Không kháng cáo vẫn được giảm án có đúng luật không?

Không kháng cáo vẫn được giảm án có đúng luật không?

Mới đây, TAND Cấp cao TP. HCM đã giảm cho bà Nguyễn Phương Hằng 3 tháng tù dù bà không thực hiện thủ tục kháng cáo. Vậy không kháng cáo vẫn được giảm án là có đúng quy định pháp luật không?

1. Tính chất của phiên xét xử phúc thẩm

Điều 330 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Tuy nhiên, thẩm quyền cấp phúc thẩm không chỉ nằm trong phạm vi đưa ra tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm những vấn đề có kháng cáo kháng nghị, mà còn xem xét toàn diện vụ án để nếu cần thiết sẽ tuyên xử trong bản án phúc thẩm.

2. Không kháng cáo vẫn được giảm án có đúng luật không?

– Theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

“Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.”

Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm trong trường hợp có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới.

Trong đó, có thể thực hiện sửa bản án sơ thẩm như sau:

“a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.”

Không kháng cáo vẫn được giảm án có đúng luật không?
Không kháng cáo vẫn được giảm án có đúng luật không? (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng nêu rõ:

“Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.”

Như vậy, theo các quy định nêu trên, dù bị cáo không kháng cáo vẫn được giảm án là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Do đó, trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng dù không kháng cáo nhưng HĐXX xét thấy bị cáo đã nộp đầy đủ án phí, khắc phục thiệt hại có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo. Cũng có thể là căn cứ để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.

3. Khi nào không kháng cáo vẫn được giảm án?

Căn cứ quy định tại mục 2 nêu trên, bị cáo có thể được giảm án dù không thực hiện thủ tục kháng cáo nếu đáp ứng các điều kiện sau:

– Bản án bị kháng cáo, kháng nghị nhưng Toà án phúc thẩm xem xét các phần khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị (trong đó có nội dung được xem xét giảm án).

– Có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới.

>> Thông tin liên hệ

Vừa rồi là một số thông tin về việc không kháng cáo nhưng vẫn được giảm án. Quý độc giả muốn biết thêm thông tin hoặc được tư vấn thủ tục tố tụng, vui lòng liên hệ:

* Hotline: 19008616

* Email: Contact@dhplaw.vn

* Website: dhplaw.vn

Chuyên viên pháp lý Như Mai

Post Author: Luật DHP