Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi

Hợp đồng khoán việc có phải là Hợp đồng lao động? Việc lập Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi có được xem là vi phạm pháp luật? – Luật sư trả lời

Câu hỏi: Hiện nay, Công ty tôi có một Quản lý xưởng sản xuất đã đến độ tuổi nghỉ hưu. Mặc dù đã đến độ tuổi nghỉ hưu và đang trong chế độ hưởng hưu trí nhưng Công ty vẫn muốn được ký hợp đồng với người lao động cao tuổi để tiếp tục làm việc. Vì thế, Công ty đã lập Hợp đồng khoán việc để ký kết giữa các bên. Vậy, Hợp đồng khoán việc có phải là Hợp đồng lao động? Việc lập Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi có được xem là vi phạm pháp luật?

Luật sư trả lời:

Các quy định pháp luật làm căn cứ để giải quyết tình huống:

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014;
  • Bộ luật Dân sự 2015.

Hợp đồng khoán việc là gì?

Theo quy định pháp luật hiện nay, Hợp đồng khoán việc không được quy định cụ thể trong bất kỳ các văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, Hợp đồng khoán việc có thể được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên nhận khoán có nghĩa vụ phải hoàn thành một công việc theo đúng yêu cầu với bên giao khoán.

Đây là một dạng của hợp đồng dân sự thường áp dụng cho các công việc cụ thể, mang tính thời vụ, ngắn hạn và không chịu sự điều chỉnh của quan hệ lao động. Tuy không được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật nhưng Hợp đồng này có thể được xem như một Hợp đồng dịch vụ (quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015). Về quyền lợi bảo hiểm thì Hợp đồng khoán việc sẽ không cần phải đóng bảo hiểm xã hội.

Hợp đồng lao động là gì?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Từ ngày 01/01/2021 khi Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực thì Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định đã được bãi bỏ. Hiện nay, theo Luật lao động 2019 thì chỉ có 2 loại hợp đồng: Hợp đồng không có thời hạn và Hợp đồng có thời hạn. Vì thế, khi muốn giao kết hợp đồng thì doanh nghiệp phải sử dụng 2 hợp đồng nêu trên. Đối với Hợp đồng này thì người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm và đảm bảo điều kiện làm việc.

Ký kết Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi có được không?

Việc ký kết hợp đồng vẫn đúng theo quy định pháp luật nếu như người lao động cao tuổi đã nhận lương hưu. Bởi lẽ, luật không cấm người lao động cao tuổi ký kết hợp đồng khi đã đủ tuổi nghỉ hưu. Đối với Hợp đồng khoán việc thì có quy định về việc không cần phải tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp không cần đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động đang trong chế độ hưởng hưu trí, cụ thể được quy định như sau:

  • Theo khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

  • Dẫn chiếu: Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động 2019

“3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, đối với quy định trên việc áp dụng Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi vẫn được chấp nhận vì người lao động cao tuổi đang trong chế độ hưu trí không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp có trách nhiệm chi thêm cùng lúc với kỳ trả lương với mức mà người lao động đóng theo quy định pháp luật.

Hợp đồng khoán việc có phải là Hợp đồng lao động không?

Về bản chất, Hợp đồng lao động không phải là Hợp đồng khoán việc. Bởi vì, tính chất, quy định pháp luật và quyền lợi liên quan của mỗi loại hợp đồng là khác nhau. Tuy nhiên, mặc dù bản chất 2 hợp đồng là khác nhau nhưng vẫn có trường hợp lạm dụng hợp đồng khoán việc để né tránh một số nghĩa vụ lao động.

Theo quy định pháp luật tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 có nêu như sau:

“1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”

Đối với quy định trên, hợp đồng khoán việc sẽ trở thành hợp đồng lao động nếu trong hợp đồng có quy định về việc trả công, tiền lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên”. Do đó, nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng Hợp đồng khoán việc để nhằm trốn tránh một số nghĩa vụ nhưng nội dung hợp đồng tương đồng với Hợp đồng lao động thì vẫn được xem như một Hợp đồng lao động.

Thực tế, nếu một người làm việc mà chưa kê khai thuế và chưa đóng bảo hiểm xã hội mà vẫn ký Hợp đồng khoán việc thì việc ký kết này được Cơ quan Nhà nước xem đó là Hợp đồng lao động. Doanh nghiệp phải có nghĩa đóng thuế theo đúng quy định pháp luật như đóng thuế bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…Nếu doanh nghiệp cố tình lách luật để né trách nghĩa vụ đóng thuế ảnh hưởng đến người lao động thì đây được xem là trường hợp vi phạm pháp luật.

Vậy, đối với trường hợp trên, việc sử dụng Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi có được xem là vi phạm pháp luật ?

Đối với trường hợp của Công ty bạn, việc lựa chọn sử dụng Hợp đồng khoán việc đối với người lao động cao tuổi không được xem là vi phạm pháp luật như chúng tôi đã phân tích trên. Bởi vì, hiện nay Quản lý xưởng sản xuất của Công ty bạn đã đến tuổi nghỉ hưu và đang trong chế độ hưởng hưu trí nên sẽ không được xem là né tránh đóng bảo hiểm xã hội nếu ký hợp đồng khoán việc.

Hợp đồng lao động và hợp đồng khoán việc về bản chất là 2 hợp đồng khác nhau. Tuy nhiên.

Chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận rằng: Hợp đồng khoán việc mà Công ty bạn đang dự định ký kết với Quản lý xưởng sản xuất không phải là Hợp đồng lao động. Do hiện tại, Chúng tôi chưa nắm được nội dung trong hợp đồng mà Công ty bạn dự định ký kết như thế nào, hình thức trả lương và chịu sự giám sát ra sao? Do đó, nếu Công ty bạn có nội dung trong hợp đồng được quy định tương đồng với Hợp đồng lao động thì vẫn được xem là Hợp đồng lao động.

Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc liên quan đến pháp luật:

HÃNG LUẬT DHP

HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

HÃNG LUẬT DHP Văn phòng Miền Tây Nam Bộ: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Hotline: 0868335186

Email: luatdhp@gmail.com

Website: dhplaw.vn

Facebook: Facebook/Luatdhp

Post Author: btv tk