Nếu không thu được nợ, người bị thiệt hại trực tiếp vẫn là bản thân các TCTD. Do đó, từ trước tới nay, người lo lắng trong việc xử lý nợ xấu nhất vẫn là bản thân các TCTD, mà cụ thể là những cổ đông lớn – người đang quản lý, điều hành TCTD.
Hiện nay, khi nợ xấu đang là điểm nóng, bản thân các TCTD luôn xác định thu nợ là công việc ưu tiên hàng đầu. Nhiều ngân hàng thương mại, thậm chí chủ tịch HĐQT và ban điều hành cấp cao vẫn hàng ngày phải ngồi nghe báo cáo, chỉ đạo, phê duyệt từng hồ sơ xử lý nợ xấu. Điều đó minh chứng rõ cho sự sốt sắng và lo lắng về nợ xấu của bản thân các TCTD.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các TCTD thời gian qua chưa được hiệu quả như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cả về chủ quan và khách quan. Trong bài viết này, theo quan điểm cá nhân, người viết nêu ra 4 rào cản khách quan mà các TCTD đang gặp phải trong việc xử lý nợ xấu hiện nay.
Thứ nhất, pháp luật thiếu các quy định chi tiết để hỗ trợ công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu
Nhìn một cách tổng thế, các quy định pháp luật có liên quan đến việc xử lý nợ xấu nói chung và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu nói riêng tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do việc thiếu hướng dẫn, quy định chi tiết và thiếu công cụ thực hiện, nên việc thực thi một số quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là cả một vấn đề nan giải.
Chẳng hạn, pháp luật có quy định TCTD được quyền tự mình thu giữ và bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Nhưng trên thực tế, quy định này không dễ gì được thực thi vì thiếu các công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Cụ thể hơn, quy định TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khách hàng, nhưng nếu khách hàng không đồng ý hoặc cản trở thì pháp luật lại không có các quy định mang tính tạo cơ chế rõ ràng để thực thi quyền này của TCTD.
Thứ hai, chúng ta đang hiểu và áp dụng quy định về quyền được bảo đảm về chỗ ở của công dân chưa đúng.
Phần lớn tài sản thế chấp tại các TCTD là nhà ở và quyền sử dụng đất. Hiến pháp quy định: “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”. Tâm lý xã hội cũng đặt nặng vấn đề về quyền được có nhà để ở và được bảo đảm về chỗ ở. Do đó, khi TCTD thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở, quyền sử dụng đất ở để thu hồi nợ thì gặp rất nhiều cản trở.
Lấy dẫn chứng câu chuyện liên quan đến các ngân hàng tại TP. HCM. Trong khoảng năm 2013 đến giữa năm 2014, nhiều tòa án tại TP. HCM đã có quy định gây khó cho các ngân hàng: khi ngân hàng kiện chủ tài sản bảo đảm (nhà ở) ra tòa để phát mãi, thu hồi nợ vay, tòa án sẽ triệu tập tất cả những người đang cư trú tại căn nhà đó đến tòa tham gia tố tụng (với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), kể cả những người không liên quan đến việc sở hữu, định đoạt căn nhà như người làm thuê, người giúp việc nhà. Lý do được đưa ra là để bảo đảm quyền được bảo vệ về chỗ ở của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Cần bình luận thêm một vấn đề ở đây là, Hiến pháp quy định bảo vệ chỗ ở, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là chỗ ở hợp pháp. Còn khi nhà ở đã được thế chấp cho TCTD và TCTD được quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ vay, thì khía cạnh bảo vệ về chỗ ở, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở cần được hiểu khác đi. Khi đó, pháp luật không thể bảo vệ quyền này nữa vì quyền sử dụng, định đoạt tài sản của chủ sở hữu nhà ở đã không còn hoặc bị hạn chế.
Thứ ba là sự “nhập nhằng” trong việc chuyển giao nợ xấu cho VAMC.
Theo quy định hiện hành, việc bán nợ cho VAMC để đổi lấy trái phiếu đặc biệt cũng giống như việc thế chấp nợ xấu cho VAMC để TCTD được quyền vay một khoản tiền để kinh doanh. Sau khi bán nợ cho VAMC, bản thân các TCTD vẫn phải lo xử lý khoản nợ đó, nên thực chất, không mấy TCTD mặn mà khi bán nợ xấu cho VAMC vì họ hiểu, bán nợ là đã bị thiệt nhưng vì vấn đề nhu cầu vốn và áp lực về trích lập dự phòng nên phải bán. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ dư luận của xã hội thì nhiều người lại đang nhầm lẫn rằng, Nhà nước đang phải bỏ ngân sách ra để mua lại các khoản nợ xấu của các TCTD và các TCTD là người được lợi nhất khi bán nợ cho VAMC.
Vì vậy, để tăng cường vai trò của VAMC trong việc hỗ trợ các TCTD xử lý các khoản nợ đã bán, nên chăng cần có những quy định về cơ chế phối hợp xử lý nợ xấu giữa các TCTD (bên bán nợ) và VAMC (bên mua nợ), như tăng cường năng lực, cơ chế cho VAMC để VAMC có thể tự mình trực tiếp xử lý, thu hồi các khoản nợ đã mua…
Thứ tư, các TCTD đang “cô đơn” trong việc xử lý nợ xấu.
Thực tế, các TCTD có thể xem là những doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho xã hội cả về khía cạnh kinh tế lẫn khía cạnh xã hội: tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, đóng thuế cho ngân sách quốc gia, tạo vốn cho nền kinh tế… Nợ xấu tăng cao là vấn đề mà bản thân các TCTD không hề mong muốn. Một số sự việc tại ACB (vụ án Huyền Như, bầu Kiên), Ngân hàng Đại Dương (vụ án Hà Văn Thắm), một số ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt… thời gian qua cũng chỉ là những trường hợp cá biệt, của những cá nhân cụ thể, không thể dùng để kết luận đó là tình hình chung của các TCTD.
Nợ xấu xảy ra, xét cho thấu đáo, không phải hoàn toàn do nguyên nhân chủ quan của các TCTD. Nên khi các TCTD gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, dư luận cần có cái nhìn tích cực hơn để cùng góp sức giúp cho TCTD vượt qua được các khó khăn trước mắt.
Việc xử lý nợ xấu có vai trò rất lớn của các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan công an và các cơ quan tư pháp khác. Tuy nhiên, hiện nay, sự vào cuộc của các đơn vị này vẫn chưa thực sự quyết liệt cũng như thiếu tính đồng bộ.
Trên đây là các rào cản mà các TCTD gặp phải khi xử lý nợ xấu, đương nhiên bên cạnh còn có các rào cản chủ quan xuất phát từ bản thân các TCTD. Nhưng phải khẳng định các rào cản trên là những khó khăn thật sự nằm ngoài mong muốn của các TCTD.