Vì sao nhà mạng thắng vụ đòi khách hơn 1 tỉ đồng?

Tòa sơ thẩm cho rằng hợp đồng không rõ, khách hàng là bên yếu thế nên bác yêu cầu của nhà mạng. Tòa phúc thẩm lại nhận định khác và ra phán quyết trái ngược.

Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kiện bà Sỹ Truyền Hoàng Ngân đòi hơn 1 tỉ đồng cước điện thoại mà Pháp Luật TP.HCM từng thông tin. Trái ngược với cấp sơ thẩm, tòa phúc thẩm đã tuyên VNPT thắng kiện khách hàng.

Tòa phúc thẩm: Hợp đồng có hiệu lực

Theo tòa phúc thẩm, hợp đồng mà hai bên ký kết đúng quy định pháp luật nên có hiệu lực thi hành.

Tòa phúc thẩm phân tích: Theo giải thích của phía VNPT, chữ “mở QT” ghi trong hợp đồng là mở dịch vụ cuộc gọi quốc tế, chữ “+RM” là cộng thêm dịch vụ roaming. Bà Ngân cũng thừa nhận đây là yêu cầu mở dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế, cho thấy ý chí của bị đơn là yêu cầu nhà mạng cung cấp dịch vụ gọi quốc tế cùng dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế và được đáp ứng.

Theo kết quả giám định, số thuê bao của bà Ngân được đăng ký dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi. Khi sử dụng dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi, thuê bao của bà Ngân đã nhận được nhiều cuộc gọi trong cùng một thời gian, tổng đài đã chuyển tiếp các cuộc gọi này đến một tổng đài khác và các thuê bao khác.

Tổng đài ghi nhận lưu lượng và tính cước đối với thuê bao của bà Ngân là chính xác. Toàn bộ 4.380 cuộc gọi trưng cầu giám định chính xác và được ghi nhận trên toàn bộ dữ liệu cước gốc của các tổng đài. Bà Ngân không đồng ý với kết quả giám định nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh kết quả giám định không chính xác hoặc nội dung kết luận không đầy đủ nên tòa không tiến hành giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Cước phát sinh từ dịch vụ gọi quốc tế

Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm đi sâu vào phân tích dịch vụ roaming được đăng ký nhưng nhà mạng không giải thích rõ cho bà Ngân, từ đó loại trừ trách nhiệm của bà Ngân khi sử dụng dịch vụ gọi quốc tế. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không làm rõ hai loại dịch vụ khác nhau đã được đăng ký đó là dịch vụ gọi quốc tế (viết tắt là “mở QT”) và dịch vụ roaming (viết tắt là “mở RM”), được liên kết với nhau bởi dấu “+”. Đáng lưu ý, cước phát sinh trong vụ án này không phải phát sinh từ dịch vụ mở roaming mà phát sinh từ dịch vụ gọi quốc tế.

Trong khi đó, dịch vụ chuyển cuộc gọi được mở cùng với dịch vụ cuộc gọi. Trong trường hợp thuê bao sử dụng dịch vụ gọi trong nước thì sẽ thực hiện chuyển trong nước, còn khi đăng ký dịch vụ gọi quốc tế thì sẽ thực hiện chuyển quốc tế. Dịch vụ chuyển cuộc gọi không cần yêu cầu hay đăng ký mà được cung cấp bởi tất cả mạng điện thoại trong nước cũng như hầu hết mạng điện thoại trên thế giới. Tuy nhiên, không phải mọi cuộc gọi đến đều được thực hiện chuyển cuộc gọi mà người sử dụng cần phải cài đặt một số mã tương ứng. Cách thực hiện được hướng dẫn phổ biến trên các phương tiện truyền thông.

Theo tòa phúc thẩm, ngay cả trong trường hợp bà Ngân không đăng ký dịch vụ roaming, chỉ đăng ký dịch vụ gọi quốc tế thì cước chuyển cuộc gọi quốc tế vẫn phát sinh khi sử dụng. Khi đăng ký dịch vụ gọi quốc tế, người sử dụng phải biết và phải chịu trách nhiệm về cước chuyển cuộc gọi quốc tế phát sinh khi sử dụng.

Số tiền bà Ngân ký quỹ 5 triệu đồng là thực hiện đảm bảo cho dịch vụ roaming. Do vậy, việc tòa sơ thẩm giải thích 5 triệu đồng ký quỹ là ngưỡng quốc tế là không có cơ sở. Tòa sơ thẩm cho rằng hợp đồng có nội dung không rõ ràng, các bên không thống nhất với nhau về việc giải thích nội dung hợp đồng để áp dụng giải thích hợp đồng có lợi cho bên yếu thế là không có căn cứ.

Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên buộc bà Ngân phải trả tiền cho VNPT.

Nguồn: Theo plo.vn

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Tranh tụng,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh