ANTĐ Hàng chục nghìn công nhân tại Công ty Pou Yuen Việt Nam phản đối một điều khoản mới của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã là giọt nước tràn ly, buộc Chính phủ phải đề nghị Quốc hội sửa đổi một luật chưa có hiệu lực, không chỉ chứng minh sự bất cập trong quy trình làm Luật của chúng ta mà nó còn báo hiệu về một sự khó thay đổi trong tư duy của đội ngũ tiên tiến nhất của xã hội, đội ngũ công nhân.
Phải nói thẳng, điều luật cho phép bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cho phép hàng triệu người có thể được hưởng chế độ hưu trí trong nhiều năm tới là một chính sách tốt, ưu đãi người lao động, một chính sách chỉ có thể thực hiện được khi đã có một sự phát triển kinh tế đủ mạnh, một sự ổn định xã hội nhất định, một nền tảng dự trữ quốc gia cho phép đối mặt với những khó khăn. Nhưng tại sao một chính sách tốt lại vẫn gặp những phản ứng không thuận lợi từ chính những người thụ hưởng chính sách?
Một chính sách tốt
Chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ cho phép những người lao động đóng bảo hiểm chưa đủ thời gian để hưởng chế độ hưu trí chỉ được nhận khoản tiền hưởng chế độ BHXH một lần với mức từ 1,5-2 tháng lương/năm đóng BHXH. Chính vì vậy, cơ hội để công nhân làm việc tại các cơ sở lao động ngoài quốc doanh, các cơ sở sản xuất nhỏ… được hưởng chế độ hưu trí gần như không có bởi sự thiếu ổn định của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay và cũng bởi đặc điểm của lao động Việt Nam, thiếu ổn định, thiếu gắn kết với doanh nghiệp, hay nhảy việc, chuyển chỗ làm việc liên tục và quan trọng hơn đó là thói quen làm đến đâu, ăn đến đấy, thiếu tầm nhìn xa, dự trữ để đảm bảo mức sống khi hết khả năng lao động. Mỗi lần chuyển việc là một lần tất toán chế độ BHXH, cầm một khoản tiền cho… chắc.
Luật BHXH năm 2014 có nhiều nội dung quy định theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, như: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con, tăng mức hưởng BHXH một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện…
Riêng Ðiều 60 của Luật BHXH năm 2014 là quy định có lợi cho người lao động so với hưởng BHXH một lần như trước kia khi khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH để có thể hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện về thời gian tham gia và tuổi nghỉ hưu thay vì nhận BHXH một lần. Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu. Khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế cho người lao động…
Ngoài ra, trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH nếu người lao động từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm: trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết (Ðiều 66); nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH một lần thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Ðiều 67); nếu chưa đủ 15 năm đóng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần (Ðiều 69 của Luật BHXH mới). Ðiều 60 của Luật BHXH mới có quy định thu hẹp đối tượng người được hưởng BHXH một lần so với Luật cũ xuất phát từ thực tế, đã có nhiều người lao động sau khi đã nhận BHXH một lần lại tiếp tục đi làm các công việc khác, BHXH trước đó bằng cách trả lại BHXH một phần đã nhận, nhưng các quy định trước đây không cho phép. Vì vậy, Luật BHXH mới tạo cơ hội cho người lao động có mong muốn tiếp tục tham gia BHXH, tiếp tục tích lũy thời gian để hưởng lương hưu hàng tháng.
Những tính toán chi tiết cũng cho thấy, mở rộng chế độ hưu trí cho công nhân là mang lại những lợi ích lớn cho người lao động. Số tiền đóng BHXH chỉ đủ chi trả lương hưu cho tối đa được 9 năm cho người lao động, trong khi trung bình hiện nay, mỗi người về hưu hưởng lương hưu tới 20 năm. Nếu hưởng chế độ hưởng BHXH một lần, mỗi người lao động chỉ được nhận tối đa số tiền lương hai tháng trong một năm đóng BHXH, nhưng nếu hưởng chế độ hưu trí, mỗi người lao động sẽ được nhận số tiền 6 tháng lương mỗi năm đóng BHXH.
Tại sao người lao động phản đối?
Cái lợi rõ ràng, nhưng tại sao người lao động vẫn phản đối? Nguyên nhân chính là công tác làm luật đã không tính tới thói quen của người lao động Việt Nam. Đó là thói quen ngại thay đổi, thói quen không tin tưởng vào những công cụ tài chính của xã hội công nghiệp, thói quen không dự trữ tài chính cho tương lai mà dựa vào con cháu, người nuôi dưỡng mình khi về già. Nguyên nhân nữa là khi soạn Luật, những người làm Luật đã không quan tâm tới quyền được chọn lựa chế độ hưởng BHXH của người lao động, chưa tính tới phản ứng của người được thụ hưởng cũng như người bị điều chỉnh bởi Luật. Công tác lấy ý kiến của nhân dân cũng làm rất sơ sài, chủ yếu lấy ý kiến của dư luận, báo chí, ít quan tâm tới ý kiến của công nhân, đối tượng có số lượng lớn, có nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi khi thi hành
luật mới.
Công tác phổ biến Luật cũng bất cập. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật không đơn thuần chỉ là nhắc lại quy định mới, mà phải chỉ rõ cho người lao động, chủ sử dụng lao động biết tại sao có những quy định mới, và chúng có ưu điểm có lợi hơn cho người lao động như thế nào so với điều luật cũ…
Quỹ BHXH có khả năng vỡ?
Đã có nhiều ý kiến về sự mong manh của Quỹ BHXH, đã có những dự đoán về việc quỹ này có thể vỡ vào năm 2034 đã dội thêm dầu vào những bức xúc của công nhân khi chưa hiểu những chính sách mới. Những ý kiến này căn cứ vào thực tế với mức đóng BHXH như hiện nay, người lao động đóng 20 năm chỉ đủ trả khoảng 7-8 năm lương hưu; tuổi về hưu thấp (thời kỳ 2007-2011) bình quân trên 53 tuổi (nam 55, nữ 51,5), trung bình người lao động đóng bảo hiểm xã hội 29 năm, có nghĩa quỹ lương hưu chi trả khoảng 10 năm; tuổi thọ bình quân hiện tại ở nước ta tăng nhanh năm 2010 là 73 tuổi, như vậy bài toán quỹ lương hưu chỉ đủ trả được 10 năm, thiếu 10 năm đồng nghĩa mất cân đối quỹ 50%; năm 2000 có 34 người đóng bảo hiểm xã hội cho 1 người hưởng lương hưu và năm 2011 chỉ còn 9,9 người đóng/1 người hưởng và đang có xu hướng giảm tiếp. Và nếu tiếp tục như vậy, Quỹ BHXH có thể mất cân đối vào năm 2029.
Tuy nhiên, đó là sự lo lắng hão huyền. Trả lời báo chí gần đây nhất, ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam khẳng định Quỹ BHXH không thể vỡ, bởi quỹ luôn được ngân sách bảo lãnh. Có sự thâm hụt do tình trạng trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, có sự thất thoát bởi kinh doanh tài chính tại chính BHXH chưa hiệu quả, nhưng những thất thoát này không đủ để làm vỡ Quỹ BHXH. Vấn đề này sẽ được giải quyết được khi chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về: tăng thời gian đóng BHXH (kéo dài tuổi nghỉ hưu); xác định mức đóng -hưởng hợp lý; bảo tồn và phát triển Quỹ; theo đó phải mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và phải hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW