Hoãn do không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam

Hoãn do không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam
Khái niệm. Hoãn trong từ điển tiếng Việt là chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác, muộn hơn [1] Trong khoa học pháp lý, hoãn thường được hiểu tạm thời không thực hiện, tiến hành những gì phải thực hiện, phải tiến hành. Như vậy, hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (gọi đơn giản là hoãn thực hiện hợp đồng) là trường hợp nghĩa vụ đến hạn thực hiện nhưng tạm thời không được thực hiện. Hoãn thực hiện hợp đồng có nhiều nguyên nhân: Hoãn có thể do các bên thỏa thuận, hoãn cũng có thể do bên có quyền cho bên có nghĩa vụ thêm một khoảng thời gian [2] v.v….

Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi chỉ nghiên cứu hoãn thực hiện hợp đồng với lý do một bên không thực hiện đúng hợp đồng. Tại thời điểm một bên thực hiện quyền hoãn này, hợp đồng vẫn tồn tại, vẫn còn hiệu lực nên vẫn ràng buộc các bên; chỉ việc thực hiện hợp đồng bị tạm dừng. Chẳng hạn, khi bên bán hoãn nghĩa vụ giao tài sản thì hợp đồng mua bán vẫn còn hiệu lực, chỉ việc giao tài sản bị tạm dừng nên bên bán không thể đem tài sản của mình đi bán cho người khác. Hoãn thực hiện hợp đồng không làm chấm dứt nghĩa vụ hay làm phát sinh nghĩa vụ mới. Nhìn từ phía bên hoãn, chủ thể này trong trạng thái mong đợi việc thực hiện của bên kia và không thực hiện nghĩa vụ của mình. Đây là một biện pháp tự bảo vệ vì áp dụng biện pháp này không cần có sự can thiệp của cơ quan công quyền. Chừng nào hoãn thực hiện hợp đồng có giá trị pháp lý thì nghĩa vụ của bên hoãn không phải thực hiện và bên hoãn không phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện này. Nhìn từ phía đối tác của bên hoãn, đây là một chế tài để hướng họ tiếp tục thực hiện nếu họ muốn nhận được những gì từ bên hoãn. Nhìn một cách tổng thể, chúng ta có thể hiểu hoãn do một bên không thực hiện đúng hợp đồng được xây dựng từ ý tưởng sau: Muốn nhận thì hãy cho, không cho thì không được nhận.

Chế định hoãn do một bên không thực hiện đúng hợp đồng không tồn tại trong pháp luật La Mã nhưng ngày nay được ghi nhận trong nhiều hệ thống luật. Chế định này bắt nguồn từ pháp luật tôn giáo được hình thành trên ý tưởng: Không cần giữ lời hứa đối với người không giữ lời hứa của chính mình [3] . Ở pháp, chế định này không tồn tại trong Bộ luật Dân sự (BLDS) như một quy định chung cho tất cả hợp đồng mà chỉ giới hạn ở một vài hợp đồng cụ thể như mua bán, trao đổi. Án lệ và khoa học pháp lý đã khai thác các quy định này và phát triển nó thành một quy định chung áp dụng cho tất cả các hợp đồng song vụ. Chẳng hạn, thực tiễn xét xử Pháp cho rằng, bên cho thuê được hoãn việc sửa chữa, bảo dưỡng tài sản thuê khi bên thuê chưa trả tiền thuê. Bỉ cũng có hoàn cảnh giống Pháp: Văn bản chỉ ghi nhận ở một số quy định tản mạn nhưng Tòa án và khoa học pháp lý đã phát triển đối với hợp đồng khác. Theo một tài liệu được công bố năm 1994, Đức cũng ghi nhận chế định này trong BLDS: Nếu không phải thực hiện trước một bên có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình cho tới khi nghĩa vụ của bên kia được tiến hành (Khoản 1 Điêu 320). Điều 82 Bộ luật về nghĩa vụ dân sự Thụy Sỹ cũng ghi nhận chế định này. Tương tự như vậy, tại Điều 1460 BLDS Ý quy định phạm vi rộng hơn, nhiều phán quyết trọng tài hoãn do một bên không thực hiện đúng hơn đang là một trong những nguyên tắc của thương mại quốc tế. Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng và Bộ nguyên tắc Unidroit cũng ghi nhận chế định này.

Ở Việt Nam, Luật Thương mại sử dụng thuật ngữ “tạm ngừng” đối với chế định này. Trong Luật Thương mại, “tạm ngừng” thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ (Điều 308) và “khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực” (Điều 309). Về phía mình, BLDS sử dụng thuật ngữ “hoãn” và cho phép một bên hoãn hợp đồng khi một số điều kiện được hội đủ (Điều 415). Pháp luật ghi nhận “quyền hoãn thực hiện”. Điều đó có nghĩa, bên có nghĩa vụ đến hạn đáng lẽ phải thực hiện thì họ được phép không thực hiện. Việc không thực hiện đúng theo thời hạn này là do pháp luật thừa nhận. Vì vậy, việc không thực hiện hợp đồng đúng thời hạn này của phía hoãn không kéo theo các chế tài. Theo Điều 4 BLDS, “cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên”. Như vậy, hoãn thực hiện hợp đồng đi ngược lại với hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên: Điều 4 buộc các bên thực hiện hợp đồng, còn chế định hoãn cho phép một bên không phải thực hiện mặc dù nghĩa vụ đã đến hạn. Do đó, để việc hoãn này được chấp nhận thì cần phải hội đủ một số điều kiện. Chúng ta sẽ nghiên cứu trong những trường hợp nào một bên được hoãn thực hiện hợp đồng.

I – Hoãn do nguy cơ không thực hiện hợp đồng

Khái niệm nguy cơ không thực hiện hợp đồng. Thông thường, việc hoãn hợp đồng với bản chất là chế tài chỉ được tiến hành khi việc không thực hiện đúng hợp đồng đã xảy ra. Nhưng trong pháp luật thực định, một bên có thể hoãn thực hiện hợp động khi bên kia có nguy cơ không thực hiện hợp đồng.

Trong thực tế có thể xảy ra trường hợp: Sau khi ký kết hợp đồng và trước khi đến thời hạn thực hiện, một bên thấy rằng bên kia có nguy cơ không thực hiện tốt hơn hợp đồng khi đến hạn. Ví dụ, bên A đồng ý cho bên B vay 500 triệu đồng trong vòng 03 tháng và A phải giao cho B khoản tiền này vào ngày 15 tháng 07. Nhưng vào cuối tháng 06, A thấy B đã không trả nợ đến hạn đối với những đối tác khác nên nghĩ rằng, khi nợ đến hạn phải trả, B có thể sẽ không trả nợ cho mình như thoả thuận. Ở đây, A không chắc chắn là B sẽ không thực hiện đúng hợp đồng khi đến hạn vì việc B không thực hiện đúng hợp đồng đối với các đối tác khác không có nghĩa là B chắc chắn sẽ không thực hiện đúng cam kết với A. Nhưng A có thể nghĩ rằng có nhiều nguy cơ B không thực hiện đúng hợp đồng với mình.

Ví dụ sau đây cũng cho thấy trường hợp nguy cơ không thực hiện hợp đồng. Ông T và bà Th giao kết hợp đồng xây dựng nhà ở cho bà Th. Theo hợp đồng, trong thời hạn 8 tháng kể từ ngày khởi công, ông T có nghĩa vụ đầu tư toàn bộ nguyên vật liệu và xây xong căn hộ năm tầng trên diện tích 100m2 đất ở cho bà Th. Khi đã xây xong tầng một của căn hộ thì bà Th bị khởi kiện dân sự do vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với người khác. Bà Th bị phong tỏa tài sản ở ngân hàng và phải thế chấp nhà đang ở và chiếc ô tô đang dùng. Ở đây tài sản của bà Th bị giảm sút và có khả năng dẫn đến tình trạng không thể thanh toán cho ông T khi làm xong nhà [4] .

Luật Thương mại không có quy định chung về hoãn hợp đồng do có nguy cơ hợp đồng không được thực hiện đúng.

Tại Khoản 1 Điều 415 BLDS quy định “bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sán của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh”. Với quy định này, khi có nguy cơ không thực hiện hợp đồng do bên có nghĩa vụ có tài sản bị giảm sút nghiêm trọng, bên phải thực hiện trước có quyền hoãn thực hiện hợp đồng.

So với BLDS Pháp (Bộ luật Napoléon 1804) , BLDS nước ta có nhiều tiến bộ, bởi vì, ở Pháp, trong phần chung về hợp đồng, BLDS không có quy định điều chỉnh nguy cơ không thực hiện hợp đỗng [5] như ở nước ta mà chỉ có một điều trong phần riêng liên quan đến hợp đồng mua bán [6] .

Mặc dù tiến bộ hơn BLDS Pháp vì đã có sự điều chỉnh về vấn đề nguy cơ không thực hiện hợp đồng nhưng BLDS nước ta vẫn biểu lộ một số bất cập.

BLDS chỉ cho bên phải thực hiện trước hợp đồng hoãn thực hiện nghĩa vụ nếu tài sản của bên kia bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết. Trong thực tế, nguy cơ không thực hiện hợp động có thể xảy ra khi tài sản không bị giảm sút nghiêm trọng. Ví dụ: A, sản xuất thuyền chỉ có một chiếc gầm tầu, hứa với B là sẽ giao cho B một chiếc thuyền chậm nhất là ngày 01 tháng 08. Ít ngày sau, B biết rằng, cũng vào giai đoạn này, A đã hứa giao cho C một chiếc tàu. Trong trường hợp này, khó có thể nói là tài sản của A bị giảm sút nghiêm trọng, song B có thể cho rằng có nguy cơ A sẽ không thực hiện đúng hợp đồng. Tương tự như vậy: Ca sỹ A nhận hát cho một phòng trà (B) vào tối thứ bảy và đôi bên thống nhất là B sẽ trả cho A một phần thù lao vào tối thứ sáu. Tuy nhiên. B được biết A đã nhập viện và đến chiều thứ 6 vẫn chưa ra viện. Ở đây, B không chắc chắn là đến thứ bảy A sẽ không hát, nhưng B có thể nghĩ rằng, đến thời điểm này có khả năng A vãn chưa thể đi hát được. Đối với B, có nhiều nguy cơ A sẽ không hát được vào thứ bảy.

BLDS cho biết là bên phải thực hiện hợp đồng trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ nếu tài sản của bên kia bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh. Song, BLDS lại không cho biết là bên hoãn thực hiện nghĩa vụ có quyền hay không có quyền huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng khi bên kia vẫn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc không có người bảo lãnh.

Nhiều nước đã cho phép hay có xu hướng cho phép bên phải thực hiện trước quyền huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng khi bên kia không khôi phục được khả năng thực hiện tốt hợp đồng mặc dù hợp đồng đã bị hoãn thực hiện và bên hoãn đã cho bên kia một khoảng thời gian hợp lý để khôi phục khả năng này.

Trước năm 1999, ở Trung Quốc, vấn đề nguy cơ không thực hiện hợp đồng chỉ được đề cập trong Luật về hợp đồng kinh tế với nước ngoài; các văn bản khác về hợp đồng như Luật về hợp đồng kinh tế hay Luật và chuyển giao công nghệ không đề cập đến vấn đê này. Luật về hợp đồng kinh tế với nước ngoài đề cập đến vấn đề nguy cơ không thực hiện hợp đồng nhưng không cho phép huỷ hợp đồng mà chỉ cho tạm ngừng thực hiện [7] . Với quyết tâm hoà nhập vào Tổ chức thương mại quốc tế [8] , năm 1999, Trung Quốc đã bãi bỏ các Luật trên và cho ra đời Luật hợp đồng duy nhất và vấn đề huỷ hợp đồng do có nguy cơ không thực hiện được đã được đề cập. Theo Điều 68 Luật Hợp đồng Trung Quốc năm 1999, “bên phải thực hiện trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu có chứng cứ xác thực bên kia lâm vào một trong các hoàn cảnh sau: Tình hình kinh doanh xấu đi nghiêm trọng; Chuyển tài sản, rút vốn nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ; Mất uy tín kinh doanh; Các trường hợp khác về mất hay có khả năng mất khả năng thực hiện nghĩa vụ”. Và theo Điều 69 của Luật trên, “sau khi hoãn hợp đồng, bên hoãn có quyền hủy hợp đồng khi bên kia vẫn không khôi phục khả năng thực hiện và không cung cấp một biện pháp bảo đảm thích đáng trong một khoảng thời gian hợp lý”. BLDS Pháp không có quy phạm tương tự, nhưng theo một số tác giả, pháp luật Pháp cũng nên cho phép bên hoãn thực hiện huỷ hợp đồng khi bên kia không có thay đồi gì và cũng không cung cấp một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp lý [9] .

Một số văn bản quốc tế hiện đại về hợp đồng cũng quy định như trên. Ví dụ, theo Điều 7.3.4 Nguyên tắc hợp động thương mại quốc tế Unidroit, “khi một bên có thể tin rằng bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia cung cấp những biện pháp bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng và trong giai đoạn chờ đợi, có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình. Họ có thể huỷ bỏ hợp đồng nếu những biện pháp bảo đảm trên không được cung cấp trong khoảng thời gian hợp lý”. Tương tự, theo Điều 8:105 Nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng, “khi một bên có thể tin rằng bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia cung cấp những biện pháp bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng và trong giai đoạn chờ đợi có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình cho đến khi không còn cảm nhận trên. Nếu những biện pháp bảo đảm trên không được cung cấp trong khoảng thời gian hợp lý, bên yêu cầu những biện pháp này có quyền huỷ bỏ hợp đồng khi vẫn có thể cho rằng bên kia sẽ vi phạm nghiêm trọng hợp đồng” [10] .

Kiến nghị. Chúng ta cũng nên mở rộng trường hợp nguy cơ không thực hiện hợp đồng. Một bên có nguy cơ không thực hiện hợp đồng khi lâm vào một trong các trường hợp sau: Tình hình kinh doanh xấu đi nghiêm trọng ví dụ như tình trạng tài chính xấu đi nghiêm trọng; Tài sản giảm sút nghiêm trọng ví dụ như tài sản bị hư hỏng, mất mát; chuyển tài sản, rút vốn nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ như việc một cá nhân hay doanh nghiệp sáng lập một doanh nghiệp mới và chuyển vốn sang đó để lẩn tránh thực hiện nghĩa vụ; mất uy tín kinh doanh như việc không trung thực, thiện chí trong kinh doanh hay thường xuyên không thực hiện nghĩa vụ giao kết; các nguy cơ không thực hiện hợp đồng khác như hoàn cảnh một ca sỹ bị lâm bệnh trước vài ngày biểu diễn. Xin nêu thêm là, Luật Thương mại mới như cũng đã theo hướng này.

Hợp đồng là thoả thuận giữa các bên làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ nhằm đạt được lợi ích hợp pháp mà họ mong muốn khi giao kết [11] . Nói một cách khác, hợp đồng sinh ra không phải là để bị huỷ bỏ mà để được thực hiện nhằm mang đến cho các bên lợi ích hợp pháp mong đợi. Vậy, chúng ta cần hạn chế tối đa việc cho phép huỷ bỏ hay đình chỉ hợp đồng. Song. chúng ta cũng không nên buộc người thực hiện trước phải chờ đợi không có kết quả khi bên kia vẫn không có biện pháp bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng mặc dù hợp đồng đã bị hoãn thực hiện. Trong trường hợp bên phải thực hiện trước đã hoãn thực hiện mà bên kia cũng không khôi phục được khả năng thực hiện hợp đồng hay không có thêm biện pháp đảm bảo việc thực hiện tốt hợp đồng, chúng ta nên theo pháp luật các nước và văn bản quốc tế hiện đại nêu trên. Chúng ta nên cho phép bên hoãn thực hiện huỷ bỏ, đình chỉ hợp đồng để sớm tìm đuợc đối tác khác nhằm đảm bảo đạt được những gì không đạt được với bên kia.

II. Hoãn do không thực hiện đúng hợp đồng

Khoản 2, Điều 415 BLDS quy định: “Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn”. Ở đây, bên thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình. Ví dụ, A bán cho B một tài sản và hai bên thỏa thuận: Trả tiền, sau đó giao tài sản. Nếu B chưa trả tiền thì A có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình, mặc dù nghĩa vụ của A đã đến hạn. Tương tự, A cho B thuê một tài sản. A không sửa chữa tài sản thì B có quyền không thanh toán tiền thuê.

Theo khoản 2 Điều 415 thì bên có quyền được hoãn thực hiện khi bên thực hiện nghĩa vụ trước “chưa” thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn. Việc quy định như trên là chưa thuyết phục. Ví dụ: A bán cho B một tài sản. A đã giao tài sản và B chưa trả tiền vì chưa đến hạn. Tuy nhiên, sau khi nhận tài sản, B phát hiện tài sản này có khiếm khuyết so với hợp đồng. Ở đây A đã thực hiện nhưng thục hiện không đúng hợp đồng. Nếu áp dụng đúng theo quy định của BLDS thì B không được hoãn trả tiền vì A đã thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên cho phép B hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình.

Do đó, khái niệm “chưa” thực hiện nên được hiểu là “chưa thực hiện nghĩa vụ” hoặc đã thực hiện rồi nhưng “chưa đúng nội dung hợp đồng”.

Khi sửa đổi BLDS, chúng tôi đề xuất thay thuật ngữ “chưa” bằng cụm thuật ngữ “không thực hiện đúng” nghĩa vụ.

Theo quy định pháp luật hiện hành có hai nghĩa vụ, một nghĩa vụ đã đến hạn thực hiện nhưng chưa thực hiện đúng và một nghĩa vụ chưa đến hạn thực hiện.

Điều đó có nghĩa. chúng ta chưa dự liệu được tình huống cả hai nghĩa vụ đồng thời phải được thực hiện trong khi đó những tình huống này không hiếm xảy ra: “Trong trường hợp các bên không thoả thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau (Khoản 2 Điều 414). Chẳng hạn. A bán cho B một tài sản; nghĩa vụ giao tài sản và nghĩa vụ trả tiền thực hiện đồng thời. Xin nêu thêm một vụ việc để chứng minh rằng không hiếm trường hợp các bên phải thực hiện cùng một lúc nghĩa vụ của mình. Cụ thể như sau: Chủ cửa hàng xe máy Th (bà L) và chủ cửa bàng xe máy Đ (vợ chồng ông Q) ký hợp đồng mua bán xe gắn máy với nội dung bà L giao xe cho ông Q, ông Q bán được chiếc xe nào thì trả đủ tiền chiếc xe đó. Một thời gian sau hai bên có tranh chấp và một trong những nội dung của tranh chấp liên quan đến việc bà L còn cầm giữ một số giấy đăng kiểm xe máy. Tòa án cho rằng, việc bà L cầm giữ giấy tờ trên là đúng pháp luật. Ngoài ra Tòa án còn quyết định “ông Q và bà L phải liên đới thanh toán cho bà L tổng số tiền vốn và lãi của toàn bộ xe máy mình bà L đi giao và đồng thời bà L phải giao lại cho ông Q, bà L 05 phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” [12] .

Trong ví dụ trên, chúng ta thấy, Tòa án buộc hai bên phải thực hiện nghĩa vụ “đồng thời”. Nếu bà L sẵn sàng giao trả phiếu đăng kiểm nhưng ông Q, bà L không sẵn sàng thì bà có được hoãn giao giấy tờ trên không? Pháp luật hiện hành chưa dự liệu hoàn cảnh này. Trong khi đó nhiều hệ thống pháp luật cho phép áp dụng hoãn thực hiện hợp đồng khi một bên không sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp các bên phải thục hiện nghĩa vụ cùng thời điểm. Theo Điều 9: 201 Bộ nguyên tắc Châu Âu về hợp đồng, “một bên phải thực hiện cùng lúc với bên kia có thể hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình khi đối tác chưa sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của họ”. Tương tự như vậy, theo Khoản 1 Điều 7.1.3 Bộ nguyên tắc Unidroit. Tiền Dự thảo Bộ luật Châu Âu về hợp đồng cũng theo hướng này tại Khoản 2 Điều 108. Có lẽ, chúng ta nên theo hướng cho phép áp dụng việc hoãn hợp đồng không chỉ đối với nghĩa vụ “trước, sau” như hiện nay mà cả đối với nghĩa vụ phải thực hiện cùng một thời điểm.

Để áp dụng hoãn thực hiện hợp đồng thì giữa các bên liên quan phải có quan hệ nghĩa vụ tương xứng. Chế định hoãn mà chúng ta đang nghiên cứu tồn tại trong nhiều hệ thống, nhưng phạm vi điều chỉnh của chế định này không giống nhau.

Ở Pháp, việc hoãn thực hiện hợp đồng này được án lệ mở rộng cho các hợp đồng song vụ. Ở đây án lệ đã áp dụng chế định hoãn thực hiện hợp đồng đối với hợp đồng thuê tài sản hay hợp đồng đại diện [13] . Ở Đức và Thụy Sỹ, các nhà lập pháp còn đi xa hơn và ghi nhận việc hoãn thực hiện nghĩa vụ như một nguyên tắc chung của pháp luật dân sự [14] . Với hướng này, việc hoãn không chỉ giới hạn ở quan hệ hợp đồng song vụ mà có thể áp dụng cho cả các quan hệ song vụ khác, các nghĩa vụ không xuất phát từ một hợp đồng.

Pháp luật của chúng ta gần gũi với pháp luật thực định của Pháp và chế định hoãn này được đề cập trong phần thực hiện hợp đồng và liên quan đến hợp đồng “song vụ”: Nghĩa vụ không được thực hiện đúng và nghĩa vụ bị hoãn là hai nghĩa vụ của cùng một hợp đồng song vụ hợp pháp.

Như vậy, chúng ta chưa có quy định đối với nghĩa vụ của cùng hai bên nhưng xuất phát từ hai hợp đồng khác nhau.

Tương tự, chúng ta chưa có quy định về trường hợp các bên phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả do hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu vì theo quy định của Khoản 2 Điều 137 BLDS “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền”. Cũng tương tự chúng ta không có quy định cho phép hoãn thực hiện nghĩa vụ đối với trường hợp các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận khi hợp đồng bị hủy bỏ vì “khi hợp đang bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận” (Khoản 3 Điều 425).

Đối với những trường hợp như vừa nêu, có lẽ chúng ta nên áp dụng tương tự pháp luật (Điều 3 BLDS) và do đó việc hoãn không giới hạn ở quan hệ hợp đồng song vụ. Trong tương lai, khi có điều kiện sửa đổi BLDS, chúng ta nên mở rộng chế định hoãn thực hiện. Chúng ta nên chuyển Khoản 2 Điều 415 sang phần thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khi chúng ta chuyển sang phần nghĩa vụ dân sự thì quy định này hiển nhiên được áp dụng cho quan hệ hợp đồng song vụ và cũng được áp dụng cho những quan hệ song vụ nhưng không xuất phát từ thực hiện hợp đồng song vụ.

Lưu ý, theo Luật Thương mại, một bên chỉ được tạm ngừng thực hiện phần của mình khi bên kia “vi phạm cơ bản hợp đồng” (Khoản 2 Điều 308). Như vậy, những vi phạm nhỏ không cho phép bên bị vi phạm áp dụng biện pháp hoãn thực hiện hợp đồng. Đây cũng là hướng giải quyết trong hệ thống thông luật [15] . Ở nước ta, quy định tương tự không tồn tại trong pháp luật dân sự nên vi phạm nhỏ hay vi phạm nghiêm trọng đều cho phép áp dụng việc hoãn hợp đồng. Tuy nhiên, việc vận dụng chế định này có thể dẫn tới lạm dụng.

Do đó, chúng ta cần kết hợp hoãn thực hiện hợp đồng với nguyên tắc thiện chí trong thực hiện hợp đồng được quy định tại Điều 6 BLDS.

Khi việc không thực hiện đúng hợp đồng là do sự kiện bất khả kháng thì bên thể hiện sau có được hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình không? Chẳng hạn, theo hợp đồng, A phải giao tài sản cho B trước khi B trả tiền. Nếu B không giao đúng thời hạn do sự kiện bất khả kháng thì A có được hoãn nghĩa vụ trả tiền không?

Theo Luật Thương mại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng “trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này” trong khi đó theo Điều 294 “bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: Xảy ra sự kiện bất khả kháng”.

Quy định tương tự không tồn tại trong pháp luật dân sự. Thiết nghĩ, khi A không giao tài sản do sự kiện bất khả kháng thì B được quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình. Đây cũng là hướng giải quyết trong pháp luật của Pháp [16] .

