THUẾ PHÁT SINH TỪ VIỆC CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP

Theo quy định pháp luật, cá nhân, tổ chức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong công ty thì phải kê khai và nộp thuế thu nhập phát sinh từ việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết đến quy định này, dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan thuế gửi thông báo truy thu thuế sau khi giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp đã hoàn tất. Do đó, Hãng luật DHP xin giới thiệu quy định pháp luật về thuế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.

                                               

1. Đối tượng chịu thuế

Các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong công ty.

2. Mức thuế suất

Chuyển nhượng cổ phần

Đối với tổ chức

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 20%. Vậy số tiền thuế phải nộp là 20% trên thu nhập chịu thuế. Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Giá bán chứng khoán Giá mua chứng khoán được chuyển nhượng Chi phí chuyển nhượng

Trong đó:

•Giá bán chứng khoán

Đối với chứng khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá bán chứng khoán là giá thực tế bán chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thỏa thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

Đối với chứng khoán của các công ty không thuộc các trường hợp nêu trên thì giá bán chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.

•Giá mua của chứng khoán

Đối với chứng khoán niêm yết và chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết nhưng thực hiện đăng ký giao dịch tại trung tâm giao dịch chứng khoán thì giá mua chứng khoán là giá thực mua chứng khoán (là giá khớp lệnh hoặc giá thỏa thuận) theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán.

Đối với chứng khoán mua thông qua đấu giá thì giá mua chứng khoán là mức giá ghi trên thông báo kết quả trúng đấu giá cổ phần của tổ chức thực hiện đấu giá cổ phần và giấy nộp tiền.

Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên: giá mua chứng khoán là giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng.

•Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.

Đối với cá nhân

Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 0,1%. Vậy số tiền thuế phải nộp là 0,1% trên thu nhập chịu thuế. Thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Trong đó giá chuyển nhượng chứng khoán được xác định như sau:

Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá chuyển nhượng chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên, giá chuyển nhượng là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm lập báo cáo tài chính gần nhất theo quy định của pháp luật về kế toán trước thời điểm chuyển nhượng.

Chuyển nhượng phần vốn góp

Đối với tổ chức

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 20%. Vậy số tiền thuế phải nộp là 20% trên thu nhập chịu thuế. Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Giá chuyển nhượng Giá mua phần vốn chuyển nhượng Chi phí chuyển nhượng

Trong đó:

•Giá chuyển nhượng là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.

•Giá mua của phần vốn chuyển nhượng

Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

•Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.

 Đối với cá nhân

Mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 20%. Vậy số tiền thuế phải nộp là 20% trên thu nhập chịu thuế. Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Giá chuyển nhượng Giá mua phần vốn chuyển nhượng Chi phí chuyển nhượng

Trong đó:

•Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

•Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn được xác định bằng tổng trị giá phần vốn góp ban đầu và các lần góp hoặc mua bổ sung.

•Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi phí thực tế phát sinh có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.

3. Thời hạn kê khai

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền chuẩn y việc chuyển nhượng vốn, hoặc ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn tại hợp đồng chuyển nhượng vốn đối với trường hợp không phải chuẩn y việc chuyển nhượng vốn.

Đối với thuế thu nhập cá nhân 

Thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế chậm nhất là 10 (mười) ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì thời điểm nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là trước khi làm thủ tục thay đổi danh sách cổ đông theo quy định của pháp luật.

Thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn góp

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười) kể từ ngày chuyển nhượng vốn.

4. Nếu quá thời hạn trên mà không kê khai thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm kê khai thuế, chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế

Xử phạt đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định

Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp chậm hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày mà có tình tiết giảm nhẹ.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 10 ngày (trừ trường hợp bị phạt cảnh cáo nêu ở trên).

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày đến 20 ngày.

Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 20 ngày đến 30 ngày.

Phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 30 ngày đến 40 ngày.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 ngày đến 90 ngày.

Xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế

Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Cơ sở pháp lý:

•Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007.

•Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013.

Luật Quản lý thuế năm 2006.

•Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

•Nghị định 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Văn phòng luật sư Trần Đức Hùng và Cộng sự

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề thuế phát sinh từ việc chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

 

 

 

 

 

Post Author: linh