Quy chế kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự

VKSND Tối cao vừa có Quyết định 364/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự. Quy chế này thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 567/QĐ-VKSTC năm 2012.

Theo đó, quy chế mới quy định khá chi tiết các nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS; công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự. Đáng chú ý, Quyết định 364/QĐ-VKSTC đã quy định chi tiết về việc hỏi, yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, phát biểu ý kiến của VKS tại phiên tòa riêng tại Điều 23.

Cụ thể, tại phiên tòa, chỉ hỏi những vấn đề còn chưa rõ nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Kiểm sát viên có thể yêu cầu hội đồng xét xử công bố tài liệu, cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác lưu trữ âm thanh, hình ảnh (nếu có); xem xét vật chứng.

Kiểm sát viên cũng có thể yêu cầu tạm ngừng, hoãn phiên tòa khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Kiểm sát viên được kiến nghị hội đồng xét xử về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiến nghị khắc phục vi phạm tại phiên tòa (nếu có).

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, kiểm sát viên có thể bổ sung văn bản phát biểu ý kiến và phát biểu ý kiến của VKS về các nội dung: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và của những người tham gia tố tụng kể từ khi thụ lý vụ án đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án; việc giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 262 BLTTDS và theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 28 TTLT số 02/2016.

Trường hợp kiểm sát viên yêu cầu hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ bảo đảm đủ cơ sở giải quyết vụ án nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận và vẫn tiến hành xét xử thì kiểm sát viên tiếp tục tham gia phiên tòa, phát biểu quan điểm của VKS nêu rõ việc chưa có đủ cơ sở để giải quyết vụ án vì thiếu những chứng cứ mà kiểm sát viên đã yêu cầu tòa án xác minh, thu thập bổ sung. Sau phiên tòa, kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo với lãnh đạo VKS về kết quả xét xử sơ thẩm để xem xét kiến nghị yêu cầu tòa án khắc phục vi phạm.

Khi chủ tọa phiên tòa tuyên án, kiểm sát viên phải ghi chép nhận định, căn cứ pháp luật và phần quyết định của bản án để làm căn cứ kiểm sát bản án, quyết định.

Nguồn: Theo plo.vn

Để được hỗ trợ, tư vấn về Giải quyết Tranh tụng,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4, Vinhomes Central Park 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

 

Post Author: vanh