Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần đọc những văn bản Luật và Hiệp định nào?
Nhà đầu tư nước ngoài muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam thì phải nắm được các quy định cụ thể về thủ tục đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hãng luật DHP đã tổng hợp một số văn bản luật điều chỉnh thủ tục đầu tư nước ngoài. Đồng thời đưa ra các lưu ý khi tra cứu quy định pháp luật tại Việt Nam như sau:
1. Luật Doanh nghiệp 2020
Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Đây là văn bản luật quan trọng, điều chỉnh nội dung việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty. Đối với thủ tục đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các vấn đề liên quan như:
– Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần;
– Thay đổi nội dung đăng ký đối với công ty cổ phần khi thay đổi cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
– Tạm ngừng, đình chỉ, chấm dứt kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật.
2. Luật Đầu tư năm 2020
Tương tự như Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 số 61/2020/QH14 cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Luật Đầu tư 2020 quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, trong đó bao gồm cả thủ tục đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Khi tiếp cận với Luật Đầu tư 2020, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm hiểu được các quy định về:
– Ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
– Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư;
– Hình thức ưu đãi và hỗ trợ nhà đầu tư;
– Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư;
– Thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư.
3. Luật Thương mại năm 2005
Luật Thương mại 2005 số 36/2005/QH11 được áp dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó bao gồm cả nhà đầu tư, thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Luật Thương mại 2005 điều chỉnh một số quy định như:
– Định nghĩa văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
– Quyền, nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong hoạt động khuyến mãi; trưng bày, giới thiệu hàng hóa; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.
4. Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về hoạt động mua bán hàng hóa và hoạt động liên quan của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Một số các quy định cụ thể liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đầu tư gồm:
– Thủ tục cấp, điều chỉnh, cấp lại giấy phép kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
– Thủ tục cấp, điều chỉnh, cấp lại giấy phép lập cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
– Phạm vi thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
5. Biểu cam kết về hàng hóa, dịch vụ gia nhập WTO của Việt Nam (2007)
Đây là văn bản quan trọng, là một phần không tách rời của Nghị định thư Gia nhập WTO của Việt Nam. Biểu cam kết về hàng hóa, dịch vụ được áp dụng đối với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia thành viên của WTO.
Theo đó, Biểu cam kết đã ghi nhận mức độ mở cửa thị trường đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ và mức độ đối xử quốc gia đối với hoạt động mua bán hàng hóa, kinh doanh dịch vụ. Khi thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần lưu ý về các ngành, phân ngành hàng hóa, dịch vụ dự kiến đầu tư có ưu đãi đặc biệt hay hạn chế thương mại nào để dễ dàng thực hiện các thủ tục đầu tư.
6. Một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên
6.1. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện có liên quan đã được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Hiệp định CPTPP được áp dụng đối nhà đầu tư nước ngoài đến từ 11 quốc gia thành viên còn lại bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia.
Nội dung hiệp định xoay quanh các vấn đề như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn phổ biến trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA);… Trong đó, một số cam kết chính của Hiệp định có ảnh hưởng đến nhà đầu tư các nước thành viên tại Việt Nam như:
– Cam kết cắt giảm thuế quan;
– Cam kết về dịch vụ và đầu tư;
– Cam kết về lao động;
– Cam kết về sở hữu trí tuệ;
– Cam kết về Doanh nghiệp nhà nước.
6.2. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA)
Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) hay còn gọi là Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN vào năm 1998. Hiện nay, AFTA ghi nhận là Hiệp định đa phương với số lượng 10 thành viên bao gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Theo AFTA, nhà đầu tư đến từ quốc gia thành viên thực hiện đầu tư tại Việt Nam sẽ nhận được những ưu đãi đầu tư thông qua tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước.
6.3. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA)
Ngày 30/6/2019, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) chính thức ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu. Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam và 27 nước thành viên của EU (bao gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Đảo Síp, Séc (Czech), Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Đức, Hungary, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển).
Đây là Hiệp định FTA thế hệ mới với nội dung cơ bản về các vấn đề:
– Giảm hoặc loại bỏ thuế nhập khẩu;
– Loại bỏ hoặc giảm rào cản thương mại;
– Điều chỉnh và hòa giải tranh chấp thương mại;
– Điều kiện nhập khẩu và xuất khẩu;
– Các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật.
>> Thông tin liên hệ
Để biết thêm thông tin về thủ tục, quy định về đầu tư tại Việt Nam, quý khách hàng vui lòng liên hệ:
* Hotline: 19008616
* Email: Contact@dhplaw.vn
* Website: dhplaw.vn