BẢO LÃNH LÀ GÌ

  1. Bảo lãnh là gì?

Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định về bảo lãnh như sau:

” – Bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền ( bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ ( bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

  – Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

  1. Chủ thể của bảo lãnh:

Chủ thể bảo lãnh trong trường hợp này khác không có khác nhiều so với cầm cố và thế chấp. Tuy nhiên, sẽ có những điểm khác biệt đặc trưng là xuất hiện thêm quyền và nghĩa vụ bên thứ ba cụ thể là bên bảo lãnh. Nếu cầm cố và thế chấp lựa chọn tài sản là hình thức đảm bảo thì bảo lãnh sẽ được đảm bảo là sự uy tính, sự cam kết thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh.

Thứ nhất, bên bảo lãnh

Bên bảo lãnh có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bên bảo lãnh có thể bao gồm nhiều cá nhân. Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập. Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên thỏa thuận mỗi người bảo lãnh chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình. Khi một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

Thứ hai, bên nhận bảo lãnh

Bên nhận bảo lãnh có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bên nhận bảo lãnh có thể bao gồm nhiều cá nhân. Bên nhận bảo lãnh chính là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ với bên được bão lãnh. Nếu bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Khi một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Thứ ba, bên được bảo lãnh

Bên được bảo lãnh có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bên được bảo lãnh có thể bao gồm nhiều cá nhân. Bên được bảo lãnh là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ với bên được bão lãnh. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đối với bên bảo lãnh.

Các bên sẽ phát sinh mối quan hệ như sau:

Bên A và bên B phát sinh quan hệ nghĩa vụ với nhau bằng biện pháp bảo lãnh. Quan hệ giữa bên A và bên C phát sinh mối quan hệ bảo lãnh do thỏa thuận của hai bên. Bên C chỉ thực hiện nghĩa vụ phát sinh với bên B khi bên A không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với bên B trong phạm vi bảo lãnh được quy định trong hợp đồng bảo lãnh.

Đây được xem là hành vi liên đới chịu trách nhiệm giữa các bên. Tuy nhiên, việc phát sinh mối quan hệ bảo lãnh giữa hai bên khi các bên có thỏa thuận với nhau và bên bảo lãnh đồng ý bảo lãnh thì mới có hiệu lực. Các bên phải có thỏa thuận với nhau trong hợp đồng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên nếu phát sinh tranh chấp. Đồng thời việc phát sinh quan hệ bảo lãnh chỉ xuất hiện khi bên nhận bảo lãnh đồng ý đảm bảo bằng hình thức bảo lãnh.

Lưu ý: Bên được bảo lãnh luôn là đối tượng có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng biện pháp bảo lãnh đó. Họ có thể biết hoặc không biết về xác lập quan hệ bảo lãnh để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình nhưng đều phải hoàn trả cho bên bảo lãnh các lợi ích mà bên đó đã thay mình thực hiện với bên kia.

  1. Đối tượng và phạm vi bảo lãnh

Đối tượng của bảo lãnh

Đối tượng của bảo lãnh là các cam kết của người bảo lãnh với người nhận bảo lãnh. Tuy nhiên để thực hiện được cam kết đó thì người bảo lãnh phải có tài sản hoặc công việc phù hợp để đáp lại lợi ích của bên nhận bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.

Lợi ích mà các bên chủ thể trong một quan hệ nghĩa vụ hướng tới là lợi ích vật chất. Vì vậy người bảo lãnh phải bằng một tài sản hoặc bằng việc thực hiện một công việc thay cho người được bảo lãnh mới đảm bảo được quyền lợi cho người nhận bảo lãnh. Người bảo lãnh phải là người có khả năng thực hiện công việc đó.

Người bảo lãnh phải lấy tài sản thuộc sở hữu của mình giao cho người nhận bảo lãnh xử lí.

Phạm vi bảo lãnh

Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.

Nghĩa vụ được bảo đảm có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

  1. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ nếu đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của họ trước bên nhận bảo lãnh. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bắt đầu từ thời điểm nào thì người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó phải được xác định theo từng trường hợp cụ thể.

Pháp luật hiện hành có quy định rằng bên bảo lãnh “sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình” (Điều 335 Bộ luật dân sự năm 2015). Theo quy định trên thì thời điểm mà bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ được xác định theo hai trường hợp sau:

Thứ nhất, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh đến thời hạn thực hiện. Xác định việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh bắt đầu từ thời điểm này trong trường hợp các bên trong quan hệ bảo lãnh không có thoả thuận khác về thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Như vậy, trong trường hợp này, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ kể từ thời điểm bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đến hạn.

Thứ hai, khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nếu các bên trong quan hệ bảo lãnh có thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì dù nghĩa vụ đã đến thời hạn thực hiện mà bên được bảo lãnh không thực hiện, bên nhận bảo lãnh vẫn không được quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đó khi chưa có đủ căn cứ để xác định bên được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, thời điểm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp này được xác định từ thời điểm có đủ căn cứ để xác định về việc bên được bảo lãnh không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ.

  1. Quy định về miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Như vây, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định chi tiết và cụ thể các quyền và nghĩa vụ cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động bảo lãnh, giúp cho các bên dể dàng trong việc quản lý và thực hiện các quyền và nghĩa vụ với nhau.

Để được hỗ trợ và tư vấn, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

HÃNG LUẬT DHP trụ sở chính: Tòa nhà The Manor 2, Số 91 Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Hà Nội: Biệt thự VA03A – 9 Villa Hoàng Thành, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội

HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Phú Quốc: Số 25 Hùng Vương, P. Dương Đông, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

HÃNG LUẬT DHP chi nhánh Bạc Liêu: Số 42 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

Điện thoại:19008616

Email:contact@dhplaw.vn

Website: dhplaw.vn

Facebook: facebook/luatdhp

Post Author: Luật DHP