- Điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng từ 01/7/2022Nghị định 38/2022/NĐ-CPquy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, quy định mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
– Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng);
– Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);
– Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);
– Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).
(Mức tăng trên là so với quy định hiện hành tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP)
Đồng thời, quy định mới bổ sung mức lương tối thiểu giờ theo vùng như sau: Vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP ; Việc áp dụng địa bàn vùng còn được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP .
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng
Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, bổ sung quy định về số tiền bảo hiểm tối thiểu (BHTT) đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba như sau:
– Số tiền BHTT đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là một trăm (100) triệu đồng cho một người trong một vụ và không giới hạn số vụ tổn thất.
– Số tiền BHTT đối với thiệt hại về tài sản và chi phí pháp lý có liên quan (nếu có) được xác định như sau:
+ Đối với công trình có giá trị dưới 1.000 (một nghìn) tỷ đồng: là 10% giá trị công trình cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
+ Đối với công trình có giá trị từ 1.000 (một nghìn) tỷ đồng trở lên: là 100 (một trăm) tỷ đồng cho cả thời hạn bảo hiểm và không giới hạn số vụ tổn thất.
Các hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, HĐBH trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba đã giao kết trước ngày 01/07/2022:
– Được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết HĐBH;
– Trường hợp sửa đổi, bổ sung HĐBH có nội dung sửa đổi, bổ sung được quy định tại Nghị định 20/2022/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
3. Quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Đây là nội dung tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ quy định như sau:
– Đối với công chức thuế:
+ Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;
+ Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;
+ Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.
– Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan:
+ Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;
+ Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;
+ Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
+ Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Nguồn: Thư viện pháp luật.