5 văn bản luật mới vừa được Quốc hội thông qua

Ngày 5/7 vừa qua, 5 dự án Luật vừa công bố sau khi được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 3. Trong đó, một số văn bản pháp luật quan trọng mà cá nhân, doanh nghiệp cần chú ý.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Một số điểm quan trọng của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ gồm: đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ còn sửa đổi quy định về “Điều kiện Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp”“Điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp” cụ thể như sau:

  • Điều kiện Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật có ít nhất một cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
  • Điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:
  1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  2. Thường trú tại Việt Nam;
  3. Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  4. Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
  5. Không phải là công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;
  6. Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
  • Điều kiện hành nghề đối với công dân là Luật sư: Công dân Việt Nam là luật sư được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thường trú tại Việt Nam thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Quý vị có thể tham khảo chi tiết hơn tại các khoản 59, 60, 61, 62 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ 2022.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Bao gồm 7 chương, 157 điều, trong đó có sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.

Luật Cảnh sát cơ động 2022 là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để Cảnh sát cơ động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước.

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều. Luật có các điểm mới như thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng.

Luật thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích”…

Ngoài ra, chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Luật Điện ảnh năm 2022 gồm 8 chương, 50 điều, thay thế Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009.

Luật thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

 

 

 

Post Author: Luật DHP