QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VIỆC QUẢNG CÁO SẢN PHẨM KHÔNG ĐÚNG CHẤT LƯỢNG THỰC TẾ

      Trong thời gian vừa qua đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng các nghệ sỹ, người nổi tiếng tham gia hoạt động quảng cáo nhưng vô hình tiếp tay cho sản phẩm không đúng với chất lượng thực tế, không như lời PR và trái với quy định pháp luật khiến nhiều người tiêu dùng vô cùng thất vọng.

ảnh: Internet

Quy định pháp luật về hoạt động quảng cáo như sau:

Điều 7 Luật quảng cáo 2012 cấm hành vi: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Vậy, việc quảng cáo không đúng quy định pháp luật sẽ bị xử phạt như thế nào?

Luật quảng cáo 2012 quy định “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thể hiện sản phẩm quảng cáo trên người thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”. Như vậy, người đưa sản phẩm quảng cáo đến với công chúng là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Hiện nay, Luật Quảng cáo Việt Nam chưa quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quảng cáo cũng chưa quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nghệ sỹ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền 50 -70 triệu đồng với cá nhân, tổ chức nếu có hành vi quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ cấm. Nghị định này có quy định phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Việc quảng cáo không đúng sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến danh tiếng của người tham gia quảng cáo.

Do đó, các cá nhân, tổ chức khi nhận quảng cáo các sản phẩm cần yêu cầu phía sản phẩm cung cấp các văn bản, chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề như: Chất lượng sản phẩm, được phép lưu hành, phát hành, các cam kết khác có liên quan… Về kịch bản quảng cáo cũng cần xem xét kỹ, tránh những câu từ, nội dung, tình tiết gây hiểu lầm hoặc dễ gây hiểu lầm về công dụng, chức năng, giá thành của các sản phẩm.     

Lê Nga.

Post Author: Luật DHP