại theo mô hình viện công tố với chức năng chủ yếu là thực hành quyền công tố và tăng cường chỉ đạo hoạt động điều tra.
Theo tinh thần này, chỗ ngồi của luật sư ngang hàng với kiểm sát viên là phù hợp với xu thế cải cách tư pháp. Tuy nhiên, khi VKS chưa trở thành viện công tố và chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp vẫn còn, thì chưa có cơ sở pháp lý khi để KSV ngồi ngang hàng với luật sư”.
Đa số luật sư đều tán thành việc luật sư phải được ngồi ngang hàng với đại diện VKS để thể hiện sự văn minh, bình đẳng trước pháp luật. Các luật sư đề nghị Liên đoàn Luật sư phải đấu tranh để đổi mới chỗ ngồi và không thể chỉ thương lượng với ngành tòa án hay VKS vì các cơ quan này cũng không có quyền quyết định.
Cho đến nay, TAND tối cao, VKSND tối cao vẫn chưa có văn bản chính thức về vấn đề này.
AI CÓ QUYỀN QUYẾT ĐỊNH?
Phiên tòa là nơi Tòa án tiến hành việc xét xử, nhân danh Nhà nước đưa ra các phán quyết đối với các hành vi vi phạm pháp luật, các tranh chấp, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ xã hội nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc bảo đảm trật tự, kỷ cương và sự tôn nghiêm tại phiên tòa là một trong những yêu cầu quan trọng để việc xét xử được tiến hành dân chủ, nghiêm minh, đúng trình tự luật định; bảo đảm uy tín và sự tôn trọng của mọi người đối với Tòa án.
Theo Viện KHXX – TAND tối cao: Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành (Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính thì một trong những thủ tục bắt buộc tại phiên tòa là trước khi khai mạc phiên tòa, thư ký phiên tòa phải phổ biến nội quy phiên tòa. Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành thì người vi phạm nội quy phiên tòa có thể bị chủ tọa phiên tòa cảnh cáo, phạt tiền, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc bị bắt giữ. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về nội quy phiên tòa nên các yêu cầu đặt ra đối với những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng và những người khác tham dự phiên tòa tại các Tòa án còn chưa thống nhất (đặc biệt là sự tham dự phiên tòa của các nhà báo, phóng viên và những người tham gia tố tụng), gây khó khăn cho việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật,cản trở hoạt động tố tụng tại phiên tòa, chưa bảo đảm để các phiên tòa được tiến hành trật tự, nghiêm minh, là nơi Tòa án thực thi công lý. Theo quy định tại Điều 209 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 127 của Luật tố tụng hành chính thì Quốc hội giao cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành nội quy phiên tòa…
Quá trình trình dự thảo thông tư của Chánh án TANDTC về nội quy phiên toà chưa có quy định về vị trí ngồi của KSV. Vì thế, đã có ý kiến đề nghị: Trong nội quy phiên tòa cần quy định rõ vị trí chỗ ngồi của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, trong đó cần quy định rõ vị trí chỗ ngồi của KSV giữ quyền công tố phải tương xứng với vị trí của người bào chữa trong vụ án hình sự để bảo đảm sự bình đẳng về mặt hình thức, giúp cho người bào chữa có được tâm lý tốt khi tranh luận với KSV, bảo vệ cho thân chủ của mình; đây cũng là phương thức để cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm đã được ghi nhận tại khoản 5 Điều 103 của Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013.
Thực tế, nội quy phiên toà đã được Chánh án TAND tối cao ban hành ảnh hưởng trực tiếp đến những người tiến hành tố tụng, những tham gia tố tụng (bị cáo, các đương sự ,luật sư..) và cả phóng viên, những người theo dõi phiên toà… Tuy nhiên vị trí ngồi của KSV – luật sư trong phiên toà xét xử công khai vẫn chưa được quy định?! Vị trí ngồi của luật sư, KSV còn nhiều ý kiến khác nhau, điều này có ảnh hưởng đến vị thế hoạt động tố tụng của luật sư, ai có quyền quyết định vấn đề này?
Nguồn: tapchitoaan.com
Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Bất động sản,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW