Án kinh tế: Phải cân nhắc lỗi của các bên

Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không đúng với nội dung đã thỏa thuận, có thiếu sót trong việc xác định lỗi của các bên… là các sai sót mà Tòa Kinh tế TAND Tối cao rút kinh nghiệm đối với các tòa địa phương.
Trước đây, Công ty TNHH GVN vay của chi nhánh một ngân hàng ở tỉnh Vĩnh Phúc hơn 10 tỉ đồng, đã trả nợ được hơn 1,5 tỉ đồng, còn nợ gốc hơn 9 tỉ đồng và lãi hơn 1 tỉ đồng. Sau đó, Công ty GVN vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên bị phía ngân hàng khởi kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Thỏa thuận một đằng, ra quyết định một nẻo
Tại phiên hòa giải ngày 26-8-2009, phía ngân hàng yêu cầu Công ty GVN trả toàn bộ số nợ trên vào ngày cuối cùng là 30-9-2009, đồng thời phải trả lãi phát sinh từ ngày 10-6-2009 cho đến khi trả hết nợ. Công ty GVN đồng ý. Sau đó, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản hòa giải thành, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Sau khi quyết định này có hiệu lực pháp luật, phía ngân hàng và TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng nội dung của quyết định không đúng thực tế mà các đương sự đã thỏa thuận. Nhận thấy văn bản đề nghị có căn cứ, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm. Tiếp đó, Tòa Kinh tế TAND Tối cao đã xử giám đốc thẩm, hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
 
Theo Tòa Kinh tế, trong biên bản hòa giải ngày 26-8-2009, phía ngân hàng có yêu cầu Công ty GVN trả toàn bộ lãi phát sinh từ ngày 10-6-2009 đến khi trả hết nợ. Công ty GVN cũng đồng ý nhưng trong biên bản hòa giải, tòa sơ thẩm không ghi nhận nội dung này mà lại tự thêm là “xử lý toàn bộ tài sản thế chấp để thu hồi nợ”. Ngoài ra, tòa sơ thẩm xác định nguyên đơn là chi nhánh ngân hàng ở tỉnh Vĩnh Phúc là không đúng mà phải xác định nguyên đơn là ngân hàng mẹ.
Liên quan đến việc thỏa thuận của các đương sự, Tòa Kinh tế còn rút kinh nghiệm chung là trong một số trường hợp khác, khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì tòa phải lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự. Các trường hợp này cần thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 186 BLTTDS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cùng Công văn số 107 ngày 23-6-2006 của TAND Tối cao.
 
Phải xác định lỗi
Theo Tòa Kinh tế, trong án kinh doanh, thương mại, việc xác định lỗi cũng như xem xét, đánh giá mức độ lỗi của các bên liên quan để làm căn cứ xác định trách nhiệm của mỗi bên là rất quan trọng.
Vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty TBM với Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh là một ví dụ. Theo đó, tháng 10-2007, Công ty TBM ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo Minh Bắc Ninh để bảo hiểm cho chiếc tàu TBM 08. Tháng 1-2008, trên đường từ cảng Vạn Gia (Quảng Ninh) đến cảng Phòng Thành (Trung Quốc), tàu TBM 08 gặp tai nạn bị đắm, làm mất tích một thủy thủ và gây tổn thất 770 tấn quặng sắt. Do Công ty Bảo Minh Bắc Ninh không đồng ý bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm nên Công ty TBM đã khởi kiện.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Quảng Ninh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TBM, buộc phía Bảo Minh phải bồi thường 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TBM.
Tháng 5-2012, chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm để giải quyết lại.
Theo quyết định kháng nghị, tòa sơ thẩm xác định Công ty Bảo Minh phải bồi thường là có căn cứ bởi vụ tai nạn là do thiên tai, không phải do bên Công ty TBM cố ý hoặc quá cẩu thả gây ra để được bồi thường bảo hiểm. Trong khi đó, phía Bảo Minh không có tài liệu chứng minh được bên Công ty TBM đã cố ý gây tai nạn chìm tàu. Theo quy định của Bộ luật Hàng hải và đối chiếu với hợp đồng bảo hiểm thì phía Bảo Minh phải có nghĩa vụ bồi thường cho Công ty TBM.

Tuy nhiên, Công ty TBM cũng có một phần lỗi: Tàu TBM 08 chỉ được phép lưu thông trong điều kiện sóng cao bằng và dưới 2 m nhưng lại lưu thông trong điều kiện gió cấp 5, cấp 6; danh sách thuyền viên không trùng khớp với danh sách đã đăng ký, một số thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn. Do vậy, Công ty TBM cũng phải chịu một phần tổn thất.

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Tranh tụng, vụ án về kinh tế một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh