Những lưu ý khi đăng ký kinh doanh

Để có thể vững bước trên con đường kinh doanh, kiến thức cơ bản về đăng ký kinh doanh là bước đầu tiên dẫn đến thành công. Bài viết dưới đây DHP LAW sẽ đưa ra những lưu ý cần thiết cho bạn:

Hiểu rõ đặc điểm từng loại hình doanh nghiệp

Đầu tiên, khi đăng ký kinh doanh chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ những đặc điểm từng loại hình doanh nghiệp để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của công ty.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cần xác định địa chỉ trụ sở, vốn điều lệ, chức danh người đại diện theo pháp luật cũng như ngành nghề kinh doanh theo luật định. Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu về vốn pháp định hay chứng chỉ hành nghề thì chủ doanh nghiệp cũng cần đáp ứng được.

Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các thông tin trên, chủ doanh nghiệp cần soạn thảo hồ sơ công ty theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định 58/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh. Tùy từng loại hình doanh nghiệp pháp luật có quy định riêng về tài liệu doanh nghiệp cần cung cấp khi thành lập.

Hồ sơ sẽ được người thành lập doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định tại Điều 25 Nghị định 58/2015. Hiện nay, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai,… đã triển khai dịch vụ đăng ký qua mạng và giao trả hồ sơ tại nhà, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp.

Sau 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ doanh nghiệp hợp lệ, chủ doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Công thông tin doanh nghiệp quốc gia.

Làm con dấu pháp nhân

Doanh nghiệp cần thực hiện hoạt động làm con dấu pháp nhân. Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định doanh nghiệp phải có con dấu, tuy nhiên, nhiều hoạt động liên quan đến thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp vẫn yêu cầu có con dấu.

Vì vậy, sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp cần photo và đem đến cơ sở có chức năng khắc dấu để thực hiện việc làm con dấu pháp nhân cho công ty. Trước khi sử dụng mẫu con dấu, doanh nghiệp phải gửi thông báo về mẫu con dấu quang trang điện tử đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở theo quy định. 

Đăng ký khai thuế

Một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có điều kiện sau khi đăng ký kinh doanh và con dấu là có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình theo quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, sau khi có Đăng ký kinh doanh Doanh nghiệp cần thực hiện các công việc đăng ký kê khai thuế với cơ quan thuế tại nơi đăng ký kinh doanh, đăng ký kê khai thuế qua mạng điện tử thông qua dịch vụ chữ ký số, nộp thuế môn bài, thuế GTGT theo quy định của Luật Quản lý thuế và đặt in hóa đơn theo Thông tư 39/2014/TT-BTC.

Trên đây là những công việc cơ bản mà bất cứ doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh cũng đều phải thực hiện. Để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động một cách hợp pháp, việc hiểu rõ và tuân thủ những quy định của pháp luật là điều vô cùng quan trọng, bên cạnh đó cũng giúp doanh nghiệp tránh khỏi những rắc rối về luật pháp có thể xảy ra. 

   

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh