Quy định mở về con dấu doanh nghiệp

Theo quy định trước đây, con dấu doanh nghiệp do cơ quan công an nơi tỉnh thành doanh nghiệp đặt trụ sở quản lý và cấp sử dụng. Doanh nghiệp thực hiện mọi thủ tục đăng ký sử dụng con dấu thông qua cơ quan Công an, khi doanh nghiệp làm mất con dấu phải thực hiện giải trình, phạt vi phạm hành chính và làm thủ tục xin cấp lại con dấu. Điều này tạo một áp lực khá lớn đối với doanh nghiệp trong việc bảo quản và sử dụng con dấu.

Ảnh mang tính chất minh họa (nguồn Internet)

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định thoải mái hơn cho doanh nghiệp về vấn đề sử dụng con dấu. Pháp luật trao quyền quyết định về hình thức, số lượng cũng như nội dung trên con dấu. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm thông báo về mẫu dấu doanh nghiệp sử dụng lên Sở kế hoạch và đầu tư tại Tỉnh, Thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Khi doanh nghiệp làm mất cũng không phải thông báo hay chịu một mức phạt hành chính nào đó. Doanh nghiệp có thể khắc lại con dấu khác giống với mẫu dấu doanh nghiệp đã thông báo lên Sở kế hoạch và đầu tư và tiếp tục sử dụng. Trừ trường hợp, Doanh nghiệp thay đổi mẫu dấu, thay đổi nội dung cũng như kích thước, hình dáng mẫu dấu thì phải làm thủ tục thông báo thay đổi mẫu dấu lên Sở kế hoạch và đầu tư.

Con dấu doanh nghiệp có hiệu lực có thể từ khi doanh nghiệp nộp thông báo mẫu dấu lên Sở kế hoạch và đầu tư hoặc một thời gian khác tùy thuộc vào thời gian ấn định hiệu lực của mẫu dấu doanh nghiệp đăng ký trên Sở kế hoạch và đầu tư.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng mẫu dấu tròn (mẫu dấu cơ bản) chưa có nhiều sự thay đổi và sáng tạo trong việc thiết kế mẫu dấu. Doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng hết quyền của doanh nghiệp được quy định tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 thì:

“Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu, nhưng phải thể hiện các thông tin sau:

a) Tên doanh nghiệp;

b) Mã số doanh nghiệp.”

Ngoài nội dung bắt buộc trên, Doanh nghiệp có thể thêm bất kỳ nội dung, hình ảnh hay ngôn ngữ khác trên mẫu dấu, hình dạng mẫu dấu có thể hình tròn, hình đa giác, ngũ giác…. (theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 96/2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp).

Tuy nhiên, có một số lưu ý doanh nghiệp không được sử dụng các từ ngữ , hình ảnh, ký hiệu  sau trên mẫu dấu của mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 96/2015 Quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp:

a) Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b) Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.

c) Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Ngoài những nội dung pháp luật cấm, doanh nghiệp có thể tự do sáng tạo và làm mới mẫu dấu của mình, thể hiện nét riêng của từng doanh nghiệp cũng như số lượng con dấu doanh nghiệp muốn sử dụng, tùy thuộc vào nhu cầu hoạt động sử dụng con dấu.

Tương tự như doanh nghiệp, mẫu dấu của Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp cũng do Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu.

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, thuế, đầu tư, sở hữu trí tuệ một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh