Toàn bộ Nghị định có hiệu lực từ giữa tháng 05/2020

Từ ngày 11 – 20/5/2020, có 05 Nghị định của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành, cụ thể như sau:

1. Hướng dẫn xác định thị trường sản phẩm liên quan

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật cạnh tranh.

Theo đó, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.

Đơn cử liên quan đến xác định hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau:

– Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ;

– Thành phần của hàng hóa, dịch vụ;

– Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa;

– Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ;

– Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng;

– Khả năng hấp thu của người sử dụng;

– Tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.

Nghị định 35/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/5/2020.

2. Hồ sơ cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài

Ngày 03/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định thì chuẩn bị hồ sơ để cấp phép gồm có:

– Văn bản đề nghị của doanh nghiệp (theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này).

– 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.

– Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này.

– 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ.

– 01 bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

– 01 bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

– Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

– 01 bản sao Điều lệ Công ty.

Nghị định 38/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 20/5/2020.

3. Quy định về cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Đây là nội dung tại Nghị định 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Theo đó, bổ sung đối tượng là cộng tác viên (CTV) tham gia theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cụ thể như sau:

– CTV theo dõi tình hình thi hành pháp luật được huy động để tham gia hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin; điều tra, khảo sát; tham gia ý kiến về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

– Các tổ chức theo quy định được huy động tham gia làm CTV phải có lĩnh vực hoạt động phù hợp với lĩnh vực cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật, các cá nhân được huy động tham gia làm CTV phải am hiểu lĩnh vực cần theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

– CTV theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo chế độ hợp đồng theo từng vụ việc cụ thể, trừ trường hợp CTV theo dõi tình hình thi hành pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Nghị định 32/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/5/2020.

4. Bổ sung thêm 04 ngành, nghề ưu đãi đầu tư

Theo Nghị định 37/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/5/2020, bổ sung 04 ngành, nghề ưu đãi đầu tư thuộc hoạt động đầu tư kinh doanh theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;

– Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa

– Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

– Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

5. Nghị định 39/2020/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Cuba giai đoạn 2020 – 2023 (Có hiệu lực từ ngày 20/5/2020).

                                                                                                                               Nguồn: Thư viện pháp luật

Post Author: Nguyen Thi Dieu Quynh