Thực tiễn nảy sinh vướng mắc trong việc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính bị kháng cáo, kháng nghị sau đó người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người kháng cáo rút đơn kháng cáo, VKS rút kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ quy định pháp luật nào để giải quyết cho phù hợp.
Ảnh mang tính chất minh họa (nguồn Internet)
Việc rút đơn khởi kiện trước phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính đã được quy định cụ thể tại Điều 234 Luật Tố tụng Hành chính 2015. Theo đó, trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm và được người bị kiện đồng ý, đồng thời người kháng cáo cũng rút đơn kháng cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính bị kháng cáo, kháng nghị sau đó người khởi kiện rút đơn khởi kiện, người kháng cáo rút đơn kháng cáo, VKS rút kháng nghị thì đã nảy sinh vướng mắc trong việc giải quyết.
Tác giả nêu và phân tích vụ án cụ thể sau đây để làm rõ bất cập của Luật TTHC năm 2015 về vấn đề này.
Ngày 7/4/2017, Bà Hoàng Thị C gửi đơn khởi kiện đến TAND huyện T yêu cầu Tòa án tuyên buộc UBND xã V, huyện T chấm dứt hành vi vi phạm và phải tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai cho bà Hoàng Thị C và ông Nguyễn Văn M theo quy định của pháp luật.
Đơn khởi kiện của bà C được TAND huyện T thụ lý, giải quyết. Đến ngày 30/6/2017, TAND huyện T căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính để đình chỉ giải quyết vụ án với lý do bà C không có quyền khởi kiện. Quyết định đình chỉ bị bà C kháng cáo.
Tại cấp phúc thẩm, bà C có đơn xin rút đơn khởi kiện, rút đơn kháng cáo và được người bị kiện đồng ý. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 Điều 243 Luật TTHC về thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo thì Hội đồng xét xử chỉ có một trong các quyền sau: (a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án”.
Do tại khoản 5 Điều 243 Luật TTHC không quy định quyền của Hội đồng xét xử được hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (tương tự như quy định tại khoản 1 Điều 234 đối với bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị) nên khi gặp trường hợp trên, Tòa án không có căn cứ pháp luật để áp dụng giải quyết. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử phúc thẩm vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 234 Luật TTHC để hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án hay căn cứ việc bà C rút đơn kháng cáo để đình chỉ xét xử phúc thẩm? Hoặc căn cứ điểm c khoản 5 Điều 243 Luật TTHC để hủy quyết định sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án sau đó đình chỉ giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm?
Xét về bản chất cả 3 trường hợp trên đều là đình chỉ (chấm dứt tố tụng) đối với vụ án nhưng hậu quả pháp lý của các trường hợp đình chỉ này lại hoàn toàn khác nhau.
Ở trường hợp thứ nhất, hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án thì bà C được quyền khởi kiện lại vụ án hành chính nếu vụ án còn thời hiệu khởi kiện; ở trường hợp thứ hai, căn cứ việc bà C rút đơn kháng cáo để đình chỉ giải quyết theo thủ tục phúc thẩm (nghĩa là xác định quyết định đình chỉ của cấp sơ thẩm với lý do bà C không có quyền khởi kiện vụ án hành chính là có căn cứ) thì bà C không có quyền khởi kiện lại; ở trường hợp thứ ba, hủy quyết định sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm thụ lý lại sau đó đình chỉ ở giai đoạn sơ thẩm thì thủ tục vừa rườn rà, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, vừa ảnh hưởng đến thành tích công tác của Thẩm phán vì liên quan đến tỷ lệ án hủy, sửa khi xem xét bổ nhiệm lại cũng như thành tích thi đua hằng năm.
Theo quan điểm của tác giả, quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện được quy định tại Điều 8 Luật TTHC, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, dù đó là bản án hay quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nhưng Luật TTHC không quy định Hội đồng xét xử được quyền hủy quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án là chưa đầy đủ, gây khó khăn, lúng túng cho Tòa án trong quá trình giải quyết đối với trường hợp nêu tại ví dụ trên.
Vì vậy, thiết nghĩ, TAND tối cao, VKSND tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Nguồn: Theo kiemsat.vn
Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Giấy phép, Thuế,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW