Những điều kiện để hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực theo quy định của pháp luật là gì?

Hoạt động mua bán hàng hóa là một hoạt động trung tâm trong giao lưu thương mại, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Quan hệ mua bán hàng hóa được thể hiện dưới hình thức pháp lí nhất định là hợp đồng mua bán hàng hóa. “Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên, theo đó bên bán có nghịa vụ giao hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ trả tiền và nhận hàng hóa”. Theo đó, hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm bốn đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, về chủ thể: hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân.

Thứ hai, về hình thức: hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thiết lập dưới hình thức lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong những trường hợp pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Thứ ba, về đối tượng: hợp đồng mua bán hàng hóa phải là hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản và những vật gắn liền với đất đai. Hàng hóa ở đây phải là loại hàng hóa hợp pháp, được phép kinh doanh.

Thứ tư, về nội dung:

Trong quan hệ mua bán hàng hóa giữa các bên, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền; bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. Mục đích thông thường của các bên là lợi nhuận.

Để hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực thì hợp đồng đó phải đáp ứng được những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Luật Thương mại năm 2005 không có điều khoản nào quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa. Do đó, việc xác định các điều kiện sẽ dựa trên cơ sở khái niệm, đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa cũng như các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và các văn bản khác có liên quan để làm căn cứ. Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

  1. a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  2. b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  3. c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  4. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Theo đó, hợp đồng mua bán hàng hóa g sẽ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Về nguyên tắc giao kết hợp đồng:

Hợp đồng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên. Các bên tự do trong việc thể hiện ý chí của mình, hướng đến lợi ích của các bên đồng thời không xâm phạm lợi ích chính đáng mà pháp luật cần bảo vệ.

  • Về chủ thể tham gia, giao kết hợp đồng:

Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.

Ngoài ra, chủ thể giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa cũng phải đúng thẩm quyền nghĩa là, chủ thể giao kết hợp đồng phải là đại diện hợp pháp của thương nhân (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền).

  • Về đối tượng của hợp đồng:

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định hàng hóa bao gồm:

“a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

  1. b) Những vật gắn liền với đất đai”.

Như vậy, hàng hóa trong thương mại là đối tượng mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc có thể hình thành trong tương lai, có thể là động sản hoặc bất động sản. Tuy nhiên, những hàng hóa này phải là những hàng hóa hợp pháp và phải không thuộc những trường hợp hàng hóa bị cấm kinh doanh trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

  • Về nội dung của hợp đồng:

Hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. Nội dung của hợp đồng bao gồm các điều khoản được ghi nhận trong hợp đồng thông thường bao gồm các điều khoản: Tên hàng, số lượng, chất lượng/phẩm chất, giá cả, phương thức thanh toán, giao hàng…. Ngoài ra, các bên còn có thể thỏa thuận về các điều khoản khác của hợp đồng. Tuy nhiên, số lượng điều khoản, loại điều khoản không phải là điều kiện để vô hiệu hợp đồng. Các điều khoản của hợp đồng phải phù hợp với pháp luật, điều khoản nào mà trái pháp luật thì điều khoản đó sẽ vô hiệu. Nói cách khác, nội dung hợp đồng không thể là điều kiện để hợp đồng vô hiệu toàn phần.

  • Về hình thức của hợp đồng:

Điều 24 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

 “1. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

  1. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó”.

Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được kí kết dưới mọi hình thức, trừ những hợp đồng có quy định chuyên ngành như: hợp đồng mua bán quốc tế, hợp đồng mua bán điện, …thì bắt buộc phải bằng văn bản. Nói cách khác, điều kiện về hình thức của hợp đồng chỉ áp dụng cho một số loại hợp đồng mà pháp luật quy định cụ thể về hình thức chứ không phải áp dụng cho tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa.

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về vấn đề Doanh nghiệp, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Thuế,… một cách tốt nhất, quý khách hàng vui lòng liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:
HÃNG LUẬT DHP
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà Landmark 4 Vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: vanh