Thời hiệu khởi kiện hiện nay là một vấn đề rất quan trọng khi tiến hành giải quyết hầu hết các tranh chấp. Nếu hết thời hiệu khởi kiện có cách nào khởi kiện không? Đây là câu hỏi được đặt ra rất nhiều khi đề cập đến thời hiệu khởi kiện. Dưới dây là một số phân tích của chúng tôi về vấn đề này:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”. Có thể thấy rằng thời hiệu khởi kiện là thời gian do luật quy định, các chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc phải tuân theo. Các chủ thể có quyền phải chủ động yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trong thời gian luật định. Hết thời hạn này thì chủ thể mất quyền khởi kiện.
Theo pháp luật Việt Nam tuỳ vào từng loại vụ việc và quan hệ pháp luật tranh chấp thì sẽ có thời hiệu khởi kiện khác nhau. Ngoài quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện cũng được quy định ở một số Luật chuyên ngành như Bộ luật lao động, Luật thương mại, Luật trọng tài thương mại, Luật đường sắt, Luật Kinh doanh bảo hiểm,….Ví dụ như: Tranh chấp hợp đồng thời hiệu khởi kiện sẽ là 03 năm theo Điều 429 Bộ luật dân sự 2015; Tranh chấp thương mại là 02 năm theo Điều 319 Luật thương mại 2005; tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm theo khoản 2 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019; tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm là 03 năm theo Điều 30 Luật kinh doanh bảo hiểm;….. Như vậy để xác định được đúng thời hiệu khởi kiện, đòi hỏi phải xác định được quan hệ pháp luật tranh chấp tương ứng với loại thời hiệu khởi kiện được quy định tại văn bản pháp luật nào.
Vậy vấn đề đặt ra là “Nếu hết thời hiệu khởi kiện có cách nào khởi kiện không?” Khi đối chiếu với quy định của pháp luật mà thời hiệu để yêu cầu giải quyết vụ án dân sự đã hết thì theo quy định của Bộ luật dân sự để tránh một số rủi ro khi khởi kiện thì bên có quyền cần xác lập lại thời hiệu khởi kiện trước khi khởi kiện hay còn gọi là khôi phục thời hiệu khởi kiện.
Khôi phục thời hiệu khởi kiện có thể được hiểu là khôi phục để có hiệu lực pháp luật trở lại về mặt thời gian sau khi thời hạn khởi kiện đó đã chấm dứt do pháp luật quy định. Việc này được thực hiện theo Điều 157 Bộ luật dân sự 2015 Quyền khởi kiện có thể được khôi phục nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:
Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Lưu ý, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện đã nêu ở trên.
Trên thực tế, có nhiều cách để có thể khôi phục lại thời hiệu khởi kiện tuỳ vào từng loại tranh chấp. Ví dụ tranh chấp về nợ vay thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu kể từ khi các bên có biên bản xác nhận lại công nợ; tranh chấp về vi phạm hợp đồng thì thời hiệu khởi kiện được tính lại kể từ khi bên vi phạm có văn bản thừa nhận vi phạm.
Hãng luật DHP.