NHẬN DIỆN NHỮNG RỦI RO VÀ CÁC LƯU Ý KHI NHÀ ĐẦU TƯ GÓP VỐN, ĐẦU TƯ VÀO CÁC DOANH NGHIỆP

Trong thời gian gần đây, chúng ta liên tiếp nhận được những thông tin về hàng loạt các doanh nghiệp lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc lợi dụng sự tín nhiệm của các nhà đầu tư, khách hàng gây hoang mang dư luận. Điển hình là “Vụ án lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của Công ty Alibaba” hay gần đây nhất là vụ việc “Chuỗi nhà hàng món Huế thuộc Công ty TNHH chế biến thực phẩm Huy Việt Nam đóng cửa hàng loạt các chi nhánh tại Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, lỗ cả trăm tỷ đồng nhưng các nhà đầu tư không hề hay biết”.

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay trên thị trường, có nhiều doanh nghiệp thành lập nhiều chi nhánh, khuếch tán thuơng hiệu, cam kết lợi nhuận để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư tiến hành góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp lại không kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp cũng như dòng vốn mà mình đã đầu tư vào. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hoạt động thua lỗ mà các nhà đầu tư không hề hay biết.

Dựa trên thực tế đó, DHP Law gửi đến Quý bạn đọc bài viết “Nhận diện những rủi ro và các lưu ý khi nhà đầu tư góp vốn, đầu tư vào các doanh nghiệp” để mọi người có cái nhìn tổng quan và rút ra được những kinh nghiệm trước khi bắt đầu góp vốn đầu tư vào bất cứ dự án hay doanh nghiệp nào.

I. Nhận diện rủi ro khi đầu tư/góp vốn kinh doanh:

  • Các doanh nghiệp khi thu hút vốn đầu tư thường sẽ tạo lòng tin bằng cách khuếch tán thương hiệu của mình, cam kết lơi nhuận cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau khi đầu tư, Nhà đầu tư/người góp vốn không kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp, không kiểm soát được dòng vốn của mình khi đầu tư vào doanh nghiệp. Lợi dụng sự tín nhiệm, nhiều doanh nghiệp đã không sử dụng nguồn vốn đầu tư đúng mục đích cam kết, dẫn đến thất thoát, thua lỗ.
  • Trường hợp doanh nghiệp có chủ đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngay từ ban đầu nên đã lợi dụng lòng tin của Nhà đầu tư/người góp vốn để thực hiện hành vi của mình.

II. Những cách thức để Nhà đầu tư nhận diện được những rủi ro khi đầu tư/góp vốn kinh doanh:

Góp vốn là sự đóng góp của hai hay nhiều đối tác để tạo nên số vốn nhất định. Do liên quan đến quyền lợi riêng và chung nên việc này có nhiều vấn đề phức tạp. Nếu không cẩn thận, nhà đầu tư/người góp vốn sẽ vấp phải các nguy cơ như đồng vốn không sinh lãi, thâm hụt, thậm chí mất vốn. Vì vậy, những rủi ro khi đầu tư/góp vốn kinh doanh được thể hiện ở những hình thức như sau:

  • Những doanh nghiệp có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt phần vốn góp của Nhà đầu tư thường họ sẽ đăng ký vốn điều lệ rất lớn, tiến hành thành lập nhiều chi nhánh, phát triển thương hiệu một cách ồ ạt mà không bám sát vào năng lực của doanh nghiệp và những chuyển biến của thị trường.
  • Những doanh nghiệp đó sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong việc cam kết lợi nhuận chia cho nhà đầu tư rất cao, không sát với doanh thu, lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp.
  • Tình hình doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ có sự biến động theo chiều hướng như sau: Doanh nghiệp sẽ hoạch toán doanh thu/lợi nhuận rất cao khi bắt đầu kinh doanh để thu hút đầu tư nhưng doanh thu sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, trong báo cáo nội bộ, doanh nghiệp vẫn báo cáo có lãi dẫn đến việc nhà đầu tư không nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như dòng vốn mà mình góp vào doanh nghiệp.

III. Nhà đầu tư nên làm gì để hạn chế rủi ro khi đầu tư vào Doanh nghiệp:

  • Khi góp vốn đầu tư vào một doanh nghiệp, điều đầu tiên nhà đầu tư nên tìm hiểu rõ và lựa chọn đối tác để đầu tư kinh doanh một cách cẩn thận. Các bên nên ký kết hợp đồng và thỏa thuận phân chia lợi nhuận rõ ràng, minh bạch.
  • Nhà đầu tư không nên quan tâm đến vốn điều lệ của doanh nghiệp đó mà phải tìm hiểu và phân tích tài sản hiện có của doanh nghiệp;
  • Nhà đầu tư nên tham gia vào các chức danh của doanh nghiệp để bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban giám sát,…);
  • Nhà đầu tư nên thực hiện quyền cổ đông của mình trong việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các hồ sơ, giấy tờ như hồ sơ kế toán, báo cáo tài chính để kiểm tra định hoạt động của doanh nghiệp cũng như kiểm soát dòng vốn của mình khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Trên đây là những rủi ro và cách nhận diện rủi ro mà DHP Law đúc kết được từ những kinh nghiệm tư vấn thực tế cho các doanh nghiệp. Các nhà đầu tư nên có sự chuẩn bị trước các phương án giải quyết các khúc mắc có thể phát sinh tránh các rủi ro pháp lý nhưng vẫn đảm bảo được tính hợp pháp khi đầu tư vào các doanh nghiệp.

Và để hạn chế những rủi ro không đáng có các bên khi tiến hành hợp tác đầu tư nên tìm cho mình một luật sư hoặc một cố vấn pháp lý thường xuyên tư vấn ngay từ giai đoạn khởi đầu.

—————————————–
Để được hỗ trợ pháp lý và/hoặc giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ:
HÃNG LUẬT DHP – DHP LAW
Địa chỉ: L4-09.OT06 Tòa nhà landmark 4, vinhomes Central Park, 720A Điện Biên Phủ, Phường 22, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0986.938.627
Zalo, Viber, Line: 0986.938.627
Facebook: facebook.com/DHPLAW

Post Author: hung.dhp