Hoãn được hiểu là tạm thời dừng thực hiện. Điều đó có nghĩa. biện pháp này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về thời gian hợp đồng được hoãn.

Hoãn là biện pháp tự vệ của một bên khi bên kia không thực hiện đúng hợp đồng và có mục đích hướng bên này tới việc thực hiện đúng hợp đồng. Do đó, nếu bên không thực hiện đúng đã thực hiện theo đúng hợp đồng thì biện pháp hoãn không còn vai trò nữa nên nó sẽ chấm dứt và bên hoãn nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều đó cũng có nghĩa là biện pháp hoãn được kéo dài đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ của mình. Chẳng hạn, khi không được thanh toán thù lao, kiến trúc sư có thể hoãn những công việc của mình. Tuy nhiên, nếu khách hàng thanh toán thù lao như hợp đồng thì kiến trúc sư này phải tiến hành công việc của mình, biện pháp hoãn của kiến trúc sư đã chấm dứt.

Sau khi hoãn mà bên kia vẫn không thực hiện đúng hợp đồng thì bên hoãn có thể áp dụng biện pháp khác. Bên hoãn có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng hay kết hợp với yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc buộc thực hiện đúng hợp đồng.

* Tiến sỹ, Phó Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM.

[1] . Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb, Phương Đông, 2002, tr.397.

[2] . Ví dụ, theo Khoản 2 Điều 287 BLDS, bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý.

[3] . Ph. Malaurie, L. Aynès  và Ph. Stoffel-Munch, Les obli-gations, Deftrénói 2004, phần số 859.

[4] . Về ví dụ náy, xem Phạm Minh Lương, Đỗ Thị Hoa và Tạ Mạnh Tần, Hỏi đáp pháp luật về hợp đồng dân sự và giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự. Nxb. Công an nhân dân 2006, tr.41 và 42.

[5] . Xem A.Pinna, Hoãn hợp đồng vì nguy cơ không thực hiện, Tạp chí RTD.civ.2003, tr.31 và tiếp theo.

[6] . Theo Điều 1613 BLDS Pháp, “người bán không có nghĩa vụ giao tài sản, mặc dù đã cho bên mua một thời hạn để trả tiền, nếu, sau khi ký hợp đồng, người mua lâm vào tình trạng phá sản tới mức mà người bán có nguy cơ không được trả tiền, trừ trường hợp có người bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng đúng thời hạn”.

[7] . Điều 17, Luật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về hợp đồng kinh tế với nước ngoài cho phép một bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi thấy bên kia có khả năng sẽ không thực hiện hợp đồng.

[8] . Trung Quốc tham gia Tổ chức thương mại quốc tế năm 2001.

[9] . Xem A.Pinna, Hoãn hợp đồng vì nguy cơ không thực hiện, Tạp chí RTD.civ.2003, tr.48 et 49.

[10] . Các văn bản trên sử dụng cụm thuật ngữ une partie croit raisonnablement. Xin dịch ở đây là một bên có thể tin rằng.

[11] . Xem Điều 130, 132 và 394 Bộ luật Dân sự Việt Nam. Theo cuốn Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tập I, tr.271, “dù là hành vi tuyên bố đơn phương của một người, hay hành vi xác lập hợp đồng dân sự, các chủ thể đều hướng tới mục đích nhất định. Tuy mục đích mà các bên hướng tới là khác nhau nhưng đều nhằm đáp ứng lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần của họ”.

[12] . Bản án số 81/2009/DSST ngày 15/5/2009 của Tòa án nhân dân thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

[13] . F. Terré, Ph. Simler, Y. Lequette, Les obligations, Dalloz 2002, phần số 632 và 634.

[14] . F. Terré, Ph. Simler, Y. Lequette, Les obligations, Dalloz 2002, phần số 632.

[15] . Xem G. Rouhette (chủ biên), Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng, Nxb. Sociétéde législation comparée, 2003, tr. 368.

[16] . F. Terré, Ph. Simler, Y. Lequette, Les obligations, Dalloz 2002, phần số 638.

Nguồn: Tham khảo bài Viết của PGS. Đỗ Văn Đại

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh